Tìm kiếm
Thứ Sáu, 19/04/2024 09:50

Thu thuế có đang tham nhỏ, bỏ lớn?

11:35:00 19/05/2017

[Thời báo kinh doanh - 19/5/2017 - TS. Nguyễn Đức Thành, Ông Francis Weygiz, Bà Babeth Ngoc Han Lefur] Khi ngân sách gặp khó khăn, phải tìm cách giảm chi, loại bỏ những dự án đầu tư kém hiệu quả, tạo những chính sách để người dân, doanh nghiệp (DN) làm ăn hiệu quả nhằm nuôi dưỡng nguồn thu thay vì “giật gấu vá vai” bằng những nguồn huy động dễ dàng, nhanh chóng trong dân, mà bỏ đi những lỗ hổng từ những nguồn thu thuế lớn khác.

 

 

Tại hội thảo chia sẻ báo cáo công bằng thuế nhìn từ hoạt động của các tập đoàn ngân hàng đa quốc gia, do OxFam tổ chức sáng 18/5, các chuyên gia đã khẳng định như vậy, xung quanh câu chuyện tăng lệ phí môn bài lên 2 - 3 lần, cũng như đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu mới đây.

“Giật gấu vá vai”

Theo ước tính của cơ quan thuế năm 2014, số giảm thu ngân sách do áp dụng chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật Thuế ước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành thuế, đây là con số ước tính khi trình dự án luật và trên số giảm thu ngân sách do ưu đãi thuế có thể cao hơn rất nhiều lần.

Trong khi đó, nguồn thu được kỳ vọng sẽ “gánh” thâm hụt ngân sách từ XNK thời gian qua cũng giảm mạnh, do Việt Nam tham gia các Hiệp định thế hệ mới. Chính vì thu không bù được chi, nên bội chi ngân sách tiếp tục có xu hướng gia tăng qua các năm và người dân chịu gánh nặng chi tiêu y tế cao.

Ts. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng: “Thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và không có khả năng cải thiện vì nguồn thu từ dầu thô và DN đều giảm. Trong khi đó, chi thì không giảm”.

Đây là vấn đề đáng lo ngại nhất của nền kinh tế Việt Nam, điều này sẽ khiến nợ công tăng, theo nhận định của các chuyên gia, nếu không có các biện pháp cấp bách, cuối năm nay nợ công có thể “xuyên thủng trần”.

Do vậy, Việt Nam phải tìm nguồn thu khác để thay thế. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay nguồn thu từ tài nguyên như: dầu thô, thu thuế XNK… đang giảm mạnh.

Do vậy, Việt Nam phải tăng thu từ các nguồn thuế nội địa, thông qua cách tăng thuế gián thu, phí từ các nguồn sẵn có như: thuế BVMT xăng dầu, phí đường bộ… Thậm chí phạt hành chính cũng tăng.

Thu thuế có đang tham nhỏ, bỏ lớn?

Tránh phụ thuộc thuế gián thu

Ông Thành cho hay: “Đây là cách làm theo kiểu “giật gấu vá vai” để tạm thời lấp chỗ trống, chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, trong thời gian ngắn hạn bằng những nguồn huy động dễ dàng, nhanh chóng trong dân mà bỏ đi những lỗ hổng từ những nguồn thu thuế lớn khác”.

Bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngân sách nhà nước, theo các chuyên gia, cần phải tìm cách giảm chi, tinh giản bộ máy, loại bỏ những dự án đầu tư kém hiệu quả, tạo những chính sách để người dân, DN làm ăn hiệu quả nhằm nuôi dưỡng nguồn thu.

Viện trưởng VERP cho rằng, trong lúc ngân sách khó khăn, lẽ ra phải giảm bớt, thắt chặt chi tiêu, tăng thu từ những nguồn khác, như các dự án lớn của Nhà nước thay vì tìm cách tăng thu từ người dân.

Ông Thành cho biết, hiện nay GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam mới đạt hơn 2.000 USD/người, nhưng nợ công đã vượt trên 65% GDP cả nước. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, GDP bình quân trên đầu người cao gấp đôi, song nợ công chỉ bằng một nửa Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Francis Weygiz - Cố vấn cao cấp về thuế OxFam, cho biết ngay cả khi tình hình kinh tế ổn định, các nước thường có xu hướng cắt giảm nguồn thu để khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Họ cũng áp dụng chính sách thuế ưu đãi cho DN, nhằm hỗ trợ DN phát triển. Từ đó, DN có đóng góp thuế nhiều hơn cho Nhà nước.

Ông Francis Weygiz nêu dẫn chứng, hiện nay, Hoa Kỳ quy định thuế suất TNDN liên bang là 35%. Trong khi đó, các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ bị đánh thuế trên lợi nhuận toàn cầu, nhưng được khấu trừ phần thuế đã đóng ở nước ngoài là 15%. “Quy định thuế của Hoa Kỳ cho phép lợi nhuận nước ngoài không bị đánh thuế giữa hai quốc gia”, ông Francis Weygiz khẳng định.

Bà Babeth Ngoc Han Lefur - Giám đốc Quốc gia, tổ chức OxFam tại Việt Nam, cho rằng các nước đang phát triển cần xây dựng hệ thống thuế để tăng nguồn thu trong nước. Cần tránh việc phụ thuộc vào các loại thuế gián thu như thuế VAT, thuế BVMT… mà đang ảnh hưởng nặng nề với người nghèo và tăng gánh nặng lên người lao động. Đồng thời, các chính phủ cần phải chấm dứt việc tạo điều kiện để các cá nhân giàu có và các công ty lớn tránh thuế.

Thay vì tận thu, “đánh” vào các loại thuế, phí ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, Nhà nước nên có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách tinh giản bộ máy cồng kềnh, giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh, sản xuất thuận lợi bởi DN hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thanh Hoa

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image