Tìm kiếm
Thứ Sáu, 29/03/2024 08:26

Tọa đàm về “Con đường tơ lụa hai trục” của Trung Quốc

14:36:00 06/02/2015

Sáng 30/1, Tọa đàm về “Con đường tơ lụa hai trục mới của Trung Quốc: Ba cách tiếp cận và một góc nhìn” đã được tổ chức tại Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tham dự chương trình có nhiều chuyên gia trên các lĩnh vực như Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nhà kinh tế Phạm Chi Lan, các học giả, phóng viên báo chí và nhiều sinh viên tại Hà Nội.

Chương trình được tổ chức nhằm tìm hiểu và đưa ra những đánh giá ban đầu về đại dự án “Con đường tơ lụa hai trục” mới của Trung Quốc từ phía học giả Trung Quốc và quốc tế; đồng thời mở ra diễn đàn cho các học giả Việt Nam trao đổi góc nhìn về vấn đề này dựa trên ba cách tiếp cận khác nhau.

Trong phần trình bày của mình, Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đã đem đến nhiều thông tin mới mẻ.Theo đó, Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ đã khái quát nhiều nội dung quan trọng và có tính cập nhật liên quan đến việc điều chỉnh chính sách của Trung Quốc, đặc biệt là chính sách đối ngoại với hàng loạt nhóm sáng kiến, cách tiếp cận mới.

Kể từ cuối năm 2013, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra sáng kiến đối ngoại mang tên “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển” hướng đến việc mở rộng khả năng giao thương của Trung Quốc với các thị trường toàn cầu, Bắc Kinh đã có nhiều hành động để hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Theo Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Đại học Quốc gia Hà Nội, “những động thái đó của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm chú ý của các học giả trong và ngoài nước về mục đích, tác động của con đường tơ lựa đến tình hình thế giới. Nhưng khó khăn và thách thức là rất lớn với Trung Quốc dù theo trục nào”.

Cũng tại buổi tọa đàm, các diễn giả và đại biểu đã thảo luận về động cơ, tác động và những kịch bản tiếp theo của “Con đường tơ lụa hai trục” từ góc nhìn của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là của Việt Nam và theo từng lĩnh vực (kinh tế, chính trị, an ninh, cạnh tranh năng lượng).

Buổi tọa đàm trên nằm trong chuỗi tọa đàm về nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc được tổ chức định kì 2 tháng một lần, do Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ trì, với mong muốn mở ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới của giới nghiên cứu trao đổi về các vấn đề liên quan đến chính trị, ngoại giao, xã hội, an ninh liên quan tới Trung Quốc.

Dự kiến, buổi tọa đàm tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 3 năm nay.

NGUYÊN BẢO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image