Tìm kiếm
Thứ Tư, 24/04/2024 09:53

Giám đốc VEPR: Nên đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng

11:19:00 10/07/2017

[Thời báo Kinh tế Sài Gòn - 10/7/2017 - TS. Nguyễn Đức Thành] Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành cho rằng cần coi trọng chất lượng của tăng trưởng trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đeo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao 6,7% cho năm nay.

Giám đốc VEPR Nguyễn Đức Thành. Ảnh TG

Tại cuộc tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quí 2-1017 do VEPR công bố chiều 10-7 tại Hà Nội, ông Thành nói: “Đã đến lúc nên đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng một cách rất thực tế, là mức tăng trưởng chung, dù cao, có phản ánh thực lực của nền kinh tế hay không”.

VEPR ghi nhận, Chính phủ đã quyết tâm rất cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra là 6,7%, bất chấp nhiều cảnh báo đó là mức ít khả thi. Các biện pháp nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành qua Chỉ thị 24/CT-TTg.

Đặc biệt, ngành dầu khí được chỉ thị tăng cường sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Ông Thành nói: “Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô,… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách”.

Ông cho rằng, tăng trưởng của khu vực sản xuất và hoạt động thương mại vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của một số ít các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đáng kể cùng với sự suy giảm trong quy mô lao động hoạt động cho thấy khu vực kinh tế trông nước đang ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt trong việc cạnh tranh với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Về lạm phát, với mức giá giảm xuống thấp như trong quí 2, ông Thành cho rằng, Chính phủ có nhiều không gian hơn để điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách liên quan như điều chỉnh giá các dịch vụ công thiết yếu, cũng như nới rộng chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng nhằm kích thích kinh tế.

Đối với chi ngân sách, thực trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển đã ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng, thị trường việc làm cũng như hiệu quả sử dụng vốn.

Trong khi đó, chi thường xuyên không những không giảm mà thậm chí còn tăng với tốc độ cao hơn so với các năm trước dẫn tới sự gia tăng không ngừng của chi ngân sách cho trả nợ cả gốc và lãi.

Do đó, Chính phủ cần thực hiện quyết liệt các biện pháp thắt chặt chi thường xuyên như chính sách tinh giảm biên chế, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả chi phí quản trị nhà nước.

Theo ông Thành, để giảm sức ép đối với ngân sách và tránh lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài, việc thực hiện các biện pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực này là yếu tố sống còn.

Tuy nhiên, cần rất cảnh giác với hiện tượng là nhiều thay đổi chính sách đang tạo ra nhiều giấy phép con mới, hoặc đưa ra nhiều điều kiện mới, gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp.

Trên thị trường tài chính, theo ghi nhận của VEPR tín dụng tăng trưởng ở mức cao đưa tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực và xấp xỉ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2009.

“Đây là một thức tế cần theo dõi chặt chẽ, vì nó hàm chứa nhiều rủi ro trên thị trường vốn”, báo cáo của VEPR cảnh báo.

Nếu vốn ngân sách được đẩy mạnh giải ngân vào cuối năm, có thể gây sức ép mới về thanh khoản và lãi suất. Để bình ổn, Ngân hàng Nhà nước có thể phải bổ sung lượng phương tiện thanh toán về cuối năm. Điều này, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng cao hơn tiền gửi, có thể dẫn tới khả năng lạm phát cao hơn trong năm 2018.

Ông Thành lưu ý về khả năng những rủi ro lớn có thể xuất hiện trên thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán khi tín dụng đang tăng nhanh một cách bất thường, dẫn tới những thay đổi không đồng đều trên các thị trường này.

Điều hành chính sách của Chính phủ cũng cần nhất quán với môi trường đang biến đổi của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó nhiều chính sách cần được thay đổi cho phù hợp với các điều kiện kinh doanh mới.
Cụ thể, cuộc tranh luận chính sách mạnh mẽ hiện nay giữa taxi truyền thống và xe hợp đồng điện tử Uber/Grap đang là một liều thuốc thử bản lĩnh của các nhà điều hành.

"Chính phủ cần nhất quán và xác quyết trong việc mở lối cho công nghệ mới tại Việt Nam, chứ không thể để các thể chế hay loại hình kinh doanh cũ kéo lùi sự phát triển chung", ông thành cảnh báo.

VEPR dự báo tăng trưởng hai quí tiếp theo của Việt Nam sẽ ở mức 6,7% và 7%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo VEPR đưa ra hồi quí trước. Đồng thời, lạm phát năm 2017 được sự báo sẽ duy trì ở mức thấp dưới 2,5%. Cụ thể, lạm phát cuối quí 3-2017 có thể giảm xuống 1,8% so với cùng kỳ trước khi tăng lên 2,2% (so cùng kỳ) vào cuối năm.

Tư Hoàng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image