Tìm kiếm
Thứ Năm, 18/04/2024 11:04

Cân bằng thương mại, bảo hộ mậu dịch và nỗi lo của Việt Nam

09:37:00 14/08/2017

[Diễn đàn doanh nghiệp - 11/08/17 - Ông Trần Thanh Hải, TS. Nguyễn Đức Thành, Ông Đỗ Cao Bảo, Ông Trần Thanh Hải]Không phải Trung Quốc, giờ đây Hàn Quốc mới đang là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng ngược lại, Việt Nam lại đang có xuất siêu với Mỹ gần 30 tỷ USD, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn muốn chống lại thương mại không công bằng. Vòng xoáy này liệu có gây khó cho kinh tế Việt Nam?

Nhiều năm trước đây Trung Quốc là nỗi ám ảnh đối với những người điều hành chính sách thương mại của Việt Nam khi nhập siêu của Việt Nam từ quốc gia này luôn lớn và liên tục gia tăng. Thế nhưng, giờ đây đã có những mối lo mới xuất hiện. 

Thay vì lo Trung Quốc, gần đây dư luận lại bắt đầu cảnh báo việc Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Hàn Quốc. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay con số này đã lên đến 16 tỷ USD. Điều chưa từng xảy ra là Hàn Quốc đã “vượt mặt” Trung Quốc để trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

Nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là do làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kéo theo nhu cầu nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu đầu vào lớn. Đây là một thực tế. Bởi đúng là kể từ năm 2008, năm Samsung bắt đầu đầu tư lớn vào Việt Nam, kéo theo hàng loạt doanh nghiệp Hàn Quốc đổ xô tới Việt Nam xây dựng nhà máy, nhập siêu từ Hàn Quốc đã không ngừng tăng nhanh. Nếu như năm 2009 chỉ là 4,9 tỷ USD, thì năm 2013 đã lên tới 14 tỷ USD và năm 2016 là hơn 20,6 tỷ USD.

“Nửa đầu năm nay, các tổ hợp sản xuất thiết bị di động của Samsung tại Việt Nam, các nhà máy của LG tại Hải Phòng đã nhập khẩu một số lượng lớn máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất nên đã đẩy kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc lên cao”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đã thừa nhận như vậy.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), bản chất của việc thâm hụt thương mại với hai đối tác lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc là khác nhau. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hàng hóa phục vụ tiêu dùng ở tất cả các lĩnh vực, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc chủ yếu là tư liệu sản xuất.

Điều đó có nghĩa rằng, nhập siêu lớn từ Hàn Quốc cho tới thời điểm này là chưa có gì đáng lo. Tuy nhiên, trong khi nỗi lo này chưa vơi thì lại nổi lên thông tin Việt Nam đang trở thành “một bên có liên quan” trong vụ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với máy giặt nhập khẩu vào Mỹ mà Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) vừa chính thức tiến hành. Whirlpool - nhà sản xuất đồ gia dụng hàng đầu của Mỹ, đồng thời cũng là nguyên đơn trong vụ kiện này - trong đơn kiện của mình đã cáo buộc LG và Samsung là hai nhà sản xuất sản phẩm bị điều tra lớn nhất. Hai nhà sản xuất này đều có nhà máy tại Việt Nam. Lý lẽ mà Whirlpool đưa ra, đó là Samsung và LG đã xuất khẩu theo đường vòng bằng cách chuyển cứ điểm sản xuất của mình sang Thái Lan và Việt Nam nhằm tránh bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với máy giặt được sản xuất tại Trung Quốc.

Nếu biện pháp này được áp dụng, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung, tới các kế hoạch sản xuất của Samsung, LG và các nhà sản xuất máy giặt khác tại Việt Nam nói chung.

Vòng xoáy xuất - nhập siêu

Trong “nỗi lo mới” vừa đề cập, dễ thấy là, trong khi Hàn Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất, thì ngược lại, Mỹ lại đang là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam.

Nhưng trong thương mại quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc không nên bàn về câu chuyện thâm hụt thương mại với một thị trường đơn lẻ nữa.

“Thực ra vấn đề cán cân thương mại giữa hai quốc gia chỉ là vấn đề lớn ở giai đoạn khi mà toàn cầu hóa chưa diễn ra mạnh mẽ, nền sản xuất và cung ứng hàng hóa chưa thành chuỗi giá trị toàn cầu như ngày nay. Còn khi quá trình toàn cầu hóa đã diễn ra mạnh mẽ, nhất là nền sản xuất và cung ứng hàng hóa đã tạo thành chuỗi cung ứng toàn cầu, thì việc không cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia là vấn đề thường xuyên xảy ra, vì vậy nó không đáng lo ngại” - ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT bày tỏ quan điểm.

Có cùng quan điểm nói trên với ông Bảo, một chuyên gia cho rằng, không nên chỉ nhìn câu chuyện nhập siêu hay xuất siêu từ một thị trường đơn lẻ. “Chúng ta nhập siêu từ Hàn Quốc 16 tỷ USD, nhưng từ đó lại mang lại xuất siêu cho các thị trường khác” - vị này nói.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng có quan điểm tương tự. Ông khẳng định: “Phải có nhập siêu từ thị trường Trung Quốc mới có xuất siêu sang Mỹ, sang châu Âu”.

