Tìm kiếm
Thứ Bảy, 20/04/2024 09:55

Phía sau việc rải tiền cho vay khắp châu Á của Trung Quốc

15:23:00 29/11/2016

[NDH - 29/11/2016 - TS. Phạm Sỹ Thành] Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh cho vay, tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng như đường, cảng biển ở khắp nơi Châu Á. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá tác động của vốn vay Trung Quốc” diễn ra sáng nay 29/11.

Đẩy mạnh cho vay phát triển cơ sở hạ tầng châu Á

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã và đang xây dựng chiến lược "Một vành đai, một con đường" và đã có 20 nước tham gia ký kết.

Trung Quốc đầu tư cảng ở Malaca tại Malaysia, tại Myanmar và Banglades, cảng ở Bakit tan... rất nhiều cảng.

Trung Quốc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và cho vay phủ khắp các nước châu Á. Cùng với đó là quỹ đầu tư con đường tơ lụa tập trung ở các nước Trung Á.

Theo TS Phạm Sỹ Thành, các học giả Trung Quốc đã nghiên cứu được các vấn đề quan trọng để thuyết phục các nước vay tiền từ quỹ AIIB với các điều kiện giản đơn. Họ đưa ra bài toán so sánh vay vốn qua AIIB sẽ thuận lợi hơn khi vay vốn qua World Bank bởi không phải lo giải quyết các vấn đề về môi trường, vấn đề quyền con người, trong khi đây là hai vấn đề các quốc gia đang phát triển muốn né tránh.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng có thể chấp nhận vay vốn Trung Quốc để phát triển hạ tầng

TS Phạm Sỹ Thành cho rằng: "Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh cho vay, tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng như đường, cảng biển ở khắp nơi Châu Á. Trung Quốc đang dư thừa nguồn tài chính và đẩy mạnh cho vay thông qua các định chế tài chính mà nước này tự lập hoặc xây dựng định chế tài chính thế giới khác nhau.

Cùng với câu chuyện Trung Quốc rải vốn khắp châu Á đó là câu chuyện về lao động khi “tiền đi đến đâu, người đi đến đấy”. Hàng chục nghìn người đến quốc gia đã vay vốn của Trung Quốc, tham gia vào các dự án, lập gia đình tại nước bản địa…

Trả nợ bằng tài nguyên

Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc khẳng định “nói vay vốn Trung Quốc rẻ là không chính xác”. Ông cho biết, vốn vay bị đội lên do có chi phí thực tế rất lớn bởi chi phí ngoài. Ở các nước Đông Nam Á và châu Phi sẽ gặp một số rủi ro về tài chính khi vay vốn thực hiện dự án.

Trung Quốc đang tự tin vào dự trự ngoại tệ và hỗ trợ tài chính của mình nhưng cùng với đó là những thách thức về môi trường, công nghệ, kỹ thuật. “Chính Trung Quốc đã có báo cáo các dự án "Một vành đai, một con đường" gây hậu qủa lớn đến môi trường và cần khắc phục”, TS Thành cho hay.

Để vay với điều kiện đơn giản không quan tâm đến môi trường, vấn đề con người, các nước phải trả giá bằng tài nguyên như câu chuyện đang diễn ra ở các nước châu Phi, Chile, Venezuala, Angola, Braxin. Hiện Braxin trả nợ bằng dầu thô cho Trung Quốc.

Hội thảo đánh giá tác động vốn vay Trung Quốc sáng 29/11. Ảnh H.M

Ông Thành cũng cho biết, Trung Quốc đang rất quan tâm đến quỹ con đường tơ lụa và các siêu dự án tại các nước Trung Á.

"Các quốc gia không nhận thức được hết tác động của ô nhiễm, đó là vấn đề lớn", TS Thành khẳng định. Ông cho rằng, chúng ta cần phải xác định rõ câu chuyện này khi vay vốn Trung Quốc.

Theo ông Thành, đến năm 2020 quỹ AIIB cung cấp 20 tỷ USD mỗi năm, trong đó quỹ con đường tơ lụa chiếm số lượng gần như 50%, cung cấp 80 - 100 tỷ USD tín dụng cho các châu lục. Vốn ODA cung cấp cho các nước Trung Á và Indonesia hơn 500 triệu USD theo hình thức chủ yếu là chuyển nhượng lại.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam không thể ngoảnh đầu hoặc bỏ ra khỏi cuộc chơi mà cần phải tỉnh táo để tìm cách khai thông những điều kiện có lợi, khai thác các lợi thế có sẵn để phát triển tương ứng với sự dịch chuyển của Trung Quốc.

Con đường tơ lụa trên biển bao gồm 10 nước ASEAN; 6 nước Nam Á; 8 nước Tây Á; và 7 nước Đông Bắc Phi, tạo thành một mạng lưới kinh tế thương mại có chiều dài lớn nhất thế giới, với thị trường tiềm năng gần 4,4 tỷ dân số, quy mô GDP gần 21.000 tỷ USD.

Hải Minh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image