Tìm kiếm
Thứ Tư, 24/04/2024 01:22

Tham gia “Một vành đai, một con đường”: Tỉnh táo, không nóng vội

09:45:00 24/05/2016

[Thương gia thị trường - 24.5.2016 - TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Võ Trí Thành, TS. Lê Xuân Nghĩa] Đánh giá về sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của Trung Quốc, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, để tránh bẫy cơ sở hạ tầng, Việt Nam không thể ngoảnh đầu hoặc bỏ ra khỏi cuộc chơi mà cần phải tỉnh táo để tìm cách khai thông những điều kiện có lợi, khai thác các lợi thế có sẵn để phát triển tương ứng với sự dịch chuyển của Trung Quốc.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra cảnh báo về việc nếu không tham gia sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của Trung Quốc, không kịp thời xây dựng hạ tầng kết nối hiệu quả với khu vực, Việt Nam có thể tự mình rơi vào bẫy cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, phản hồi về vấn đề này, đã có nhiều ý kiến bình luận rằng không nên quá nóng vội.

Kết nối là quan trọng

OBOR là dự án tham vọng của Trung Quốc với trọng tâm là tăng cường kết nối Á - Âu thông qua xây dựng vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển, khiến lục địa Á - Âu trở thành trọng điểm trong chính sách đối ngoại đương đại của Bắc Kinh. Theo các tư liệu đã công bố, Vành đai kinh tế con đường tơ lụa bao gồm 3 tuyến. Trong khi đó, Con đường tơ lụa trên biển bao gồm 10 nước ASEAN; 6 nước Nam Á; 8 nước Tây Á; và 7 nước Đông Bắc Phi. Như vậy, sáng kiến này sẽ tạo thành một mạng lưới kinh tế thương mại có chiều dài lớn nhất thế giới, với thị trường tiềm năng gần 4,4 tỷ dân số, quy mô GDP gần 21.000 tỷ USD.

Các chuyên gia nhận định, sáng kiến của Trung Quốc có một số ý nghĩa tích cực nhất định. Bởi nó gắn với quá trình cải thiện kết nối và phát triển hạ tầng ở khu vực ASEAN và Châu Á – Thái Bình Dương. Nếu được thực hiện một cách nhất quán, OBOR có thể hỗ trợ cho quá trình thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực. Trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực hướng nhiều hơn đến hội nhập, sáng kiến này cũng cải thiện quan hệ hợp tác, kết nối với các đối tác chủ chốt ở bên ngoài.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đánh giá, với một nước đang phát triển như Việt Nam, kết nối với khu vực và toàn thế giới là rất quan trọng cho phát triển lâu dài và bền vững. Ông Thành phân tích, sản xuất kinh doanh đã chuyển đổi theo hướng tạo thành mạng sản xuất, các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nên dịch vụ kêt nối là rất quan trọng để giảm thiểu chi phí giao dịch, tạo khả năng cạnh tranh cho DN. Chính vì vậy việc kết nối phát triển kết cấu hạ tầng là quan trọng.

Do đó theo ông Thành, tất cả các chương trình xây dựng mạng lưới kết nối đều rất đáng được quan tâm, tham khảo. Và trên thực tế thì Việt Nam cũng đã là thành viên sáng lập của Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), định chế tài chính được thành lập nhằm thúc đẩy các dự án phục vụ cho OBOR.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khác với chiến lược TPP của Mỹ là đi vào hạ tầng mềm cũng như sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hợp tác thương mại mậu dịch tự do hay các điều kiện về bảo vệ môi trường, thì chiến lược mở rộng “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc tập trung vào thế mạnh của nước này trong việc bành trướng về cơ sở hạ tầng, đi liền với đó là hệ thống thương mại.

“Trung Quốc sử dụng thế mạnh của họ là hạ tầng. Khi đó, Việt Nam là nước nhỏ nằm sát bên cạnh có thể rơi vào tình trạng bị bỏ rơi, tiêu điều. Nếu như Việt Nam không khai thác được hệ thống cảng biển đi lên phía Đông Bắc Á thì có khả năng trở thành hệ thống vệ tinh của Trung Quốc”, ông Thành nhận định.

