Tìm kiếm
Thứ Sáu, 19/04/2024 11:27

Sức mạnh của tiền lẻ

11:22:00 11/04/2017

Hai năm trước, ở Góc nhìn tôi viết một bài mang tiêu đề “Quyền biểu thị của người dân”. Lúc ấy, vừa xảy ra chuyện người dân Bình Thuận chặn quốc lộ 1A để yêu cầu EVN xử lý ô nhiễm môi trường.

Phía dưới bài viết đó, có khá nhiều độc giả bày tỏ băn khoăn: khi thiếu sự lắng nghe từ phía nhà nước, thiếu các cơ chế biểu đạt, nhiều người dân sẽ có phản ứng tiêu cực. Họ có thể “biểu thị bằng những cách làm tiêu cực, nếu không được thuận theo ý mình thì chửi tục, thậm chí đập phá” - một độc giả viết.

Một năm sau đó, cũng ở chuyên mục này, tôi viết về những ngư dân Thanh Hóa tập trung phản đối việc chính quyền lấy chỗ đậu thuyền của họ để giao cho công ty bất động sản. Sự việc khiến công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án "tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng". Lý do quen thuộc của sự bột phát: hệ thống pháp luật về quyền biểu thị của người dân còn hạn chế, khiến nhiều phản ứng nằm đường biên cuối cùng của tính hợp pháp.

Đó cũng là một vướng mắc của các cuộc đối thoại giữa người dân-nhà nước. Đôi khi, chỉ với cách biểu đạt tiêu cực, nhiều người dân thay vì đạt được công bằng, lại vướng vào vòng lao lý. Giới chức, đôi khi, cũng vin vào cách biểu đạt tiêu cực, để không nghe lý lẽ của dân.

Tuần này, dư luận râm ran một câu chuyện mang sắc thái rất khác về quyền biểu đạt. Chúng ta đã chứng kiến rằng tiền lẻ cũng có thể trở thành vũ khí. Đó là bài học của một nhóm tài xế dùng hàng túi tiền lẻ để mua vé tại trạm thu phí cầu Bến Thuỷ, Nghệ An. Động thái nhằm phản đối việc không sử dụng đường BOT mà vẫn phải trả tiền.

Ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt những nơi dùng tiền xu, đây không phải là kiểu biểu đạt hiếm gặp. Cách đây 3 tháng, một doanh nhân ở bang Virginia, Mỹ quyết định nộp số thuế 3.000 đô la bằng 300 nghìn đồng tiền xu, để phản đối thái độ làm việc của một cơ quan nhà nước. Số tiền chất đầy 5 chiếc xe cút kít, và nhân viên công vụ đã phải đếm bằng tay tới 1 giờ sáng mới xong.

Anh này là người làm ăn lớn, lý giải: vấn đề không phải là tiền, mà là anh cảm thấy cơ quan thuế không minh bạch, không dân chủ, nên phản đối. Trước đó, anh đòi được lấy số điện thoại của người trực tiếp phụ trách vấn đề thuế của mình, để tranh luận, nhưng cơ quan thuế không cho.

Tôi không nhất thiết đồng ý với hành động của những tài xế phản đối bằng tiền lẻ ở trạm BOT Bến Thủy. Có lẽ, nếu tôi là những người có việc gấp phải đi qua cầu và bị kẹt lại do hành động trả tiền lẻ của các lái xe, tôi còn thấy bức xúc với họ. Nhưng theo một góc nhìn khác, tôi khâm phục cách biểu thị có chừng mực, thông minh, và nằm trong khuôn khổ pháp luật của những người lái xe ấy.

Trong cơn lốc ra đời hàng loạt các công trình BOT giao thông khắp nước ta trong thời gian qua, việc bức xúc và phản đối phí cầu đường xuất hiện ngày một nhiều. Thế nhưng, ở những sự cố trước, như việc người dân Phú Thọ dàn xe trước cổng trạm thu phí Tam Nông, thường ít hay nhiều vi phạm pháp luật.

Như đã viết trong nhiều bài trước, tôi không phê phán gì những hành động bộc phát đó. Cách phản đối phù hợp, mang lại hiệu quả lớn, mà vẫn được pháp luật cho phép như các tài xế Bến Thủy thực hiện cho thấy rằng người dân vẫn có quyền lựa chọn.

Việc bày tỏ thái độ với ở nước ta, đáng tiếc, thường đi theo hai ngã rẽ cực đoan.

Lựa chọn được đông đảo chấp nhận là im lặng, hoặc chỉ rỉ tai bức xúc cho nhau nghe ở quán café hay trà đá, rồi chờ một điều thần kỳ nào đó xảy ra. Đôi lúc thần kỳ cũng có thể xảy ra, nhưng thường sẽ mất rất nhiều thời gian, và khi đó nhiều thiệt hại sẽ không thể phục hồi.

Lựa chọn thứ hai diễn ra khi người dân không kiểm soát được cơn giận của mình, cùng với một số yếu tố khác, tạo ra những xung đột không đáng có, làm giá trị của ý kiến người dân bị giảm nhẹ.

Một xã hội đa dạng tất yếu sẽ có những khác biệt về lợi ích và quan điểm. Đó là điều tốt: tiến bộ chỉ đến khi mâu thuẫn được bàn luận công khai và giải quyết thấu đáo. Tìm ra cái đúng là quá trình dài của những đóng góp liên tục từ trí tuệ cộng đồng, bởi rất ít thứ gì từ khi ra đời đã được công nhận là chân lý.

Quá trình này còn quan trọng hơn với chính sách, bởi kết quả tranh luận không chỉ để phân định thắng – thua, mà tác động trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người. Đó không chỉ là chuyện của mấy chục nghìn tiền lệ phí, hay sinh mệnh của những cây xanh ở đô thị.

Những xấp tiền lẻ ở trạm BOT Bến Thủy, là lựa chọn thứ 3. Những lựa chọn biểu đạt như vậy, không phải quá hiếm ở nước ta, nhưng cũng chưa phải văn hóa. 12 năm trước, từng có một chủ xe đem diễu hành chiếc xe bị tai nạn bẹp dúm của mình khắp đường phố Hà Nội, để cho hãng xe thấy rằng... túi khí chưa nổ. Thỉnh thoảng, người ta lại thấy một đoàn xe kèm biểu ngữ phản đối hãng xe đi diễu hành trên phố.

Những xấp tiền lẻ ở trạm BOT Bến Thủy, không phải là phát kiến và sẽ gây tranh cãi. Cho dù thiếu cơ chế biểu đạt, người dân vẫn sẽ tìm được cách thể hiện thái độ.

Sẽ rất không khôn ngoan cho bất kỳ ai, nếu từ chối đối thoại với những người mình phục vụ.

Nguyễn Khắc Giang

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image