Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Năm, 28/03/2024 11:08

Thông báo: Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 06

18:21:00 14/05/2015

Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) xin trân trọng thông báo thông tin về Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 06 như sau:

Chủ đề: “LỢI ÍCH CỦA TRUNG QUỐC TỪ VIỆC CHUYỂN DỊCH KHÔNG GIAN HÀNG HẢI: MỘT TIẾP CẬN LIÊN NGÀNH”

Không gian hàng hải bao gồm không gian hiện (các đảo, bãi đá, bãi cạn, đường phân định ranh giới v.v.) và các không gian ngầm (dưới lòng biển, hệ thống tri thức hải dương, các kết quả nghiên cứu hải dương góp phần định hình nhận thức của một quốc gia và thế giới về không gian biển v.v.). Thời gian qua, Trung Quốc đã có nhiều việc làm dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ không gian hàng hải của nước này. Những động thái trên gắn liền với lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc. Điều này sẽ tác động như thế nào đến khu vực? Nhất là với những quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông?

Seminar 06 được tổ chức nhằm tìm hiểu, đưa ra những đánh giá về lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc từ việc tạo ra những dịch chuyển không gian hàng hải và tác động của việc chuyển dịch Không gian hàng hải tại Biển Đông đối với Trung Quốc và các quốc gia khác.

 

Thời gian: 09h00-11h30 thứ Tư, ngày 03/06/2015

Địa điểm:  Hội trường tầng 4, Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

Đơn vị tổ chức: Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) phối hợp tổ chức cùng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (IWEP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

 

Giới thiệu: Seminar lần này có sự tham gia của 2 diễn giả:

1, TS. Đặng Hồng Sơn nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành khảo cổ học và bảo tàng học tại Trung tâm Khảo cổ học Biên cương, Học viện Văn khoa, Đại học Cát Lâm (Trường Xuân, Trung Quốc). Hiện TS. Đặng Hồng Sơn đang là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tên bài thuyết trình: “Lược thuật tình hình phát triển khảo cổ học biển đảo ở Trung Quốc trong 30 năm trở lại đây”

Nội dung chính:

Năm 2005, bằng việc tự chủ trong công tác tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ khảo cổ học dưới nước, thay vì phải dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài (1989-1990) hay dựa vào sự hỗ trợ của Hải quân (1998-1999) cho thấy sự nghiệp Khảo cổ học Dưới nước của Trung Quốc dần dần thoát khỏi tình trạng mô phỏng và học tập của nước ngoài, chuẩn bị về nhân lực cho sự phát triển mang tính liên tục của ngành này ở Trung Quốc.

Năm 2014, bằng việc đưa con tàu Khảo cổ Trung Quốc số 01 vào sử dụng phục vụ cho công tác khảo cổ học dưới nước đã chứng tỏ, sau gần 30 năm khởi động công tác khảo cổ học dưới nước, Trung Quốc đã từ bỏ được tình cảnh thuê mướn tàu ngư dân cho các hoạt động khảo cổ học dưới nước, thực hiện được ước mơ tiến hành khảo cổ học dưới nước bằng tàu chuyên dụng. Từ đây, ngành khảo cổ học dưới nước Trung Quốc đã đạt được trình độ đầu tư trang thiết bị tương đương các nước tiên tiến trên thế giới.

Chúng tôi xin lược thuật tình hình phát triển khảo cổ học biển đảo ở Trung Quốc trên một số nội dung cơ bản dưới đây. (1) Kịp thời xây dựng cơ quan nghiên cứu; (2) Nhanh chóng và liên tục đào tạo đội ngũ cán bộ ; (3) Bạo tay chi tiền và đầu tư có trọng điểm trong mua sắm trang thiết bị và đóng tàu khai quật khảo cổ học dưới nước; (4) Phát triển khảo cổ học dưới nước ở vùng ở vùng duyên hải đông và đông nam; (5) Đẩy mạnh khảo cổ học dưới nước của Trung Quốc ở vùng Biển Đông (Nam Hải); (6) Đề cao hợp tác quốc tế; (7) Liên tục xuất bản sách và công trình nghiên cứu; (8) Chú trọng xây dựng và thực hiện các đề tài khoa học; (9) Thành lập bảo tàng trưng bày, tổ chức triển lãm và tuyên truyền; (10) Xây dựng hệ thống luật quản lý khai thác di sản văn hóa dưới nước; (11) Khai thác di sản văn hóa dưới nước: Du lịch.

