Tìm kiếm
Thứ Ba, 23/04/2024 11:30

VEPR: Thâm hụt ngân sách có thể tới 7% GDP

15:20:00 28/01/2016

Thâm hụt ngân sách năm 2015 có thể lên đến 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP), là mức cao nhất từ năm 2000 trở lại đây, theo Báo cáo Kinh tế quý 4/2015 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

Tín dụng được cảnh báo là tăng quá cao so với GDP - Ảnh minh họa Thành Hoa

Trong khi đó, tín dụng vượt quá xa so với mức tăng trưởng GDP danh nghĩa, tạo ra những rủi ro mất ổn định kinh tế vĩ mô, theo bản báo cáo được VEPR công bố hôm nay 25-1.

Tài khóa thâm hụt nặng

Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, tổng chi ngân sách năm 2015 có thể vượt so với dự toán khoảng 70.000 tỉ đồng. Kết hợp với GDP danh nghĩa năm 2015 tăng chậm hơn dự báo, dẫn tới thâm hụt ngân sách năm có thể ở mức 7%, cao nhất kể từ năm 2000 trở lại đây. Đáng lưu ý là trong bốn năm gần đây, thâm hụt ngân sách luôn cao hơn mức mục tiêu 5%.

Trong khi đó, trong bối cảnh thu ngân sách từ xuất khẩu dầu nhiều khả năng sẽ vẫn thấp hơn dự toán 2016, VEPR cho rằng, nếu Chính phủ không có các biện pháp hiệu quả giảm chi ngân sách, đặc biệt trong việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA, triển vọng cán cân ngân sách sẽ tiếp tục thâm hụt trong năm 2016.

Tín dụng tăng cao

Báo cáo cho biết, tổng dư nợ tín dụng tính đến 18-12-2015 đã tăng 17,02% so với đầu năm. Điều này tạo ra sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất huy động trong nước.

VEPR trích thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết có 11 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn từ 0,1-0,5 điểm phần trăm/năm trong tháng 12. Trong khi tín dụng tăng trưởng nhanh, GDP danh nghĩa năm 2015 chỉ tăng 6,48%, thấp hơn nhiều mức tăng hai chữ số các năm trước.

GDP danh nghĩa là thước đo tổng sản phẩm quốc nội so với giá cả hiện hành, còn GDP thực tế cho thấy tổng sản phẩm quốc nội so sánh với giá cả ở một thời điểm gốc.

Cơ quan này nhận định, việc đẩy mạnh tín dụng vượt xa mức tăng trưởng GDP danh nghĩa đang tạo ra những rủi ro mất ổn định kinh tế vĩ mô.

“Chúng tôi cho rằng nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ”, cơ quan này nhận xét.

Kinh tế phục hồi và khuyến nghị 2016

Tuy nhiên, nhìn nhận chung, VEPR cho rằng, kinh tế Việt Nam đã có sự hồi phục chắc chắn trong năm 2015, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; và xu hướng tích cực sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2016, cũng như trong giai đoạn trung hạn 2016-2020.

Quyết tâm cải cách kinh tế trong nước chưa tạo ra những kết quả rõ nét, tuy nhiên quá trình hội nhập kinh tế đang tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (TPP, EVFTA, AEC) có khả năng tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài phát triển.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng đang tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp nhẹ và giải quyết bài toán toàn dụng lao động.

Về mặt chính sách, VEPR khuyến nghị cần quay trở lại ưu tiên cao nhất cho các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng kinh tế đã hồi phục.

Thứ nhất, giữ kỷ luật tài khóa để giảm mức bội chi ngân sách, đặc biệt cần có những giải pháp chính sách mạnh mẽ để cắt giảm chi tiêu thường xuyên; các khoản chi đầu tư từ nguồn vốn ODA ngoài dự toán cần được kiểm soát chặt chẽ. 

Bên cạnh đó, mức thâm hụt ngân sách hiện được tính theo Luật NSNN 2002 có những sự khác biệt lớn với thông lệ quốc tế nên mức bội chi ngân sách kế hoạch cũng cần được điều chỉnh phù hợp để đảm bảo tính khả thi và kỷ luật tài khóa.

Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu điện, nước,... chấm dứt sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính, dẫn tới méo mó thị trường, gia tăng thâm hụt ngân sách cũng như giảm hiệu quả điều hành của các công cụ vĩ mô truyền thống là chính sách tiền tệ và tài khóa.

Thứ ba, kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản.

"Chúng tôi cho rằng mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2016 là quá cao, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại, do đó đề xuất xem xét mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 ở mức 12-15%, và thực hiện các biện pháp mang tính thị trường định hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất. Cụ thể, có thể xem xét điều chính tăng hệ số dự phòng chung, hệ số rủi ro với các khoản cho vay lĩnh vực không ưu tiên," theo báo cáo.

Thứ tư, mặt bằng lãi suất huy động-cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. Do đó, VEPR cho rằng cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.

Tư Hoàng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image