Tìm kiếm
Thứ Sáu, 29/03/2024 05:43

TS Lê Đăng Doanh: ‘Không một nước nào chịu đựng được chi thường xuyên ‘khủng’ thế này’

16:06:00 17/01/2017

[Một Thế Giới - 16/1/2017 -  TS. Lê Đăng Doanh, TS. Nguyễn Đức Thành, Theo các chuyên gia, chi thường xuyên của Việt Nam quá lớn khiến nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển buộc phải sử dụng các nguồn vốn vay, dẫn tới tình trạng nợ công gia tăng nhanh.

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4.2016 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố ngày 16.1 đánh giá, ngân sách năm 2016 tiếp tục là một điểm hạn chế của kinh tế Việt Nam.

Theo số liệu ước tính của Bộ Tài chính, bội chi ngân sách dù giảm so với năm 2015, nhưng vẫn còn vượt xa mức kế hoạch đưa ra hồi đầu năm. Theo đó, bội chi ngân sách năm 2016 ước tính ở mức 5,64% GDP, tương đương 254 nghìn tỉ đồng. Thu ngân sách ước đạt 1,03 triệu tỉ đồng và bằng 102,4% so với dự toán. Trong khi đó, chi ngân sách lên tới 1,3 triệu tỉ đồng, tương đương 106,3% dự toán.

Báo cáo nhận định, việc sụt giảm nguồn thu do ảnh hưởng của giá dầu thô đã khiến cơ cấu thu ngân sách của Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. Tỷ trọng hai khoản mục thu từ dầu thô và thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh, từ mức 12,1% và 19,7% năm 2014 xuống còn 7,1% và 18,1% năm 2015 và 4,0% và 16,6% năm 2014.

“Để bù đắp hụt thu, Chı́nh phủ buôc̣ phải đẩy mạnh các nguồn thu khác như thu thuế bảo vệ môi trường (4,1%) và thu tiền sử dụng đất (8,3%). Trong hai năm 2014-2015, thu ngân sách từ hai nguồn này trong nửa đầu năm chı̉ chiếm khoảng 2,0% và 6,0% tổng thu NSNN”, báo cáo nêu.

Hơn nữa, trong cơ cấu chi ngân sách, tỷ trọng chi dành cho đầu tư phát triển đang có xu hướng giảm, từ mức trung bình 29% chi NSNN giai đoạn 2001-2010 xuống còn 25,6% giai đoạn 2011- 2015 và 20,1% ước tính năm 2016. Trong khi đó, chi thường xuyên duy trì trên 70% chi NSNN kể từ 2011 cho tới nay.

“Điều này dẫn tới tình trạng thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên. Do vậy, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển buộc phải sử dụng các nguồn vốn vay, dẫn tới tình trạng nợ công gia tăng nhanh trong những năm gần đây”, VEPR nhận định.

Các chuyên gia thảo luận tại buổi công bố Báo cáo kinh tế quý 4/2017 

PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, chi thường xuyên tăng liên tục cũng là một thách thức. Việt Nam đã có cơ hội để sửa nhưng không tận dụng được. Đó là khi sửa đổi Hiến pháp, hoặc khi ban hành Luật Chính quyền địa phương thì có thể giảm bộ máy hành chính. Việc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách sẽ góp phần giảm chi thường xuyên. Tuy nhiên, chúng ta không tận dụng được cơ hội này.

Dẫn chứng cho vấn đề chi thường xuyên quá lớn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu rằng, chi thường xuyên của Việt Nam hiện nay rơi vào khoảng 69-71% tổng chi. Ví dụ gần đây nhất là Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai chi tiếp khách hết 3,2 tỉ đồng. Thay vì sửa đổi thì lại đòi truy tìm người đưa cái “bí mật quốc gia” này ra công luận. Hoặc một số trường hợp các cán bộ xã nợ hàng trăm triệu đồng ở các quán nhậu, quán karaoke…cũng chứng tỏ việc nhiều khoản chi thường xuyên được dùng sai mục đích.

Theo ông Doanh, những việc này trên thế giới không thể nào chấp nhận được. Ở Thụy Điển, một ông thứ trưởng ngoại giao đi công tác nước ngoài mua 2 vé máy bay hạng thương gia đã phải từ chức. Trong khi đó, Thụy Điển là một trong những quốc gia thuộc hàng giàu có của thế giới.

“Không có một nước nào chịu đựng được việc chi thường xuyên một cách kinh khủng như thế” – ông Doanh nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đức Thành, viện trưởng VEPR cũng bày tỏ, quan trọng là thái độ của việc chi tiêu. Ở nước ta vẫn còn có những trường hợp quan chức nghĩ rằng phải chi tiêu nhiều thì mới oách, mới đủ.

“Ở các nước phát triển, ví dụ như Nhật Bản thì thái độ chi tiêu tiền Nhà nước của họ rất khác, rất đạm bạc. Điều đó mang tính đạo đức, là chuyện hiển nhiên nhưng ở nước ta thì ngược lại. Quan chức cảm thấy kém doanh nghiệp đôi khi là không oai”, ông Thành nói.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng dẫn chứng rằng, ngay như các cán bộ cấp cao ở Ngân hàng thế giới như bà Victoria Kwakwa cũng chỉ đi vé máy bay hạng thường. Trong khi ở ta, có những thứ trưởng, rồi vụ trưởng, phó chủ nhiệm các ủy ban Quốc hội khi đi công tác đều ngồi hạng thương gia.

“Có một nghịch lý là những người chìa tay xin viện trợ thì ngồi hạng thương gia còn những người đi viện trợ lại ngồi hạng thường”, bà Lan nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, có tình trạng quan chức không dùng tiền ngân sách nhậu nhẹt nhưng cứ sau mỗi cuộc nhậu lại gọi doanh nghiệp đến trả tiền. Tình trạng này cũng cần được chấm dứt.

Hoài Phong

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image