Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 07:43

Cứ 10 người làm việc, có 3 người làm tự do, không hợp đồng

10:35:00 12/10/2017

[Dân trí - 4/10/2017 - TS Nguyễn Tiến Dũng, TS Nguyễn Đức Thành] Năm 2016, tổng số lao động cả nước ước đạt 53,3 triệu người, trong đó lao động phi chính thức (không có hợp đồng lao động) là 18 triệu người, tính bình quân cứ 10 người lao động đang làm việc hiện nay, có hơn 3,3 người không được bảo vệ bằng các hợp đồng lao động theo quy định của luật pháp.

Tỷ lệ lao động phi chính thức (không có hợp đồng, thu nhập bấp bênh và không được hưởng các chính sách về bảo hiểm) chiếm 1/3 lực lượng lao động

Báo cáo về quy mô và xu hướng biến động lao động chính thức và lao động phi chính thức vừa được Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hôm nay (4/10) cho biết, lực lượng lao động của Việt Nam năm 2016 vào khoảng 53,3 triệu người, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó lao động chính thức (làm việc thường xuyên, thu nhập ổn định và có hợp đồng...) chiếm hơn 13,4 triệu người; lao động phi chính thức (không hợp đồng, thu nhập bấp bênh, không được đóng bảo hiểm, y tế và được hưởng các phúc lợi khác...) chiếm 18 triệu người; lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 21,8 triệu người.

Số liệu lao động nói trên cho thấy, hiện 1/3 lao động đang làm việc ở Việt Nam không được đóng bảo hiểm, không có hợp đồng và không được hưởng các phúc lợi xã hội khác. Tính bình quân, cứ 10 lao động đang tạo ra của cải vật chất, có hơn 3,3 người không được ký hợp đồng lao động, không được bảo vệ bởi các luật pháp dành cho họ và đến tuổi về hưu sẽ không có lương hưu.

Đáng lo hơn có khoảng 60% lao động phi chính thức đang làm việc tại các khu vực nông thôn. Tỷ lệ nam giới làm việc mà không hợp đồng, không bảo hiểm cao hơn so nhiều với nữ giới, chiến 56% (10 triệu người), trong khi nữ giới chỉ gần 8 triệu người. Nam giới tại thành thị và nông thôn làm việc không hợp đồng, không bảo hiểm cũng cao hơn so với nữ giới.

Phân theo các vùng và địa phương, khu vực Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long, Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung có số lao động phi chính thức cao nhất cả nước, cả ba vùng kinh tế này chiếm gần 60% lực lượng lao động phi chính thức.

Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ lao động phi chính thức chiếm gần 20% cả nước, điều này cho thấy tỷ lệ lao động làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh và dễ chạm ngưỡng nghèo hoá đô thị tại các thành phố lớn cao không kém so với khu vực nông thôn.

Theo Tổ chức ILO, cơ cấu lao động của Việt Nam có sự biến động đáng kể, trong 3 năm 2014, 2015 và 2016, số lao động chính thức và phi chính thức có chiều hướng tăng lên mỗi năm từ 700.000 người đến gần 1 triệu người/năm.

Ngược lại, khu vực nông nghiệp, lao động có xu hướng giảm đi, từ năm 2014, số lao động nông nghiệp là 24 triệu người, sang năm 2016 giảm xuống 21,8 triệu người, giảm 1,1 triệu người/năm. Điều này cho thấy Việt Nam đang chuyển đổi cơ học lực lượng sản xuất, song sự chuyển đổi về "chất" từ lao động nông nghiệp, lao động từ khu vực chính thức sang chính thức chưa nhiều.

Mới đây, trong một báo cáo về thực trạng tăng trưởng tiền lương với năng suất lao động tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố tháng 9/2017, cơ quan này khẳng định: Việt Nam có khoảng 50% số lao động làm việc mà không được ký kết hợp đồng lao động.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Viện VEPR cho rằng: "Hiện 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng, số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo phân phối công bằng vì số lao động không có hợp đồng không được áp dụng mức lương tối thiểu".

"Lương tối thiểu không bảo vệ người lao động và không công bằng đối với người không được bảo vệ bởi lương tối thiểu (người không có hợp đồng lao động). Bước đầu, có thể coi tăng lương tối thiểu là thất bại của chính sách", TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR khẳng định.

Nguyễn Tuyền

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image