Khi phân tích các chuỗi cung ứng, sản xuất ở Việt Nam, ông Đỗ Cao Bảo đã chỉ ra rằng, với chuỗi sản xuất và cung ứng điện tử, điện lạnh và điện thoại, trị giá khoảng 50 - 60 tỷ USD, Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện thoại, linh kiện điện tử từ Hàn Quốc làm vật liệu chính để sản xuất tivi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại di động…, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, cũng như các thị trường khác.

Còn chuỗi sản xuất và cung ứng đồ may mặc, giày da trị giá hơn 30 - 40 tỷ USD, Việt Nam nhập khẩu vải, sợi, da, hóa chất từ Trung Quốc để sản xuất ra quần, áo, giày, dép, túi xách, sau đó cũng xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay Việt Nam chỉ xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD các loại điện thoại di động và linh kiện sang Hàn Quốc, trong khi xuất khẩu tới trên 2 tỷ USD mặt hàng này sang Hoa Kỳ. Tương tự, con số xuất khẩu sang Ấn Độ là trên 240 triệu USD, sang Anh trên 861 triệu USD, Braxin 408 triệu USD, UAE 1,9 tỷ USD, Đức 860 triệu USD… Như thế, chỉ nhìn số nhập siêu từ Hàn Quốc để mà cảnh báo, lo ngại là chưa hoàn toàn chính xác. Bởi đúng là Việt Nam đã nhập khẩu lớn từ Hàn Quốc để có thể xuất khẩu mạnh sang các thị trường khác.

Thực tế là, năm 2016 Việt Nam đã nhập siêu từ Hàn Quốc 20,6 tỷ USD, từ Trung Quốc gần 28 tỷ USD, nhưng lại xuất siêu sang Mỹ gần 30 tỷ USD, sang châu Âu 23 tỷ USD… Nhìn một cách công bằng, từ các số liệu thống kê nói trên, có thể khẳng định một cách chắc chắn, rằng có nhập siêu từ thị trường này mới có xuất siêu sang thị trường kia. Và trong một thị trường toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau thì rõ ràng “vòng xoáy” xuất - nhập siêu song phương không phải là điều phải quá quan ngại.

Hệ lụy với kinh tế Việt Nam

Đúng là về lý thuyết, không nên quan ngại một cách thái quá khi cán cân thương mại của Việt Nam lúc nghiêng về thị trường này, khi lại nghiêng về thị trường khác. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, điều này chỉ có ý nghĩa khi không có yếu tố nhập khẩu quá mức hàng tiêu dùng trong nước đã sản xuất được, hay máy móc, thiết bị lạc hậu. Đây là điều đã luôn được cảnh báo lâu nay về nhập siêu từ Trung Quốc. Thực ra, cảnh báo này cũng không chỉ có ý nghĩa đối với riêng thị trường Trung Quốc.

Thêm nữa, một điều không thể không nhắc tới, đó là sau nhiều nỗ lực, thì cho tới giờ phút này Việt Nam vẫn đang nhập siêu. Con số tính tới giữa tháng 7/2017 là gần 3 tỷ USD. Nếu như cán cân thương mại với từng thị trường không phải là điều đáng lo ngại, thì cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam ra sao lại là điều cần phải quan tâm. Bởi khi ấy, hệ lụy với kinh tế Việt Nam là khôn lường. Đây là điều đã luôn được cảnh báo lâu nay, một bài toán quá cũ.

Trong khi đó, một cảnh báo mới đã xuất hiện, sau vụ kiện của Whirlpool. Đó là bất chấp việc Việt Nam, hay bất cứ quốc gia nào khác coi chuyện mất cân bằng thương mại song phương là điều bình thường trong một thị trường toàn cầu, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không nghĩ thế. Vị tổng thống này đã luôn muốn chống lại thương mại không công bằng và luôn có xu hướng bảo hộ mậu dịch.

Ngoài vụ việc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với máy giặt nhập khẩu vào Mỹ mới đây, thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, cuối tháng 5, đã từng có một vụ kiện tương tự đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đó là pin năng lượng mặt trời.

“Tự vệ là biện pháp rất ít khi được Mỹ sử dụng, lần gần đây nhất là năm 2001 - 2002. Nhưng chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, Mỹ đã liên tiếp khởi xướng 4 vụ việc phòng vệ thương mại (bao gồm 2 vụ chống bán phá giá, 2 vụ tự vệ thương mại) có liên quan đến Việt Nam. Điều này cho thấy xu hướng bảo hộ khá rõ rệt và ngày càng gia tăng của Mỹ” - ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh bày tỏ quan điểm.

Việt Nam đang xuất siêu tới 30 tỷ USD sang Mỹ và rất có thể sẽ còn những vụ kiện tương tự xảy ra trong tương lai, một khi Tổng thống Mỹ tiếp tục xu hướng bảo hộ mậu dịch. Nếu điều này trở thành hiện thực, hệ lụy tới kinh tế Việt Nam là không hề nhỏ.

Chủ động ứng phó với chính sách này của chính quyền Donald Trump là một chuyện. Chuyện khác là cần có giải pháp để kiểm soát tốt hơn nữa nhập siêu. Chỉ có như vậy Việt Nam mới có thể tận dụng được tối đa lợi ích mà thương mại toàn cầu mang lại. 

Hoàng Phương

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image