Tìm kiếm
Thứ Sáu, 29/03/2024 07:27

Lương tối thiểu không tạo ra nhiều tác động tích cực

09:18:00 13/09/2017

[Thời báo Kinh tế Sài Gòn - 13/09/17 - TS.Nguyễn Đức Thành, ông Futoshi Yamauchi, ông Nguyễn Việt Cường] Tăng lương tối thiểu được đưa ra nhằm bảo vệ người lao động nhưng theo một nghiên cứu mới được công bố, lương này không có nhiều tác động tích cực như vậy nhưng lại khiến doanh nghiệp tăng chi phí sản xuất, giảm tuyển dụng lao động cũng như khiến các doanh nghiệp tăng cường đầu tư máy móc để giảm chi phí lương.

Lương tối thiểu tăng trung bình hai con số hằng năm trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. - Ảnh: Thuỳ Dung

Đây là thông tin được đề cập trong báo cáo "Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) thực hiện và công bố hôm 13-9.

Lương tối thiểu tăng liên tục

Theo Viện trưởng VERP Nguyễn Đức Thành, Việt Nam đã chứng kiến mức tăng lương tối thiểu tương đối nhanh trong những năm qua. Lương tối thiểu tăng ở mức trung bình hằng năm đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng.

Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Cụ thể, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đạt mức 50% năm 2015. Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.

Cũng theo ông Thành, năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp), gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn mức chi phí tại Indonesia. Khoản đóng góp bảo hiểm khá lớn ở Việt Nam, chỉ kém Trung Quốc và cao hơn nhiều so với Thái Lan, Indonesia, Phillipines có thể tạo ra những “khoảng trống thuế” giữa chi phí lao động mà doanh nghiệp phải gánh chịu với khoản thu nhập thực tế của người lao động.

Doanh nghiệp chịu đủ

Đánh giá tác động của lương tối thiểu, ông Futoshi Yamauchi, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Washington DC cho biết, xét về tổng thể nền kinh tế, tăng lương tối thiểu dẫn đến tăng lương trung bình, giảm việc làm và giảm lợi nhuận.

Trung bình, lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%. Ngoài ra, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm 2,3 điểm phần trăm.

Xét về góc độ việc làm, ông Yamauchi cho hay, các doanh nghiệp có mức tuân thủ chế độ lao động cao hơn, như tăng lương và bảo hiểm đầy đủ theo quy định thì sẽ có khuynh hướng cắt giảm việc làm nhiều hơn. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tiền lương và phúc lợi lao động cảm thấy khó khăn hơn vì chính sách lương tối thiểu, và buộc phải cắt giảm nhân công. Trong khi đó, các doanh nghiệp chấp hành ít nghiêm chỉnh hơn, né tránh phần nào tác động của tăng lương tối thiểu, lại không cắt giảm nhân công nhiều.

Xét về mặt lợi nhuận, cũng theo ông Yamauchi, so với các khu vực khác, khu vực tư nhân chịu tác động tiêu cực khá lớn từ tăng lương tối thiểu. Cụ thể, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận có khả năng giảm 3,25 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhanh và liên tục, có thể làm giảm tốc độ tích lũy tư bản của khu vực doanh nghiệp tư nhân, khiến khu vực này tăng trưởng chậm lại.

Xét kỹ hơn, doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, thể hiện qua số lượng lao động nhiều hơn thì cắt giảm việc làm nhiều hơn. Về đầu tư máy móc, khi mức lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, chế biến gỗ và nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc, trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc.

Điều này cho thấy doanh nghiệp chỉ tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư vào máy móc để thay thế lao động trong những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh tĩnh, tức là ngành mà Việt Nam đang có lợi thế sản xuất.

Còn với một số ngành quan trọng khác, như điện tử chẳng hạn, doanh nghiệp có thể không muốn mở rộng vì lo ngại giá lao động sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, và sẽ mất đi lợi thế so sánh.

Không những vậy, lương tối thiểu dường như không đạt được ý nghĩa tốt đẹp của nó. Báo cáo cho thấy, nhìn chung, lao động có trình độ học vấn tương đối thấp, người làm việc không có hợp đồng là những người có khả năng cao bị trả dưới mức lương tối thiểu. Thêm vào đó, hệ thống lương tối thiểu hiện nay dường như không bao hàm đầy đủ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Điều này cho thấy việc áp dụng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và giảm nghèo có thể không phát huy tính hiệu quả.

Đánh giá độc lập về báo cáo, ông Nguyễn Việt Cường, chuyên gia về tiền lương thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông và Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, khi hỏi doanh nghiệp và người lao động thì ông thấy tác động của tăng lương tối thiểu tới hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế không đáng kể như báo cáo đã phân tích. Thực tế, các doanh nghiệp đã trả cao hơn so với lương tối thiểu rất nhiều. Việc tăng lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng tới khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, hiện chiếm khoảng 32,5% quỹ tiền lương.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nên có cái nhìn đa chiều khi khảo sát về lương tối thiểu, không nên chỉ khảo sát riêng doanh nghiệp.

Nguyên tắc cho tăng lương tối thiểu phải rõ ràng

Viện trưởng VERP Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, trước hết điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với mức tăng năng suất lao động. Lương tối thiểu đã tăng lên ở mức cao trong thập kỷ qua. Việc tăng lương tối thiểu có khả năng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, và quan trọng hơn, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nếu lương tối thiểu cứ tiếp tục tăng nhanh hơn năng suất lao động.

Hơn nữa, lương tối thiểu sẽ không phát huy hiệu quả nếu được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội. Vì hệ thống lương tối thiểu hiện nay không bao gồm người lao động không có hợp đồng, cũng như không có nhiều tác dụng đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Do đó, cần có các chính sách bổ trợ khác, thay vì chỉ kỳ vọng ở chính sách lương tối thiểu.

Ngoài ra, mức lương tối thiểu phải được điều chỉnh dựa trên một số nguyên tắc nhất định, phải rõ ràng để tăng khả năng dự báo và minh bạch, giúp tránh điều chỉnh mức lương tối thiểu tùy ý, khiến nhà đầu tư và người sử dụng lo ngại.

Điều quan trọng là phải theo dõi tác động của việc tăng lương tối thiểu đến nền kinh tế để tránh việc tăng lương tối thiểu có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn như sự dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang khu vực không chính thức.

“Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn”, ông Thành nói.

Thùy Dung

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image