Tìm kiếm
Thứ Tư, 17/04/2024 01:32

Năm 2017: Mục tiêu lạm phát 4% là không dễ dàng

10:48:00 17/01/2017

[Thời báo tài chính Việt Nam - 16/1/2017 - TS. Nguyễn Đức Thành] Theo VEPR, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 là một ngưỡng cao. Do đó, cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao, dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. Nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại và mục tiêu 4% cho năm 2017 là không dễ dàng...

VEPR

Buổi tọa đàm công bố báo cáo của VEPR chiều 16/1.

Thực hiện nghiêm túc cắt giảm chi thường xuyên

Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4/2016. Đánh giá về triển vọng 2017, báo cáo của VEPR cho rằng dù tăng trưởng dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn FDI, nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 vẫn là một ngưỡng cao. Do đó, cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao mà buông lỏng ổn định vĩ mô.

Nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại và mục tiêu 4% cho năm 2017 là không dễ dàng. Khi lạm phát vượt 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải điều chỉnh tăng, có thể gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và thị trường tài chính, tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2017 được kỳ vọng là hoạt động của khu vực doanh nghiệp (DN), đặc biệt khối DN chế biến chế tạo. DN đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới bộc lộ rõ mối quan tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ trong năm 2016 được kỳ vọng là sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ và phát triển DN, đặc biệt là khối DN tư nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần có thời gian để đạt được sự phối hợp và nhất trí giữa các cơ quan thực thi hai nghị quyết này.

Cùng với đó, kiểm soát chi ngân sách vẫn là một thách thức, đặc biệt đối với các khoản mục chi thường xuyên. Điều này dẫn tới tình trạng thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi này, do đó Chính phủ buộc phải vay vốn để bù đắp thâm hụt và tiếp tục đầu tư phát triển, khiến mức nợ công ngày càng tăng cao. Do vậy, nhóm chuyên gia VEPR cho rằng cần thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên và cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào ngân sách như khu vực hội, đoàn thể...

Thận trọng với diễn biến giá dầu, USD

Đánh giá về những tác động từ tình hình thế giới, báo cáo cho rằng kinh tế thế giới đầy bất trắc cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Thứ nhất, FED tăng lãi suất cơ bản đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Động thái này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu với thay đổi rõ rệt nhất là đồng USD lên giá.

Trong khi đó, đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới.

Ngoài ra, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị đồng VND và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng, khi đồng USD tăng giá. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng, từ đó dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản, làm giá có thể giảm hoặc tăng chậm hơn dự kiến. 

Một vấn đề nữa là việc các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1/2017 có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Mặc dù điều này là có lợi cho cán cân ngân sách, nhưng việc giá dầu thô và các mặt hàng năng lượng tăng trở lại có thể tạo ra sức ép lên lạm phát trong nước.

Cuối cùng, TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý ảnh hưởng của việc Donald Trump phản đối ký kết TPP, có thể khiến làn sóng FDI vào Việt Nam suy giảm. Điều này có thể gây ra một số hệ lụy nhất định, đòi hỏi sự cải cách tốt hơn điều kiện kinh doanh và năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh, nhằm duy trì động lực tăng trưởng cho Việt Nam./.

H.Y

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image