Nhưng lòng tin chiến lược và tầm nhìn còn là dấu hỏi lớn

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng xung quanh sáng kiến này của Trung Quốc còn có một số điểm chưa thực sự rõ ràng. Với vai trò là một sáng kiến ở cấp khu vực, ý tưởng này phải gắn kết được sự tham gia và hưởng lợi của nhiều quốc gia, nền kinh tế ở khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin hiện nay mới chỉ hướng vào vai trò, ý nghĩa và các biện pháp cụ thể của Trung Quốc, trong khi mức độ tham gia của các nước trong khu vực là chưa cụ thể.

Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo, cần nghiên cứu và trả lời được một loạt câu hỏi: Lợi ích kinh tế và thương mại của Việt Nam sẽ là gì? Chiến lược này có giúp cho hàng hoá Việt Nam ra thế giới dễ dàng hơn hiện nay? Mức độ ảnh hưởng liệu có tiêu cực hơn với sản xuất nội địa khi hạ tầng kết nối phát triển giúp hàng hoá các quốc gia khác vào sâu trong Việt Nam dễ dàng hơn, rẻ hơn? Bên cạnh đó, kể cả khi vay nợ được để tiến hành xây dựng hạ tầng thì đây cũng sẽ là những khoản đầu tư tốn kém, vì vậy phải tính toán mất bao nhiêu năm mới hoàn được vốn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, nếu tham gia cùng Trung Quốc, diện mạo hệ thống hạ tầng của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi đáng kể. Bởi lâu nay chúng ta tập trung phát triển hạ tầng theo chiều dọc đất nước, chạy từ Bắc tới Nam. Song để tham gia vào sáng kiến của Trung Quốc, sẽ phải phát triển giao thông kết nối chiều ngang theo hướng sang Lào, Campuchia.

Vì vậy, cần phân tích sâu hơn để đặt ra câu hỏi phải lấy vốn từ đâu để tiến hành các khoản đầu tư hạ tầng đường bộ, cảng biển để kết nối với chiến lược của Trung Quốc. Cân đồi trong lâu dài, lợi ích tăng thêm ra sao, có tương xứng với các khoản thu từ thuế, phí tăng thêm hay không? Bao nhiêu năm mới hoàn vốn đầu tư?

Một động thái khác được các chuyên gia lưu ý, Trung Quốc cũng bước đầu cụ thể hóa với sáng kiến OBOR bằng việc đóng góp 40 tỷ USD cho nguồn quỹ hạ tầng Ngân hàng AIIB. TS. Võ Trí Thành cho biết, với động thái này, Trung Quốc là người khởi xướng và giữ tỷ trọng vốn lớn nhất trong AIIB. Như vậy, có thể hiểu câu chuyện đằng sau là quốc gia hi vọng các nước trong khu vực sẽ vay từ chính AIIB để phục vụ cho công tác đầu tư hạ tầng. Nhờ đó, Trung Quốc có thể giải phóng được một lượng lớn vốn dư thừa trong nước. Chính hoạt động của AIIB, mặc dù đã có điều lệ, cam kết rất mạnh mẽ rằng sẽ hoạt động minh bạch, đáp ứng tiêu chuẩn thông lệ quốc tế, nhưng với cách thức quản trị của nền kinh tế chuyển đổi, thì vẫn còn nhiều vấn đề phải xem xét.

Kết luận lại, các chuyên gia khẳng định Việt Nam ủng hộ các sáng kiến theo hướng tăng cường kết nối và hợp tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ cho quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực. Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia tích cực vào sáng kiến khu vực như Hợp tác tiểu vùng sông Mê-Công mở rộng, hợp tác Vịnh Bắc Bộ (mở rộng), Chương trình tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến APEC về tăng cường kết nối khu vực. Thế nhưng với sáng kiến OBOR, lòng tin vào hiện thực hoá chiến lược và tầm nhìn cụ thể vẫn còn nhiều dấu hỏi lớn. Vì vậy trước mắt sẽ là quá trình vừa thực hiện, vừa giám sát, không nên quá nóng vội trước một xu thế đầu tư mới mà hiệu quả chưa rõ ràng.

 

Hạ tầng kết nối là yếu tố quan trọng trong hội nhập - Ảnh: Internet

Nguyễn Việt

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image