Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 02:45

'Việt Nam đang giống Nhật Bản giai đoạn 1950'

14:26:00 11/01/2018

[VnExpess - 11/1/2018 - GS. Trần Văn Thọ, TS. Nguyễn Đức Thành, GS. Kenichi Ohno] Chuyên gia Trần Văn Thọ nhận định như vậy khi nói về những vấn đề trong chuyển dịch và cải thiện năng suất lao động Việt Nam.

Cải thiện năng suất lao động là một trong hai hội thảo quốc tế nằm trong khuôn khổ "Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018" tổ chức sáng nay (11/1).

Với tham luận mở đầu, Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản), thành viên tổ tư vấn Thủ tướng cho rằng, những con số về kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây khá tương đồng với Nhật Bản trước giai đoạn bùng nổ kinh tế. Điều này vừa là cơ hội, nhưng cũng trở thành thách thức.

"Nhật Bản giai đoạn đó cũng tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên điều kiện thậm chí còn kém hơn. Nhưng sau 20 năm phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng có những giai đoạn lên tới 10% mỗi năm, Nhật Bản đã trở thành một trong những cường quốc", Giáo sư từ Đại học Waseda đánh giá.

Theo Giáo sư Thọ, câu chuyện của Việt Nam, vẫn là vấn đề được nhắc đến trong nhiều năm gần đây, là yêu cầu chuyển dịch lao động giữa những những khu vực, đẩy mạnh kinh tế tư nhân và cải thiện năng suất lao động, đặc biệt là năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Hay nói cách khác, là vấn đề tận dụng nguồn lực của quốc gia.

Khu vực tư nhân còn yếu là một trong những nguyên nhân được các chuyên gia đánh giá tác động đến việc cải thiện năng suất lao động.

Khu vực tư nhân còn yếu là một trong những nguyên nhân được các chuyên gia đánh giá tác động đến việc cải thiện năng suất lao động.

Lợi thế và cũng là cơ hội của Việt Nam là lượng lao động dồi dào nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, nông nghiệp. Chiếm hơn 50% lượng lao động nhưng khu vực này chỉ đóng góp một phần nhỏ vào cơ cấu GDP. Trong khi đó, việc chuyển dịch lao động từ khu vực này sang công nghiệp - dịch vụ, lĩnh vực có năng suất lao động cao hơn, vẫn còn chậm. 

Một phần nguyên nhân theo vị chuyên gia này còn đến từ ngay nội tại của khu vực tư nhân. "Việt Nam là quốc gia đi sau, nhưng đi sau cũng có lợi thế là tận dụng được khoa học công nghệ của những quốc gia đi trước. Tuy nhiên khu vực tư nhân vẫn còn quá yếu, quy mô nhỏ, năng suất thấp để có thể tận dụng điều này".

"Đây là vấn đề hai chiều, muốn đẩy nhanh việc cải thiện năng suất lao động, một mặt cần đẩy mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển để tăng nhu cầu lao động, một mặt cần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu hợp lý hơn", ông Thọ nói.

Cùng quan điểm này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, hiện nay lượng lao động dôi dư tại khu vực nông nghiệp với lao suất thấp đang rất cần có nguồn hấp thụ. Nhưng vấn đề ở chỗ, khu vực công nghiệp của Việt Nam nổi trội nhất lại là nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi nhóm doanh nghiệp tư nhân còn yếu. 

"Rõ ràng có sự lệch lạc trong phát triển giữa các nhóm trong cùng khu vực kinh tế. Doanh nghiệp FDI ngày càng phát triển mạnh, giờ đã chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, còn khu vực kinh tế tư nhân thì ngày càng yếu", ông Thành nói và nhấn mạnh để cải thiện năng suất lao động chung, hấp thụ nguồn lao động dôi dư của khu vực nông nghiệp thì khu vực tư nhân cần phát triển mạnh hơn nữa.

Ông Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cũng đánh giá, tăng trưởng của Việt Nam trong quá khứ là do yếu tố chính là số lượng thay vì chất lượng. Trong đó, một phần nguyên nhân do chất lượng chính sách của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nền kinh tế có năng suất cao ở Đông Á.

“Dưới con mắt của nhà nghiên cứu thì năng suất của Việt Nam quá thấp. Việt Nam mới chú trọng vào GDP mà chưa chú trọng năng suất lao động”, ông Ohno nhận xét.

Vị giáo sư này ví Việt Nam như “người đến sau” so với các nước phát triển trên thế giới. Cũng như đánh giá của Giáo sự Thọ, ông Ohno cho rằng “người đến sau” có thể tăng thu nhập trung bình bằng cách tự do hóa, tư nhân hóa và hội nhập, nhưng chỉ riêng thị trường thì không thể đem lại thu nhập cao. Vì vậy, một chính phủ khôn ngoan, theo đánh giá của vị chuyên gia này cần phải xây dựng chính sách nguồn nhân lực, các doanh nghiệp và các ngành một cách hiệu quả hơn.

Minh Sơn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image