 

2. TS. Trương Minh Huy Vũ bảo vệ luận án Tiến Sĩ chuyên ngành Kinh tế-Chính trị Quốc Tế tại đại học Bonn, CHLB Đức năm 2014. Hiện TS. Trương Minh Huy Vũ đang là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh. Ông đồng thời là ủy viên Hội đồng giám sát hoà bình Thái Bình Dương, phụ trách về vấn đề tranh chấp Biển Đông (thuộc Global Boston Forum, Massachusetts).

Tên bài thuyết trình: “Thiết lập một “trật tự loại trừ”: Đảo nhân tạo trong “đại chiến lược” Biển Đông của Trung Quốc”

Nội dung chính:

Không gian hàng hải tại Biển Đông đang thay đổi một cách nhanh chóng từ hơn một thập niên trở lại đây. Nguyên nhân chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc và chính sách “cơ sở hạ tầng” của nước này tại khu vực biển được xem là vùng “lợi ích cốt lõi”. Có thể phân ra hai loại cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang thúc đẩy. Cơ sở hạ tầng cứng thông qua quá trình dân sự hóa các đảo đã đánh chiếm, bổi đắp và mở rộng các đảo nhân tạo, cũng như thiết kế các đảo chìm di động cho nhiều mục đích khác nhau, không gian địa lý Biển Đông đang trong quá trình chuyển dịch. Cơ sở hạ tầng mềm thông qua việc xây dựng lại nhận thức và cố gắng thay đổi hệ thống tri thức hiện có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Trong số đó (i) Sự xuất hiện của hệ thống các kiến thức về sinh học, địa lý và bản đồ học hải dương, (ii) Những “phát hiện” hay khám quá về bằng chứng lịch sử, đặc biệt là khảo cổ được sắp xếp một cách có hệ thống và (iii) Mức độ phổ phát kiến thức thông qua học giả, nghệ thuật, phim ảnh, kịch nghệ v.v là những điểm đáng chú ý nhất. Định dạng sự chuyển dịch không gian hàng hải đang diễn ra tại Biển Đông trong bối cảnh một Trung Quốc trỗi dậy như một cường quốc đại dương là mục tiêu của bài trình bày.

 

Chương trình dự kiến:

08:30 – 09:00

Đăng ký đại biểu

09:00 – 09:05

Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu

09:05 – 19:15            

Phát biểu khai mạc:

  • PGS.TS. Chu Đức Dũng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (IWEP), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
  • TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR

09:15 – 09:45

“Lược thuật tình hình phát triển khảo cổ học biển đảo ở Trung Quốc trong 30 năm trở lại đây”
TS. Đặng Hồng Sơn, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

09:45 – 10:15

“Thiết lập một “trật tự loại trừ”: Đảo nhân tạo trong “đại chiến lược” Biển Đông của Trung Quốc”
TS. Trương Minh Huy Vũ, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, TP. Hồ Chí Minh.

10:15 – 11:15

Hỏi - đáp và thảo luận

11:15 – 11:30

Kết luận và bế mạc

Vui lòng đăng ký tham dự Seminar theo đường link sau:

http://goo.gl/forms/uHVsjwhKwc

Hoặc liên hệ với Nguyễn Thị Thanh Tú, email: vces@vepr.org.vn, điện thoại: 0906 069 196.

Xin trân trọng cảm ơn./.

-----------------------
Chuỗi Seminar về Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc được tổ chức định kì 2 tháng một lần, do Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) chủ trì, với mong muốn mở ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới của giới nghiên cứu trao đổi về các vấn đề liên quan đến chính trị, ngoại giao, xã hội, an ninh liên quan tới Trung Quốc. 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image