Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 02:25

'Đổ tiền cho đặc khu có rủi ro tầm quốc gia'

11:18:00 06/08/2018

[BBC News - 6/8/2018 - PGS. TS. Nguyễn Đức Thành] Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế Đặc biệt (Luật Đặc khu) vào tuần này không có trong nghị trình vì phải cần "nghiên cứu tối đa các ý kiến tâm huyết để hoàn thiện dự thảo luật cho thật sự chất lượng", theo thông báo của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội.

Dự luật về Ba đặc khu hành chính - kinh tế từng được dự kiến đưa ra Quốc hội Việt Nam biểu quyết và thông qua từ trước.

Trả lời phỏng vấn với phóng viên BBC Nguyễn Hoàng tại Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nói về một số quan ngại của ông về luật này, trong đó có ưu đãi thuế và đề xuất đầu tư vốn quá lớn.

TS Nguyễn Đức Thành: Trong Luật Đặc khu thì tinh thần về ưu đãi thuế rất rõ và ưu đãi đó rất dài. Điều đó dẫn đến e ngại của chúng ta về mất mát nguồn thu có thể sẽ là lớn và giống như một trạng thái được gọi là "thiên đường thuế". Do đó theo tôi ưu đãi thuế không nên là mục tiêu chính của Luật Đặc khu và đặc khu nên là nơi tạo ra những thuận lợi khác cho doanh nghiệp.

Đó là vì cái ưu đãi thuế Việt Nam thực hiện cũng rất lâu rồi. Các đặc khu phải là những bộ mặt mới đến từ môi trường kinh doanh, hệ thống hành chính tư pháp có hiệu quả hỗ trợ để hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách nhanh gọn cùng một đội ngũ lao động có chất lượng tốt và một chính quyền hữu hiệu. Tóm lại chỉ dựa vào ưu đãi thuế thì đó không phải là cái ưu việt.

BBCTruyền thông nói đến số tiền rất lớn để đầu tư cho ba đặc khu kinh tế là 1,5 triệu tỉ đồng?

TS Nguyễn Đức Thành: Đây là con số ước tính tổng cộng rất lớn mặc dù nó có thể được đầu tư trong nhiều năm. Tôi cho rằng việc xây dựng các đặc khu phải dựa trên nguồn lực kết hợp, lợi thế đã sẵn có và phải tối thiểu hóa phần đầu tư từ ngân sách, tức là giảm tối thiểu tiền từ ngân sách. Bởi vì ngay tại những trọng điểm kinh tế lớn nhất của chúng ta như Tp HCM hay Hà Nội thì chúng ta cũng không có tiền để chúng ta đầu tư thì huống gì nói tới việc chúng ta huy động một lượng tiền lớn như vậy để dành cho các đặc khu đó.

Theo tôi cách tư duy như hiện nay sử dụng rất nhiều vốn ngân sách như vậy là không phù hợp và đây là điểm tôi e ngại nhất trong Luật Đặc khu.

Biển Quan Lạn, thuộc huyện Vân Đồn, Vân Đồn, tỉnh Quang Ninh

Kinh tế VN: 9 giải pháp thay cho 3 đặc khu

BBCTrong báo cáo kinh tế mới đây, ông nói về bối cảnh đất đai không là lợi thế của nhà nước nữa trong kế hoạch phát triển các đặc khu này?

TS Nguyễn Đức Thành: Tôi cho rằng yếu tố để đặc khu thành công là khi mở ra thì chủ yếu đất đai vẫn còn phải thuộc về sở hữu của nhà nước. Chẳng hạn như khu Thâm Quyến của Trung Quốc khi họ mới mở ra thì có thể là như vậy. Còn ở Việt Nam thì có vẻ như trạng thái không còn như thế. Các nhà đầu tư vào thì họ buộc phải mua hoặc thuê đất với giá của khu vực tư nhân thì chúng ta không thể đòi hỏi được họ đóng góp hay hỗ trợ theo kiểu khác được.

Tuy nhiên giả sử như đất đấy là của nhà nước thì nhà nước có thể có quyền ưu đãi về tiền thuê đất hay sở hữu đất ở đó nhưng đổi lại thì sử dụng nguồn lực của các doanh nghiệp đó để xây dựng hạ tầng chẳng hạn. Tức là nói nôm na là đổi đất lấy hạ tầng, thì chúng ta lại không có lợi thế đó. Điều đó lý giải tại sao chúng ta phải đưa một lượng tiền khổng lồ vào để xây dựng hạ tầng. Khi xây hạ tầng như vậy cho doanh nghiệp hoạt động thì chúng ta làm giống như một dự án kinh doanh và chúng ta phải bỏ rất nhiều vốn và cái việc có thành công hay không thì chúng ta chưa trả lời được. Và đó trở nên một cái gì đó rất rủi ro và rủi ro này là ở tầm quốc gia. Đồng thời tôi cũng có quan điểm là cùng làm một lúc ba đặc khu thì ở vị thế quốc gia của Việt Nam là cũng rất bất lợi.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image