Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 07:03

Thiết bị từ Trung Quốc không còn được ưa chuộng nhập khẩu?

09:06:00 08/08/2017

[Soha - 08/08/17 - TS. Nguyễn Đức Thành] Máy móc của CHLB Đức rất ưu việt nhưng cuối cùng thiết bị Hàn Quốc mới là sự lựa chọn. Với giá thành phải chăng và chất lượng ổn định, máy móc Hàn Quốc đang trở thành sản phẩm thay thế cho những thiết bị do Trung Quốc sản xuất được lắp đặt trong nhà máy.

Đó là câu chuyện về một doanh nghiệp Việt Nam được TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhắc đến. Theo ông Thành, Hàn Quốc đang trở thành nơi nhập khẩu tư liệu sản xuất được doanh nghiệp lựa chọn, bên cạnh địa chỉ quen thuộc là Trung Quốc.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 31,7 tỷ USD, trong 7 tháng đầu năm 2017. Hàn Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ hai với kim ngạch đạt 26,7 tỷ USD, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa phục vụ tiêu dùng ở tất cả các lĩnh vực từ Trung Quốc, thì Hàn Quốc chủ yếu là nơi nhập khẩu tư liệu sản xuất.

Cụ thể, 3 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 8,7 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (5,8 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (3,6 tỷ USD).

Doanh nghiệp Hàn Quốc đã nắm bắt tốt thời cơ

Nguyên nhân của sự gia tăng mạnh mẽ kim ngạch xuất khẩu từ Hàn Quốc cũng có sự đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam. VEPR cho biết sự phát triển và đòi hỏi cao hơn của doanh nghiệp Việt Nam đã dẫn đến xu hướng chuyển dịch nguồn nhập khẩu. Hàn Quốc đang trở thành địa chỉ thay thế Trung Quốc, cung cấp máy móc, thiết bị cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (KVFTA) có thể chính là thời cơ tốt để hàng hóa Hàn Quốc tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng các doanh nghiệp đang hưởng nhiều ưu đãi từ quy định thuế suất 0% theo nội dung KVFTA.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam như Samsung, LG, Hyundai đặc biệt tận dụng tốt quy định này để nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều hiệp hội, trung tâm xúc tiến của Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, và quảng bá thiết bị đến doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệp hội Doanh nghiệp Đổi mới Hàn Quốc (Innobiz) cho biết 96 doanh nghiệp Hàn Quốc đã hợp tác, chuyển giao công nghệ tới gần 400 doanh nghiệp Việt Nam. Đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, môi trường, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo,...

Một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Hàn Quốc tăng mạnh đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng sự đầu tư của Samsung và các doanh nghiệp Hàn Quốc thường kéo theo nhiều máy móc, thiết bị được nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong đầu năm 2017, 5 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Hàn Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

TS Nguyễn Đức Thành đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Samsung khi doanh nghiệp này đã quyết định đầu tư thêm 2,5 tỷ vào Bắc Ninh ngay trong tháng 2/2017. Theo ông, chỉ cần đoanh nghiệp này lên xuống thì chỉ số quan trọng của nền kinh tế Việt Nam biến đổi theo.

Vương Diệu Quân

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image