Tìm kiếm
Thứ Bảy, 20/04/2024 05:52

“Tuyên bố rút với lý do kinh tế không đảm bảo là tốt nhất”

11:49:00 05/04/2014

[thesaigontimes.vn - 03/04/2014 - TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TS. Tràn Đình Thiên, TS. Nguyễn Đức Thành] Một số chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam khó có thể tận dụng được cơ hội đăng cai Asiad 2019 để phát triển đất nước. Nếu cứ cố tổ chức Asiad mà không đem lại hiệu quả gì cho nền kinh tế trong khi lại đẩy nợ công tăng cao thì Việt Nam sẽ càng mất uy tín.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói thẳng rằng ông không ủng hộ chủ trương Việt Nam đăng cai Asiad 2019 vì “chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt”. Theo ông Doanh, quyết định xin đăng cai Asiad 2019 đã được chấp thuận trên cơ sở một đề án quá sơ sài - mang đậm tư duy chủ quan của một ít người - không được thẩm định, giám sát và phản biện nghiêm túc, nhất là ở khía cạnh kinh tế.

Báo cáo giải trình Quốc hội và Chính phủ về công tác chuẩn bị Asiad 2019 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới đây nói chi phí cho Asiad 2019 không quá 150 triệu đô la Mỹ và 72% chi phí huy động từ nguồn xã hội hóa - ngân sách chỉ chi 28%. Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, nguồn tài chính huy động từ xã hội mà bộ này nói là không rõ ràng, thiếu căn cứ vững chắc. “Kiểu nói sân đua xe đạp lòng chảo sẽ do Hàn Quốc đầu tư hay làng vận động viên sẽ được bán sau đại hội... là rất mơ hồ”, ông nói.

Thực tế, để tổ chức được sự kiện thể thao (lớn) như Asiad, ngoài việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất (nhà thi đấu, làng vận động viên, hồ bơi, sân vận động...) chúng ta còn phải cải thiện hạ tầng giao thông, y tế, dịch vụ, an ninh... Đó là chưa kể chi phí đầu tư cho lực lượng vận động viên thành tích cao và đội ngũ quản lý điều hành các hoạt động của đại hội.

Cho nên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, “Asiad sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền”. Bà Lan cho biết, đến nay con số tính toán cho thấy chi phí cho Asiad đã là 500 triệu đô la Mỹ chứ không phải 150 triệu đô la Mỹ. “Nhưng tôi nghĩ con số không dừng lại ở đó”, bà nói. Và, bà cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế còn bộn bề khó khăn như hiện nay, Việt Nam nên trả lại quyền đăng cai Asiad 2019 sẽ tốt hơn.

Có suy nghĩ giống bà Lan, ông Lê Đăng Doanh, nói: “Giờ xin rút sẽ ê mặt nhưng vẫn tốt hơn là không rút”. Vì theo ông, uy thế quốc tế của Việt Nam tăng hay giảm không phải vì vài tấm huy chương trong thể thao mà nó quyết định bởi chính sự tăng giảm của nền kinh tế. “Nếu cứ cố tổ chức Asiad mà không đem lại hiệu quả gì cho nền kinh tế trong khi lại đẩy nợ công tăng cao thì sẽ càng mất uy tín hơn là từ chối - đối với bạn bè quốc tế, nhất là giới đầu tư”, ông nói.

Tuy không phủ nhận cơ hội mà Asiad 2019 có thể đem đến cho nền kinh tế, nhưng cả hai chuyên gia này đều không tin Việt Nam có thể tận dụng tốt được cơ hội đó, bởi thực tế diễn ra tại SEAGames 22 (Việt Nam đăng cai) đã cho thấy điều đó. Hàng ngàn tỉ đồng đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất phục vụ SEAGames 22 đã lãng phí ra sao chúng ta đã thấy rõ?!

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đỡ “cực đoan” hơn. Theo ông, nếu Chính phủ quyết tâm, thay đổi cách làm, cách quản lý, xóa bỏ chính sách “lợi ích nhóm”, hướng đến mục tiêu chung, khuyến khích lĩnh vực tư nhân... thì sự kiện Asiad 2019 sẽ tạo động lực cho nền kinh tế.

Nhưng thời gian từ nay đến năm 2019 có còn kịp để tạo ra sự thay đổi sâu rộng và nhiều thách thức như thế? Ngay bản thân ông Thiên cũng nghi ngờ, khi nói: “Có vẻ chúng ta rất không tin vào sự thay đổi đó!... Nếu đã thấy không làm được thì nên tính từ bỏ càng sớm càng tốt”.

Đi sâu phân tích, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội, cho rằng với hạ tầng kinh tế - xã hội hiện nay Việt Nam khó có thể tận dụng được cơ hội đến từ việc tổ chức Asiad 2019. Theo ông Thành, để Asiad 2019 thật sự thúc đẩy nền kinh tế thì cần phải xác định người dân là đối tượng được hưởng lợi từ sự kiện này chứ không chỉ một nhóm người nhất định nào đó.

Muốn vậy, cơ hội hưởng lợi từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ vận chuyển, du lịch... phục vụ Asiad 2019 phải được chia đều cho các thành phần kinh tế, trong đó vai trò của tư nhân được đề cao thì sức lan tỏa mới cao... Nhưng thực tế điều này rất khó xảy ra, vì những dự án “chỉ định thầu” như thế thường rơi vào tay các doanh nghiệp nhà nước.

“Với môi trường như hiện nay, tôi e rằng tổ chức Asiad 2019 không những không tạo ra cơ hội và môi trường kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế mà lại tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả kéo dài sự sống”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, Asiad 2019 là một cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh việc tái cấu trúc lại nền kinh tế, nhưng thật sự, với cấu trúc kinh tế hiện nay, Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận cơ hội đó. “Tôi vẫn thấy tiếc! Nhưng lỗi là do chúng ta cải cách không đủ nhanh để có thể tận dụng được cơ hội này”, ông nói.

Cũng giống như ông Doanh, bà Lan, ông Thành cho biết cá nhân ông không ủng hộ việc đăng cai tổ chức Asiad 2019. Ông nói: “Theo tôi, bây giờ tuyên bố rút với lý do kinh tế không đảm bảo là tốt nhất. Uy tín phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải tuyên bố rút là mất uy tín. Làm việc vô bổ mất uy tín hơn nhiều”.

Thủ tướng: kế hoạch và phương án triển khai phải khả thi mới tổ chức Asiad

Trước dư luận phản đối nhiều hơn là đồng tình về việc đăng cai tổ chức Asiad 18 mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã trình ra trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “yêu cầu Bộ trưởng Bộ VHTTDL sớm báo cáo Thủ tướng về phương án cụ thể việc đăng cai tổ chức đại hội” (theo thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ phát đi hôm 1-4).

Nội dung về Asiad không được đưa ra bàn trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2014 nhưng đã được Thủ tướng nêu rõ tại kết luận nội dung phiên họp. Theo đó, Thủ tướng nói rằng Bộ VHTTDL chưa báo cáo ông mà đã trình bày ở phiên điều trần trước Quốc hội nên ông chưa nghe, chưa rõ. Thủ tướng yêu cầu bộ phải báo cáo cái gì làm được, việc gì không làm được để Chính phủ có ý kiến. Ông cũng đề nghị các bộ ngành có liên quan thẩm tra và giám sát chặt chẽ.

Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã đồng ý về chủ trương nhưng kế hoạch và phương án triển khai phải khả thi ông mới đồng ý cho làm, còn không thì không làm.

 Quang Chung

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image