Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Tư, 24/04/2024 10:14

Hội thảo khoa học “Những khía cạnh triết học trong nền tảng kinh tế thị trường tại Việt Nam”

11:27:00 04/04/2014

Trong 2 ngày từ 01/04 đến 02/04/2014, dưới sự hỗ trợ của Văn phòng Quỹ Friedrich Naumann (CHLB Đức) tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã tổ chức Hội thảo khoa học “Những khía cạnh triết học trong nền tảng kinh tế thị trường tại Việt Nam”.

Hội thảo quy tụ được nhiều học giả, các nhà nghiên cứu và trí thức trao đổi các quan điểm, nhận định và cập nhật về những vấn đề lý luận và thực tiễn của kinh tế thị trường và tư tưởng tự do kinh tế.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong buổi chiều đầu tiên của Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR đã phát biểu khai mạc, nói lên bối cảnh và tầm quan trọng của kinh tế thị trường cũng như các tư tưởng tự do kinh tế đối với Việt Nam, đồng thời giới thiệu các diễn giả chính và chương trình của hai ngày hội thảo. Tiếp đó, hai diễn giả danh dự là GS.TSKH. Nguyễn Văn Trọng và TS. Bùi Ngọc Sơn lần lượt trình bày hai tham luận “Thử bàn về định hướng tinh thần của người Việt” và “Tư tưởng lập hiến của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh”. Đây đều là những bài trình bày rất sâu sắc nên cả hai diễn giả đều nhận được rất nhiều những câu hỏi liên quan đến phần trình bày của mình. Buổi hội thảo vì thế mặc dù mang tính học thuật nhưng lại diễn ra trong không khí rất sôi nổi và cởi mở.

GS.TSKH. Nguyễn Văn Trọng đang trình bày tham luận "Thử bàn về định hướng tinh thần của người Việt"

TS. Bùi Ngọc Sơn trình bày tham luận “Tư tưởng lập hiến của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh”

Ngày thứ hai của Hội thảo được dành toàn bộ cho phần trình bày các tham luận và thảo luận gửi đăng ký cho Ban tổ chức. Trong buổi sáng, ThS. Ngô Toàn, nghiên cứu viên Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày tham luận “Trải nghiệm cá nhân và tiến trình học hỏi: Tư tưởng Phan Chu Trinh về tự do dưới cái nhìn tâm lý trị liệu”. Bài tham luận này nối tiếp bài trình bày ngày hôm trước của TS. Bùi Ngọc Sơn, nhưng theo một cách tiếp cận khác. Do rất ít người biết đến cách tiếp cận tâm lý trị liệu mà tác giả đề cập, nên bài trình bày đã nhận được rất nhiều những câu hỏi xoay quanh cách tiếp cận này. Tiếp sau đó là tham luận “Chủ nghĩa tự do mới trong kinh tế và những hệ lụy” của TS. Phan Thế Công, trưởng bộ môn Kinh tế vi mô, Khoa Kinh tế - Luật, ĐH Thương mại HN. Bài tham luận này nêu bật những hạn chế của chủ nghĩa tự do mới và kết luận rằng Việt Nam không nên đi theo con đường này. Do hoàn toàn dựa trên những quan điểm cá nhân nên tác giả đã nhận được rất nhiều nhận xét và phản biện liên quan đến những lập luận của mình. Bài tham luận cuối cùng trong phiên buổi sáng của Hội thảo là “Tự do kinh tế trong kinh tế chính trị: Tư tưởng và hệ lụy” của TS. Lê Kim Sa, Trung tâm Phân tích & Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Qua phần trình bày của mình, tác giả mong muốn chia sẻ sự hiểu biết và quan điểm nhìn nhận chủ nghĩa tự do của mình thông qua năm khái niệm nền tảng của kinh tế học chính trị là nhà nước, lợi ích, quyền, dân chủ và phúc lợi, với những bối cảnh lịch sử của dòng tư tưởng này. Bài trình bày cũng đã nhận được không ít những bình luận bổ sung, chủ yếu đến từ hai diễn giả danh dự là GS. TSKH Nguyễn Văn Trọng và TS. Bùi Ngọc Sơn.

ThS. Ngô Toàn trình bày tham luận “Trải nghiệm cá nhân và tiến trình học hỏi: Tư tưởng Phan Chu Trinh về tự do dưới cái nhìn tâm lý trị liệu”

Tham luận “Chủ nghĩa tự do mới trong kinh tế và những hệ lụy” của TS. Phan Thế Công

TS. Lê Kim Sa trình bày tham luận “Tự do kinh tế trong kinh tế chính trị: Tư tưởng và hệ lụy”

Tham luận “Phân phối tài sản và hai lý thuyết về công bằng” của Bạch Huỳnh Duy Linh, nhà đầu tư tài chính, mở đầu cho phiên buổi chiều cũng là phiên cuối cùng của Hội thảo. Bài tham luận này nêu lên những vấn đề rất thực tiễn liên quan đến sự công bằng trong xã hội, đặc biệt liên quan đến thu nhập, đồng thời chia sẻ những quan điểm của chính tác giả về những vấn đề này. Ngay sau đó, TS. Đinh Tuấn Minh trình bày tham luận “Nền kinh tế thị trường tự do tuyệt đối: Tại sao không?”. Tác giả đã đi từ cách tiếp cận phân tích thị trường tự do tuyệt đối, nhằm mở ra khả năng tìm hiểu các điều kiện quyết định sự hình thành và duy trì bền vững của các trật tự tự phát “tốt” và “xấu”. Cùng với đó, tác giả xem đây là cơ sở để những người ủng hộ lý tưởng về việc thu nhỏ bộ máy nhà nước cũng như xây dựng một xã hội phi nhà nước tham gia tích cực hơn vào quá trình xây dựng chính sách hoặc các dự án xã hội. Do đề cập đến rất nhiều những vấn đề trong thực tiễn, cả hai bài tham luận trong phiên buổi chiều đều nhận được rất nhiều những nhận xét cũng như bình luận thêm từ các diễn giả và những người tham dự khác.

Tham luận “Phân phối tài sản và hai lý thuyết về công bằng” của Bạch Huỳnh Duy Linh, nhà đầu tư tài chính

TS. Đinh Tuấn Minh trình bày tham luận “Nền kinh tế thị trường tự do tuyệt đối: Tại sao không?”

Buổi hội thảo kết thúc với bài phát biểu của ông Hans – Georg Jonek, giám đốc Quỹ Friedrich Naumann tại Việt Nam, chia sẻ những quan điểm của ông về chủ đề kinh tế thị trường và chủ nghĩa tự do, đồng thời cảm ơn tất cả các diễn giả cũng như những người tham dự đã đóng góp cho thành công của buổi Hội thảo.

Ông Hans – Georg Jonek, giám đốc Quỹ Friedrich Naumann tại Việt Nam, chia sẻ những quan điểm của ông về chủ đề kinh tế thị trường và chủ nghĩa tự do

Download tài liệu Hội thảo tại ĐÂY

Một số hình ảnh đẹp của Hội thảo

 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image