Tìm kiếm
Thứ Sáu, 19/04/2024 10:04

“Đối phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cần chính sách tỷ giá mềm dẻo”

17:31:00 11/07/2018

[BizLive - 11/7/2018 - PGS.TS Nguyễn Ðức Thành, TS. Nguyễn Trí Hiếu] Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, giảm giá đồng Việt Nam so với USD nhưng không giảm mạnh bằng Nhân dân tệ. 

“Đối phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cần chính sách tỷ giá mềm dẻo”

Ảnh minh họa.

Nêu quan điểm tại toạ đàm công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2018 diễn ra chiều 11/7, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc thời gian vừa qua yếu đi có 2 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất do Trung Quốc cố tình hạ giá đồng Nhân dân tệ thì đồng tiền Trung Quốc yếu đi và phải mua vào USD ở thị trường Trung Quốc, dự trữ phải tăng nhưng bằng chứng dự trữ lại giảm.

Kịch bản thứ 2, nhà đầu tư ở Trung Quốc lo ngại sớm muộn đồng Nhân dân tệ mất giá, suy yếu trong tương lai nên rút vốn, năm ngoái con số này là 800 tỷ USD rút ra và đồng Nhân dân tệ suy yếu. “Từ nỗi lo sợ họ thực hiện rút vốn khỏi Trung Quốc và làm đồng Nhân dân tệ suy giảm thật, Trung Quốc không muốn nhà đầu tư hoảng loạn, họ phải đẩy USD ra ngoài và giảm dự trữ, dự trữ ngoại hối Trung Quốc giảm xuống mặc dù chưa nhiều”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, nhiều người nói cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ không làm Trung Quốc nao núng là không phải, quan điểm của VEPR cho rằng Trung Quốc có e ngại và có tổn thương bởi chính sách trừng phạt của Mỹ.

Trở lại Việt Nam, theo ông Thành, đồng Nhân dân tệ giảm giá, hàng Trung Quốc có thể nghẽn lại, Việt Nam phải chủ động trong việc này do hàng Trung Quốc có thể cạnh tranh với hàng Việt.

“Tiền Trung Quốc giảm, tiền Mỹ tăng càng làm hàng hoá rẻ hơn. Nếu như mổ xẻ cơ cấu xuất nhập khẩu, đa số chúng ta nhập từ Trung Quốc hàng tiêu dùng nhưng cũng nhập nguyên liệu, xuất khẩu sang Mỹ có thể vẫn với giá như vừa qua, nguyên liệu rẻ mà hàng bán ra vẫn giữ giá như vậy chúng ta vẫn có có lợi”, ông Thành nói về mặt lợi của Việt Nam từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Do đó, ông Thành cho biết để đối phó với tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, giảm giá đồng Việt Nam so với USD nhưng không giảm mạnh bằng Nhân dân tệ. Ví dụ, Nhân dân tệ giảm 10% Việt Nam có thể giảm 5%. Mức giảm giá của đồng Việt Nam theo đề xuất của Viện trưởng VEPR chấp nhận được từ mức 2-3%.

Chia sẻ quan điểm về đồng Nhân dân tệ mất giá, trong khi ông Nguyễn Đức Thành nghiêng về yếu tố cung cầu như vừa nêu, ý kiến của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lại ngược lại.

Ông Hiếu cho biết, từ tháng 4 đến thời điểm này đồng Nhân dân tệ đã mất giá 5,4% trong 3 tháng khi Mỹ bắt đầu nhăm nhe trừng phạt Trung Quốc còn Việt Nam giữ ổn định với đồng USD nên đã lên giá so với đồng Nhân dân tệ.

“Chính phủ Trung Quốc giảm dự trữ ngoại tệ, đối phó với Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã giảm giá Nhân dân tệ bù trừ cho thiệt hại đã đang xảy ra và họ đã phá giá động thái rất mạnh. Tôi cho rằng Trung Quốc còn nhiều room để phá giá đồng Nhân dân tệ”, ông Hiếu nói.

“Tôi e rằng việc nhập siêu với Trung Quốc sẽ mạnh hơn. Từ nay đến cuối năm cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ tiếp tục và biện pháp đáp trả của Trung Quốc mạnh mẽ hơn, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam”, ông Hiếu bổ sung.

BẢO VY

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image