Tìm kiếm
Thứ Bảy, 20/04/2024 11:10

“Không dễ dàng phủ nhận Uber”

12:42:00 04/12/2014

[baodientu.chinhphu.vn - 04/12/2014 - TS. Nguyễn Đức Thành] Uber là một trường hợp rất thú vị cho điều hành chính sách và các doanh nghiệp taxi ở bất cứ nơi đâu đều nhận ra ngay tính ưu việt của nó - ý kiến chuyên gia kinh tế.

TS. Nguyễn Đức Thành

Vấn đề có nên hợp pháp hóa Uber đang gây nhiều tranh cãi, sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói rằng nên nghiên cứu hợp pháp hóa một dịch vụ có lợi cho người tiêu dùng như vậy.

Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) nhận định: Uber taxi là một sáng kiến mới trong việc áp dụng công nghệ thông tin trên nền Internet. Nhờ có dịch vụ này, chi phí tìm kiếm taxi giảm đi đáng kể, mà không cần gọi đến bất cứ một hãng taxi nào khác nữa. Có thể nói đây là một ứng dụng rất hữu hiệu của những thành tựu công nghệ trong kỷ nguyên Internet.

Tự nó thì không có hại gì, chỉ mang lại thuận lợi cho người tiêu dùng với chi phí hạ hơn. Về mặt ứng xử, chúng ta phải hiểu rõ đây là một sự tiến hóa trong các sản phẩm dịch vụ. Không phải dễ dàng mà phủ nhận nó, và không việc gì phải phủ nhận. Vấn đề là chúng ta chấp nhận nó như thế nào, một cách văn minh.

Trong bối cảnh Việt Nam đang muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền, thì việc ứng xử với những hiện tượng mới cần phải tuân thủ nguyên tắc pháp quyền. Không thể cấm một hành vi mới nảy sinh mà trước đó chưa bao giờ tồn tại và chưa có chế tài điều chỉnh.

Nhiệm vụ của các nhà lập pháp là nhận thức các tiến bộ mới đó và tìm cách điều chỉnh theo đúng bản chất của vấn đề. Nếu vội vã cấm các hoạt động mới thì rất thiếu văn minh, và xã hội không có nhân tố mới phát sinh. Như thế là tự đi lùi lại trong quá trình tiến hóa. Cụ thể, môi trường kinh doanh như vậy là què quặt.

Theo ông, tại sao các doanh nghiệp taxi  lại phản đối hình thức kinh doanh này? Và liệu có nên “gò” hình thức kinh doanh này vào hình thức kinh doanh taxi truyền thống, chỉ coi nó như một ứng dụng cho hoạt động taxi, hay ứng xử với nó như một loại hình kinh doanh mới, với các quy định pháp lý mới?

TS Nguyễn Đức Thành: Các doanh nghiệp taxi ở bất cứ nơi đâu, không phải chỉ ở Việt Nam, đều nhận ra ngay tính ưu việt của Uber. Sự ưu việt nằm ở cách điều hành hệ thống taxi một cách hiệu quả, cho cả người sử dụng lẫn lái xe.

Có thể ví hệ thống điều hành taxi hiện nay như công nghệ động cơ hơi nước. Còn hệ thống của Uber giống như động cơ đốt trong. Công nghệ trước chắc chắn không thể cạnh tranh được với công nghệ sau. Do đó, các hãng taxi  truyền thống sẽ cố gắng phản đối hoặc ít nhất kìm hãm sự phát triển của Uber. Nhưng tôi tin rằng nỗ lực này sẽ thất bại, như đã được chứng minh trong lịch sử tiến hóa của các loại công nghệ khác.

Cần lưu ý rằng mối quan hệ kinh tế ở đây cũng đã thay đổi. Uber trực tiếp thu tiền qua thẻ của người sử dụng dịch vụ và trích lại cho người lái xe sau. Như vậy, việc điều chỉnh luật lệ cũng phải thay đổi một cách tương ứng. Thêm nữa, bản thân Uber không sở hữu các xe này, chỉ thuần túy là người kết nối thông tin giữa người muốn đi xa và người lái xe, thực hiện dịch vụ thanh toán…

Tóm lại, Uber thuần túy là doanh nghiệp cung ứng một số dịch vụ, nhưng không phải dịch vụ vận tải. Cần phải hiểu rõ điều này để ứng xử cho phù hợp.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc kinh doanh qua Uber cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ cho người tiêu dùng (như không được bảo hiểm) và gây khó cho quản lý Nhà nước. Theo ông, giải pháp cho vấn đề là gì?

TS Nguyễn Đức Thành: Thực ra các mối nguy hiểm dường như đã bị những người chống đối thổi phồng. Tôi nghĩ dịch vụ của Uber còn an toàn hơn các hãng taxi hiện hành. Vì về nguyên tắc nó có thể giám sát được thông tin của cả người khách lẫn người lái thông qua hệ thống thẻ tín dụng và lịch sử truy cập vào hệ thống. Do đó, việc truy lại một dịch vụ trong quá khứ là tương đối dễ dàng. Tôi tin là như vậy. Còn các vấn đề khác, có nhiều ý kiến được đưa ra. Tôi nghĩ không thể độc đoán kết luận vội vàng. Cần phân tích và xem xét cụ thể, với thái độ công bằng và văn minh.

Bản thân Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của chúng tôi đang có ý định tổ chức một cuộc Tọa đàm khoa học về chủ đề dịch vụ Uber. Bởi vì đây là một trường hợp rất thú vị cho điều hành chính sách. Chúng ta thực sự cần học hỏi kỹ lưỡng về tình huống điển hình này, để rút kinh nghiệm cho những thay đổi, điều chỉnh chính sách cho nhiều loại sản phẩm khác, để có thể thích nghi trong một thế giới đang thay đổi. Xét cho cùng, không phải chúng ta chỉ nỗ lực quản lý những gì đang có, mà phải quản lý được quá trình thay đổi đang liên tục diễn ra xung quanh ta.

Ông bình luận thế nào về 2 quan điểm được đưa ra từ chính Bộ GTVT: Một Thứ trưởng nói “tính hợp pháp của hoạt động Uber tại Việt Nam chưa có, chưa có quy định nghĩa là vi phạm”, còn Bộ trưởng Đinh La Thăng nói “nên hợp pháp hóa Uber nếu điều này có lợi cho người tiêu dùng, nên bỏ tư duy không quản được thì cấm”?

TS Nguyễn Đức Thành: Đây là một trường hợp điển hình của mức độ thấm nhuần các nguyên tắc pháp quyền. Phản ứng của vị Thứ trưởng nọ trái với tinh thần tạo dựng, cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Có thể ông bị ảnh hưởng bởi quan điểm của ngành taxi, đối tượng trực tiếp bị cạnh tranh bởi Uber, hoặc ông chưa hiểu rõ công nghệ Uber. Nhưng trong bất kỳ tình huống nào, phát biểu như vậy là chưa sâu sắc.

Trường hợp của Bộ trưởng Đinh La Thăng thì hoàn toàn ngược lại. Tôi thấy thế là rất đúng các nguyên tắc điều hành. Những vị Bộ trưởng như vậy giúp người dân và nhà đầu tư tin tưởng hơn vào Chính phủ.

Hà Chính (thực hiện)

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image