Tìm kiếm
Thứ Sáu, 19/04/2024 02:39

“Giảm lãi suất cho vay, giữ nguyên lãi suất huy động là cách làm đúng”

11:14:00 12/07/2017

[Bizlive - 12/7/2017 - TS. Cấn Văn Lực, TS. Nguyễn Đức Thành] Tại buổi toạ đàm báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2017 do VEPR tổ chức, nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng việc Nân hàng Nhà nước hạ lãi suất cho vay và giữ nguyên trần lãi suất huy động là cách làm đúng đắn...

 

“Giảm lãi suất cho vay, giữ nguyên lãi suất huy động là cách làm đúng”

Các diễn giả tại buổi toạ đàm Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II/2017.

Ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm các lãi suất điều hành, cùng lãi suất cho vay một số lĩnh vực. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/7/2017. 

Tại buổi toạ đàm công bố báo cáo kinh tễ vĩ mô do Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức chiều 10/7, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng động thái này sẽ có tác động hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Cũng theo vị này, việc giảm lãi suất là hoàn toàn có cơ sở khi lạm phạt 6 tháng đầu năm 2017 khá thấp. Đặc biệt, ông Lực cho rằng việc giảm lãi suất cho vay nhưng giữ nguyên trần lãi suất huy động là cách làm đúng đắn.

Ông Lực nói: Nếu giảm lãi suất huy động sẽ khiến dòng tiền chuyển sang nhiều kênh khác thay vì gửi ngân hàng. Nếu việc huy động vốn gặp khó khăn thì không thể giảm lãi suất hay duy trì lãi suất ở mức thấp.

Vị này cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước chỉ giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên chứ không giảm lãi suất đại trà nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các lĩnh vực ưu tiên là phù hợp, tránh việc dòng vốn đổ vào các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao.

“Lúc này, quan trọng là các tổ chức tín dụng cần tuân thủ nghiêm túc yêu cầu này để dòng vốn vào đúng lĩnh vực ưu tiên như yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lực nói.

Ông Lực cũng cho biết thêm, trước khi có quyết định này, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã có những họp bàn rất kỹ và đánh giá con số 0,25% là mức phù hợp. 

“Nếu giảm sâu hơn nữa thì doanh nghiệp hài lòng nhưng các ngân hàng nhiều khả năng sẽ hạn chế đẩy mạng cho vay những lĩnh vực ưu tiên vì lợi nhuận qua eo hẹp”, ông Lực nhận định.

Vị này cho biết, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động hiện nay của Việt Nam khá thấp, thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu giảm tiếp, ông Lực lo ngại hệ thống ngân hàng khó có thể chịu được.

Bình luận thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng việc giảm lãi suất này có phần “miễn cưỡng”. Bởi Thủ tướng, Chính phủ đặt quyết tâm cao trong việc giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc..

“0,25% là mức giảm thăm dò và cũng thể hiện sự “bối rối” của ngân hàng Nhà nước. Bởi họ rất muốn thực hiện ý chí của Chính phủ nhưng vẫn có những ràng buộc và những khó khăn trong việc điều hành”, ông Thành nói.

TS. Nguyễn Đức Thành cũng cho biết ông đồng tình với quyết định không hạ lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước. Vị này cho rằng, nếu hạ lãi suất người dân sẽ tính toán lại việc gửi tiền vào ngân hàng. Một khi ngân hàng thiếu vốn thì không thể hạ lãi suất.

Ông Thành nói thêm, lãi suất cho vay không hạ được là do nợ xấu. Vì vậy muốn giảm được lãi suất đầu tiên phải xử lý được nợ xấu. Theo quan điểm của ông Thành, cần mạnh dạn 10-15% GDP để xử lý nợ xấu.

“Chỉ cần lãi suất giảm được 1-2% thì nền kinh tế sẽ phục hồi và GDP sẽ tăng 1-2%. Sau 5 năm sẽ lấy lại được 10% GDP. Tuy nhiên, chính sách này rất khó để thực hiện vì không phải ai cũng đồng ý lấy tiền ngân sách để xử lý nợ xấu”, ông Thành nói.

N.MẠNH

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image