Tìm kiếm
Thứ Bảy, 20/04/2024 04:34

Công bố báo cáo “Kinh tế Trung Quốc 6 tháng cuối 2013 và triển vọng 2014”

17:30:00 03/04/2014

[dangcongsan.vn - 03/04/2014 - TS. Phạm Sỹ Thành, TS. Lê Đăng Doanh] Ngày 3/4, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Trung Quốc 6 tháng cuối năm 2013 và triển vọng 2014”.

Được biết, kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2013 xuất hiện hai quý suy giảm tăng trưởng liên tiếp nối dài đà suy giảm từ năm 2012. Điều này làm dấy lên các quan điểm về việc Trung Quốc cần thực thi các cải cách sâu sắc hơn nữa. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào tháng 11/2013 được kỳ vọng đề xuất một lộ trình cải cách toàn diện cho Trung Quốc. Theo Hội nghị này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tập trung cải cách thị trường hàng hóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước và chống độc quyền tự nhiên, cải cách hệ thống tài chính – ngân hàng, cải cách thuế, cải cách thể chế kinh tế nông thôn…

Báo cáo nghiên cứu định kì (6 tháng, báo cáo quý) về kinh tế Trung Quốc do nhóm nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) thực hiện nhằm phân tích thực chứng những tình hình quan trọng của kinh tế Trung Quốc và những ảnh hưởng của nó tới kinh tế khu vực, trong đó có Việt Nam.

Tại Hội thảo, trình bày khái quát những nét cơ bản về kinh tế Trung Quốc 6 tháng cuối 2013 và triển vọng 2014, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc VCES cho biết, về cơ bản, kinh tế Trung Quốc ổn định tăng trưởng để điều chỉnh, trong đó, đầu tư vẫn đóng vai trò quan trọng. Đáng chú ý, tình hình sản xuất công nghiệp của Trung Quốc mặc dù có phục hồi trong 6 tháng cuối 2013 nhưng vẫn trong giai đoạn suy giảm kể từ 2010 đến nay. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp cả năm 2013 đạt 9,7%, giảm 1 điểm phần trăm so với mức tăng của 2012. Sản xuất công nghiệp suy giảm trong và ngoài nước, đồng thời một số ngành xuất hiện dư thừa sản lượng do sản xuất vượt quá lượng tiềm năng, chi phí gia tăng, các chỉ số tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) đều giảm. Mặc dù sản xuất công nghiệp suy giảm nhưng cầu lao động, việc làm lại gia tăng. Có thể lý giải hiện tượng này bởi sự phát triển của khu vực dịch vụ đã tạo ra việc làm mới bù đắp cho suy giảm việc làm mới tại khu vực công nghiệp.

Một vấn đề nữa mà kinh tế Trung Quốc phải đối mặt, theo TS Phạm Sỹ Thành là lao động di cư từ nông thôn. Với khoảng 120 triệu lao động đã di cư từ nông thôn ra thành thị kể từ 1978, 35% tăng trưởng dân số thành thị có nguồn gốc từ nông thôn, 50 - 60% trong tổng lao động sinh sau 1980 đang làm việc ở thành thị khiến cho lao động ở nông thôn bị suy giảm mạnh. Điều này đồng nghĩa với lao động trong nông nghiệp cũng suy giảm lớn, mất cân bằng trong thị trường lao động và khiến thị trường lao động bị méo mó bởi thu nhập của lao động từ nông thôn ra thành thị làm thêm chỉ bằng 36 - 40% lao động cùng ngành của khu vực thành thị. Thêm nữa, 50% lao động từ nông thôn ra thành thị làm thuê không được hưởng thụ hệ thống an sinh xã hội nào…

Thị trường vốn của Trung Quốc tập trung vào kiểm soát rủi ro, tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng nhưng biên độ tăng không lớn bằng nửa 2012. Thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi, đầu tư tăng trở lại. Đó là những tín hiệu sáng sủa, khá tích cực.

Chia sẻ về triển vọng 2014 của nền kinh tế Trung Quốc, báo cáo cũng chỉ rõ, khả năng với những cải cách từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, nền kinh tế sẽ có tăng trưởng khả quan hơn với tăng trưởng GDP dự đoán đạt 6,8 - 7,3% và CPI tăng ở mức 3 - 4%.

Như phân tích và trao đổi của các chuyên gia, các nhà quản lý tại Hội thảo, kinh tế Trung Quốc đang dần cho thấy sự suy yếu. Đây là một tín hiệu cũng chỉ ra không ít cơ hội và cả thách thức đối với Việt Nam. Theo đó, mặt tích cực là Việt Nam có thể thu hút thêm một số dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi các nhà đầu tư cân nhắc chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc để đến các thị trường có điều kiện sản xuất tương đương nhưng bớt rủi ro hơn. Hơn nữa, Việt Nam lại là một trong những thị trường tiềm năng với triển vọng gia nhập TPP trong những năm tới, trong khi Trung Quốc thì không tham gia hiệp định này.

Có thể thấy, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Tập đoàn Samsung chuyển các nhà máy sản xuất điện thoại, Công ty Jetro Nhật Bản chuyên sản xuất máy in, máy photocopy và các thiết bị đa chức năng và Nhà máy sản xuất vũ khí của Israel…

Tuy nhiên, sự suy giảm trong kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ khiến Việt Nam gặp không ít thách thức. Cụ thể, đối với lĩnh vực thương mại, tăng trưởng ngoại thương, Trung Quốc vẫn chưa phục hồi kể từ năm 2010 do sự giảm cầu tại 2 thị trường lớn là EU và Mỹ sau những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt với những điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng do gặp phải sự cạnh tranh lớn từ Trung Quốc. Chia sẻ của TS Lê Đăng Doanh tại Hội thảo cho rằng, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ và EU như dệt may, da giày, đồ gỗ... Đồng thời, các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc sẽ có thêm cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam, khiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc có nguy cơ ngày càng mở rộng.

Thêm nữa, như đã phân tích ở trên, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc suy giảm, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc ở mức tồn kho cao. Điều này sẽ khiến quốc gia này thúc đẩy xuất khẩu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Minh chứng cho sự ảnh hưởng này là thời gian qua, một trong những sức ép tới doanh nghiệp thép Việt Nam chính là phải cạnh tranh với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi vào thị trường Việt Nam, giá thép cuộn của Trung Quốc rẻ hơn thép trong nước khiến cho doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh ngay trong thị trường nội địa.../.

Việt Hà

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image