Tìm kiếm
Thứ Tư, 17/04/2024 05:57

Mừng và lo với FDI từ Trung Quốc

21:09:00 20/03/2017

[Thời báo Kinh tế Sài Gòn - 20/3/2017 - TS. Phạm Sỹ Thành] Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong hai tháng đầu năm 2017, Trung Quốc vượt qua Hàn Quốc, vươn lên là nước đứng thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, sau Singapore, trong khi tháng trước nước này đã vượt Nhật Bản để chiếm vị trí thứ ba. Những diễn biến trong ngắn hạn này phản ánh điều gì? TBKTSG trao đổi với với TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

TBKTSG: Nếu như sự gia tăng với tốc độ tương đối cao của đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào nước ta trong năm 2016 được cho là có nguyên nhân đón đầu lợi ích ưu đãi thuế nhập khẩu từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì sự gia tăng có tính chất bứt phá trong hai tháng đầu năm nay - khi cơ hội mang tên TPP hầu như đã tuột mất - xuất phát từ nguyên nhân nào, theo ông?

 
 

- TS. Phạm Sỹ Thành: Năm 2016, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt mức 1,26 tỉ đô la Mỹ, chiếm 8,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm 2017, số vốn đầu tư của Trung Quốc đã tăng đột biến lên mức 721 triệu đô la Mỹ, chiếm 21% tổng vốn đăng ký cấp mới. Trong đó, có hai dự án trên 100 triệu đô la Mỹ. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam qua hai hình thức là rót vốn thực hiện dự án hoặc mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam. Dòng vốn FDI của Trung Quốc thường tập trung vào những lĩnh vực như dệt may, da giày, xơ sợi, xây dựng, nhiệt điện và khai khoáng... Dù tương lai TPP có nhiều bất định, nhưng sự gia tăng luồng vốn của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ các nguyên do sau:

Trước tiên, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi hay da giày vốn nằm trong lộ trình điều chỉnh chính sách ngành của Trung Quốc. Các ngành thâm dụng lao động, có tác động tiêu cực đến môi trường và các ngành dễ mất sức cạnh tranh khi chi phí lao động tăng cao đều được khuyến khích đầu tư ra bên ngoài.

Tiếp theo, mặc dù tương lai TPP chưa chắc chắn, nhưng cũng không loại trừ việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để “đón đầu” khả năng của một TPP-không-có-Mỹ.

Bên cạnh đó, đối với những ngành như thép, hoạt động đầu tư sang Việt Nam có thể nhằm tận dụng ưu đãi thuế suất khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tránh bị chú ý điều tra. Đây là sự chệch hướng thương mại vẫn thường xuyên xuất hiện trong kỷ nguyên các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Cuối cùng, có lẽ quan trọng hơn, ngoài TPP, Việt Nam đã ký kết FTA với EU. Thuế suất đối với hàng vải sợi, da giày... của Việt Nam sang EU hiện ở mức 8% và sẽ giảm về 0% sau sáu năm kể từ ngày thực thi. Bên cạnh đó, FTA giữa Việt Nam và EU cũng đơn giản hóa Quy tắc xuất xứ (ROO) bằng quy tắc chuyển đổi kép. Đây là cơ hội rõ rệt với các doanh nghiệp Trung Quốc muốn xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

TBKTSG: Mở rộng dải thời gian quan sát, đường xu hướng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nước ta đã, đang và sẽ như thế nào? Ông có thể nói gì về chiến lược và chiến thuật đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nước ta.

- Trong khuynh hướng dài hạn từ trước đến nay, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng không phải là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Trung Quốc chỉ đóng góp chưa đầy 4% tổng dòng vốn FDI vào ASEAN trong khi đầu tư của Trung Quốc vào đây chỉ chiếm khoảng 8% tổng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, việc đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc thường hướng đến hai nhóm mục đích là đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và nhóm sản xuất các nguyên liệu đầu vào nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ hay EU.

Cơ cấu đầu tư tính theo các dự án đăng ký mới từ Trung Quốc hiện cho thấy sự chuyển hướng rõ nét vào các nhóm ngành chế tác, khai thác tài nguyên (như sản xuất kim loại), dệt may, da giày, gỗ và giấy. Vốn đầu tư vào ngành da giày đã tăng từ 6,05% tổng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam (năm 2006) lên trên 40% vào năm 2016. Trong khi đó, vốn tương ứng vào các ngành luyện kim lại giảm từ 67% về khoảng 7% trong cùng thời kỳ.

Cho tới nay, Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp 11,1 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam, vượt trên con số 10,2 tỉ đô la của Mỹ, rút ngắn khoảng cách so với các đối tác như Hàn Quốc (hơn 50,9 tỉ đô la Mỹ), Nhật Bản (42,5 tỉ đô la Mỹ) và Singapore (39,4 tỉ đô la Mỹ...)

Từ phía Trung Quốc, trong trung hạn, vốn FDI vào Việt Nam có thể sẽ tăng lên bởi các lý do như (i) sự dư thừa vốn của nền kinh tế Trung Quốc và chính sách khuyến khích đầu tư ra bên ngoài của chính phủ nước này; (ii) sự điều chỉnh chính sách ngành công nghiệp, đặc biệt khi kỳ họp quốc hội Trung Quốc tháng 3-2017 đã xác lập vị trí chính thức của chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” ưu tiên các ngành công nghiệp cao; (iii) Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác năng lực sản xuất và hợp tác “Một vành đai, một con đường” với các nước láng giềng.

