Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 03:52

Hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc: Tìm giải pháp đồng bộ

15:42:00 29/12/2014

[dddn.com.vn - 27/12/2014 - ThS. Phạm Bích Ngọc, TS. Phạm Sỹ Thành] Với tỉ lệ hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng trung gian phục vụ sản xuất, hiện VN đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc khiến nhập siêu từ thị trường này ngày càng đáng lo ngại.

Sức cạnh tranh của hàng hóa VN chậm cải thiện khiến một lượng lớn hàng hóa xuất nhập “lậu” qua đường tiểu ngạch

Theo Thạc sĩ Phạm Bích Ngọc - Viện Kinh tế VN (Viện Hàn lâm KHXHVN), từ năm 2001 đến nay, VN liên tục nhập siêu từ Trung Quốc.

Ba “kẽ hở”

Nguyên nhân chính là do mô hình tăng trưởng của VN với nhu cầu nhập khẩu lớn, chậm chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu. Trong khi đó, VN lại đang thiếu công nghiệp phụ trợ, các  công nghệ nhập khẩu chủ yếu là công nghệ thứ cấp lạc hậu. Sức cạnh tranh của hàng hóa VN chậm cải thiện khiến một lượng lớn hàng hóa xuất nhập “lậu qua đường tiểu ngạch”. Nguyên nhân tiếp theo liên quan đến vấn đề thể chế pháp lý như chính sách về tỉ giá hay chưa có chiến lược lâu dài cho phát triển thương mại biên giới (chính sách vùng biên).

Đặc biệt ở Luật đấu thầu thời gian qua, việc ưu tiên các nhà thầu có giá bỏ thầu thấp mà ko quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ về chất lượng thiết bị đã giúp các DN Trung Quốc luôn trúng thầu và chiếm được lợi thế về giá thầu so với tất cả các nước khác. Mặc khác, năng lực quản lý chủ đầu tư của VN còn hạn chế, dẫn đến việc nhà thầu sử dụng 100% thiết bị vật liệu và lao động phổ thông của Trung Quốc trên các công trường xây dựng.

Phương thức quản lý kém đang dẫn đến tình trạng yếu kém trong công tác quản lý xuất nhập khẩu...

Và bài toán tổng thầu EPC

Điều đáng nói là trong số 23,7 tỉ USD nhập siêu từ Trung Quốc trong năm 2013, có tới hơn 10 tỉ USD là nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất…Đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tỉ lệ nhập siêu từ Trung Quốc. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc giải quyết bài toán lệ thuộc về thiết bị, máy móc trong các dự án tổng thầu EPC được xem là một trong những giải pháp căn cơ để giảm tỉ lệ nhập siêu từ Trung Quốc.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR cho rằng, tỷ lệ tham gia làm nhà thầu phụ của DNVN trong các dự án EPC theo kiểu chìa khóa trao tay do  Trung Quốc trung thầu rất thấp, tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng không. Tỷ lệ nội địa hóa của các nhà máy nhiệt điện hiện chỉ đạt 7%. Nếu tính riêng các dự án Trung Quốc làm tổng thầu, tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0%. Chẳng hạnh, trong ngành xi măng, khi Trung Quốc làm tổng thầu, tỷ lệ nội địa hóa không vượt quá 3%, nhiều dự án 0%. Điều này khiến thâm hụt thương mại của VN với Trung Quốc ngày càng lớn.

Theo TS Thành, để giảm thiểu tác động của các dự án EPC tới việc nhập siêu từ Trung Quốc cũng đang là bài toán làm “đau đầu” các nhà quản lý. Bởi lẽ VN đang thiếu một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ liên quan đến việc đấu thầu và xử lý sai phạm. Tuy nhiên, không hẳn là không có giải pháp cho vấn đề này. Trước hết, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động đấu thầu. Có quy định cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình thi công công trình, quan tâm hơn đến vòng đời kỹ thuật hơn là chi phí rẻ trong các dự án. Có nghĩa là ban đầu có thể sử dụng công nghệ đắt tiền hơn so với công nghệ Trung Quốc nhưng về tổng thời gian sử dụng của công trình và công nghệ lại dài hơn.

Bên cạnh đó, trong các dự án mời thầu trọng điểm nên chăng cần lập danh mục các dự án cấm đầu thầu đối với các DN nước ngoài. Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã làm điều này, chẳng hạn như: Autralia, Hoa Kỳ, Canada… đều đã từng không chỉ cấm một số tập đoàn viễn thông và dầu mỏ của Trung Quốc đấu thầu các dự án trọng điểm của mình mà còn bác bỏ các vụ mua bán - sáp nhập của các tập đoàn này với các công ty trong nước vì lý do an ninh. Ngay cả Trung Quốc cũng lập danh mục này để hạn chế sự tham gia đấu thầu của các DN nước ngoài trong một số lĩnh vực nhạy cảm.

Dự báo của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập siêu của VN từ Trung Quốc năm 2014 có thể lên tới con số kỉ lục là 27 tỉ USD.

 “Việc mời thầu vào các dự án trọng điểm về năng lượng, khai khoáng có thể tính đến việc ban hành danh mục cấm đấu thầu đối với một số nhà thầu nước ngoài như... Trung Quốc”  - TS Thành nói.

Ngoài việc giải quyết bài toán tổng thầu EPC, Thạc sĩ Phạm Bích Ngọc  cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành cần có chính sách điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu, chú trọng nhập khẩu cạnh tranh, xây dựng các mặt hàng ưu tiên nhập khẩu. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn về hàng nhập khẩu, quản lý chặt tiểu ngạch, lập hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu… phối hợp chặt chẽ với chính sách tái cơ cấu tổng thể. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ các DNNVV kết hợp với các hãng lớn, phát triển các doanh nghiệp phụ trợ ở địa phương, phát triển các ngành dựa vào hiệu quả và sáng tạo, tăng cường hoạt động R&D vào những ngành công nghệ cao.

Bên cạnh đó, cần hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng, tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng như ô tô nguyên chiếc, nguyên phụ liệu thuốc lá, các mặt hàng mà trong nước có thể sản xuất được và đáp ứng được nhu cầu trong nước. Đồng thời với đó là đa dạng hóa thị trường nhập khẩu.

Mặt khác, tăng cường các chính sách phát triển thương mại vùng biên: Nâng định mức miễn thuế nhập khẩu hàng hóa mua, bán trao đổi của cư dân vùng biên giới phù hợp với tình hình phát triển của từng tuyến biên giới; tăng cường nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, thương mại biên giới, để lại 20-30% thậm chí đến 50% số thu thuế xuất nhập khẩu qua cửa khẩu... 

Trong khi đó, các DN cần lựa chọn đối tác lâu dài, mở rộng tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các nước thay thế dần nguồn cung từ Trung Quốc; xây dựng hình ảnh tin cậy trước đối tác, nâng cao năng lực DN, nâng cao chất lượng, mẫu mã, tạo thương hiệu riêng.

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, DN cần chủ động kích thích sản xuất trong nước như đặt hàng, đấu thầu trong nước trước khi nhập khẩu, kết hợp với nhau thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm cùng loại. Chủ động tham gia sản xuất các mặt hàng công nghiệp phụ trợ, sản phẩm trung gian trong chuỗi giá trị  DN có chính sách thu hút phát triển nhân tài. 

Quốc Anh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image