Tìm kiếm
Thứ Bảy, 20/04/2024 08:43

Áp giá sàn vé máy bay là đi ngược lại nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường

08:51:00 01/04/2017

[Một thế giới - 1/4/2017 - TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Lê Đăng Doanh] Dự thảo lấy ý kiến về việc áp giá sàn vé máy bay hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận cũng như các hãng hàng không.

Bên cạnh việc áp giá trần, vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã lấy ý kiến các hãng hàng không về việc áp giá sàn vé máy bay (giá thấp nhất) trên các đường bay nội địa. Nếu dự thảo này được thông qua thì điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể sẽ hết cơ hội săn vé siêu rẻ cho các đường bay nội địa trong thời gian tới.

Cụ thể, Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) ngày 17.3 vừa qua đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các hãng hàng không về Dự thảo quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19.12.2014.

Theo đó, ngoài quy định về mức giá trần vé máy bay thì sắp tới, sẽ có thêm mức giá sàn. Sau khi tính toán, có hãng hàng không đề xuất giá sàn cho 5 nhóm đường bay nội địa dao động từ 29-34% giá trần. Trong đó, đường bay Hà Nội - TP.HCM giá thấp nhất là 1,1-1,5 triệu đồng/chiều.

"Không phải vì lợi ích người tiêu dùng"

Xoay quanh vấn đề này, trao đổi nhanh với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới,chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh (nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải không nên can thiệp vào giá sàn, bởi vì trong thời gian vừa qua, hãng hàng không giá rẻ cũng như các hãng hàng không khác đã cạnh tranh một cách lành mạnh và phát triển rất nhanh. Theo đó, hãy để cho họ cạnh tranh, cơ quan quản lý chỉ nên giám sát chất lượng một cách tốt nhất.

"Hãy để cho các hãng hàng không cạnh tranh với nhau. Từ đó, các hãng sẽ áp dụng công nghệ và quản lý một cách hợp lý nhất, cạnh tranh thực chất trong việc cải tiến chất lượng, lúc bấy giờ người tiêu dùng sẽ được lợi so với việc áp giá sàn. Trong trường hợp nếu áp giá sàn thì nhiều doanh nghiệp sẽ chây ì, lợi dụng vào đó mà không chịu đổi mới. Tôi cho rằng cần phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường", TS Doanh bày tỏ.

Đồng quan điểm với TS Lê Đăng Doanh, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng không nên áp giá sàn vé máy bay.

"Sao lại phải áp giá sàn cho vé máy bay? Điều này tức là đồng nghĩa không cho phép hành khách được đi với một mức giá rẻ nào đó?", TS Thành đặt câu hỏi.

Theo TS Thành, chính sách này rõ ràng đánh vào một doanh nghiệp trong ngành, không phải vì lợi ích người tiêu dùng, vì logic hay vì một lợi ích chung. TS Thành cho rằng sự thành công của một hãng hàng không nào đó mới làm thay đổi các hãng khác theo hướng tích cực. Và điều này định hình nên bộ mặt cũng như chất lượng của toàn bộ ngành hàng không Việt Nam.

Với mô hình áp giá sàn vé máy bay có thể nhìn vào minh chứng rõ nhất là Mỹ, trong giai đoạn 1938-1978 khi Cục hàng không dân dụng Mỹ (CAB) đã quy định giữ giá vé sàn cao hơn mức cân bằng thị trường, các nhà kinh tế học Mỹ đã chứng minh điều này không hẳn tốt theo mô hình kinh tế về quy luật cung cầu. Do mức giá sàn do CAB quy định cao hơn mức cân bằng thị trường khiến sản lượng chuyến bay do các hãng hàng không sẵn sàng cung cấp ở mức ít hơn mức cân bằng thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Các hãng hàng không sẽ được lợi khi bán hàng hóa ở mức cao hơn chi phí bỏ ra nhưng lại bị giảm về sản lượng. Để đạt được mức sản lượng như trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì họ sẽ phải cải thiện về chất lượng. Sau đó, chính phủ Mỹ đã xóa bỏ quy định này, kết quả là giá thành giảm, sản lượng tăng, lãng phí chất lượng biến mất. 