Từ phía Việt Nam, đó là vì: (i) việc Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đàm phán, thực hiện một loạt các FTA, kể cả FTA thế hệ mới; (ii) những cải cách hướng tới tiêu chuẩn TPP ít nhiều đã được thực thi trong một số lĩnh vực; (iii) nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ cũng là nguyên nhân quan trọng hút vốn FDI không chỉ từ Trung Quốc.

TBKTSG: Nhận định của ông với tình hình đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trong phạm vi nước ta hiện nay?

- Sự gia tăng của vốn FDI đến từ Trung Quốc rõ ràng có ý nghĩa tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của các địa phương Việt Nam, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt - Trung ngày càng đi sâu hợp tác. Phân bố của doanh nghiệp FDI Trung Quốc cũng không có gì đặc thù so với doanh nghiệp FDI từ các quốc gia khác, nên những lo ngại về an ninh có thể không phải lo ngại chủ yếu.

Tuy nhiên, nguồn vốn FDI từ Trung Quốc có một số hạn chế nhất định trong tương quan so sánh với các quốc gia khác. Những hạn chế này có cả nguyên nhân từ phía doanh nghiệp Trung Quốc và phía cơ quan Việt Nam.

Thứ nhất, có thể nhận thấy quy mô các dự án vốn đầu tư FDI Trung Quốc đều rất nhỏ, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ, ít có sự xuất hiện của các tập đoàn lớn. Quy mô trung bình của các dự án Trung Quốc chỉ bằng 50% mức trung bình của các nhà đầu tư khác.

Thứ hai, tỷ lệ giải ngân thấp, tiến độ giải ngân hay bị chậm trễ. Vốn thực hiện của các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đạt khoảng 30% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong khi tỷ lệ chung của các khu vực FDI đạt xấp xỉ 50%.

Thứ ba, do các ngành đầu tư của Trung Quốc là các ngành thâm dụng vốn, nên việc giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam tương đối hạn chế. Chúng ta dễ dàng bắt gặp các nhà máy bông sợi quy mô lớn ở Quảng Ninh chủ yếu toàn do máy móc tự động thực hiện.

Thứ tư, mặt bằng tiền lương của doanh nghiệp Trung Quốc cũng thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI khác nên chậm cải thiện thu nhập cho lao động địa phương.

Thứ năm, hiệu ứng lan tỏa kỹ thuật của doanh nghiệp FDI cũng không rõ rệt. Lý do đến từ sự phát triển lạc hậu của hệ thống công nghiệp phụ trợ Việt Nam và bản thân các ngành mà Trung Quốc đến đầu tư đều là các ngành không thuộc nhóm công nghệ tiên tiến.

Cuối cùng, những vấn đề về môi trường là điều cần đặc biệt chú ý, bởi lẽ những ngành Trung Quốc đang tập trung đầu tư hiện nay như dệt, nhuộm, sản xuất sợi, chế biến thực phẩm, sản xuất thép... đều là những ngành có mức độ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng với mức độ lớn.

TBKTSG: Sắp tới, bên cạnh nguồn vốn FDI, những nguồn vốn có yếu tố Trung Quốc khác như vốn ODA, vốn từ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng có thể sẽ vào Việt Nam nhiều hơn và có sự chi phối nhất định với các dự án đầu tư, theo ông, có nên đặt ra vấn đề rộng hơn là ứng xử với nguồn vốn đa dạng từ Trung Quốc như thế nào?

- Việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp FDI cần tuân thủ theo một khuôn khổ pháp lý chung không phân biệt xuất xứ của luồng vốn, và theo các thỏa thuận FTA mà Việt Nam đã cam kết. Nhưng với các ngành thâm dụng lao động và có thể gây ô nhiễm môi trường, tôi cho rằng cần có các quy định kỹ thuật đặc thù, các biện pháp chế tài rõ ràng và mức độ xử lý đủ lớn để không đẩy địa phương vào tình thế lấy sinh kế người dân đổi lấy tăng trưởng cục bộ.

Những giải pháp có thể tính đến bao gồm: (i) Xúc tiến đầu tư, tuyên truyền về môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam để thu hút các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, giảm bớt các doanh nghiệp nhỏ lẻ; (ii) Trích lập quỹ môi trường đối với các dự án có rủi ro cao, các dự án khai thác tài nguyên, các dự án công nghệ lạc hậu; (iii) Nâng cao năng lực chấp pháp của các bộ ngành liên quan, đánh giá lại hiệu quả của các luật về môi trường và lao động; (iv) Nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng công trong việc giám sát, đánh giá tác động môi trường tại địa bàn; (v) Tăng cường cơ hội đối thoại ba bên giữa chính quyền địa phương - doanh nghiệp Trung Quốc - cộng đồng cư dân trong các vấn đề liên quan đến môi trường và thuê dụng lao động.

Mỹ Lệ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image