Ý kiến trái chiều từ các hãng hàng không

Tại văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, hãng hàng không Jetstar cho rằng cần thiết phải có giá sàn để xây dựng khung giá. Sự phát triển quá nóng của hàng không Việt Nam trong 3 năm trở lại đây (2014-2016), với tải cung ứng tăng trên 30% và các hãng hàng không liên tục phải giảm giá (có khi bán dưới giá thành), thậm chí rẻ hơn vé đường sắt, đường bộ và còn tiếp tục giảm để kéo khách, làm ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh, sự bền vững của các hãng cũng như của ngành.

Jetstar Pacific cũng dẫn chứng tại Indonesia, chính phủ cũng quy định giá sàn (bằng 40% giá trần) để phòng ngừa nguy cơ cạnh tranh giá quá thấp so với giá thành.

Hãng bay này đề xuất xác định mức giá sàn bằng cách lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây dựng quy định giá sàn. Trong đó, giá chi phí trực tiếp gồm có chi phí thuê, quỹ đại tu, thuê kho vật tư khí tài, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phục vụ chuyến bay, chi phí bảo hiểm… Dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% giá trần.

Về phía Vietnam Airlines, hãng này cho rằng sau khi tính toán chi phí xăng dầu, thuê bảo dưỡng tàu bay, nhân công, phí phục vụ, phí bảo hiểm,... thì có thể tính toán ra giá sàn. Theo hãng này, mức giá sàn cho 5 nhóm đường bay sẽ dao động từ 29-34% giá trần.

Như vậy, tính riêng trên trục đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá sàn sẽ rơi vào khoảng 1,5 triệu đồng/chiều nếu bay Vietnam Airlines và 1,1 triệu đồng/chiều nếu bay Jestar Pacific.

Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet lại tán thành chủ trương nâng mức giá trần hoặc bỏ quy định giá trần, nhưng hãng này lại kiến nghị không quy định giá sàn.

Lý giải quan điểm không áp giá sàn, Vietjet cho rằng việc áp giá sàn dù dưới hình thức nào cũng đi ngược quy định của Luật cạnh tranh năm 2014, hơn nữa lại không phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện không còn nước nào quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hàng không.

Ngoài ra, còn tới 90% dân số Việt Nam chưa tiếp cận với dịch vụ hàng không do mức giá cao hơn thu nhập, nên việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ cũng như hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện vận chuyển hàng không của 90% số dân này, đồng thời làm méo mó thị trường hàng không Việt Nam.

Vietjet cũng cho rằng quy định giá sàn khó khả thi do việc tính toán tiêu chí xây dựng giá sàn còn chưa có sự thống nhất giữa các hãng. Có hãng tính trên đơn vị ghế/km, có hãng tính trên hiệu quả chuyến bay, đường bay và thậm chí cả hiệu quả khai thác. Ngoài ra, các chủng loại tàu bay khác nhau, chi phí khai thác cũng khác nên mức giá sàn khó có thể giống nhau được.

Theo đó, nếu áp quy định về giá sàn, người dân có thể sẽ không còn cơ hội tiếp cận vé giá rẻ. Đặc biệt về phía các hãng hàng không thì Vietjet Air sẽ là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất, vì hiện đây là hãng hàng không giá rẻ tư nhân duy nhất tại Việt Nam.

Trong năm 2015, thị trường hàng không Việt Nam đạt 40,5 triệu khách, tăng 22,2% so với năm 2014, trong đó thị trường nội địa đạt 22,5 triệu khách, tăng 28,3% so với năm 2014. Thị trường hàng hóa đạt 792 nghìn tấn, tăng 7% so với năm 2014. 

5 tháng đầu năm 2016, tổng thị trường vận tải hàng không đạt 20,7 triệu khách, tăng 30,4% so cùng kỳ năm 2015 (quốc tế: 9,4 triệu khách, tăng 28.1%; nội địa: 11,3 triệu khách, tăng 32,4% so cùng kỳ 2015); 335 tấn hàng hóa, tăng 4,1% so cùng kỳ 2015. 

Theo Đề án "Tái cơ cấu vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020", đến năm 2020, vận tải hành khách nội địa chiếm tỷ trọng 3,23%; vận tải hàng hóa nội địa chiếm khoảng 0,04% trong tổng thể ngành giao thông vận tải; tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế đối với hàng không Việt Nam lên 45,9%.

Tuyết Nhung

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image