Tìm kiếm
Thứ Bảy, 20/04/2024 03:29

Không quyết liệt tinh giản bộ máy, không nguồn thu nào nuôi nổi!

16:48:00 12/10/2017

[Bizlive - 12/10/2017 - PGS.TS. Phạm Thế Anh, TS. Nguyễn Đức Thành] TS. Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng chi thường xuyên của chúng ta vẫn còn quá cao. Trong đó, chủ yếu chi bộ máy hành chính. Nếu chúng ta không quyết liệt tinh gọn bộ máy thì không có nguồn thu nào "nuôi" nổi...

TS. Phạm Thế Anh.

Một trong các nội dung đáng chú ý được đưa ra tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố đó là vấn đề thu chi ngân sách.

Theo VEPR, mặc dù có xu hướng giảm song với tình trạng bội chi ngân sách nhà nước dai dẳng trong thời gian qua thì việc cải thiện cơ cấu chi tiêu theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên là một giải pháp quan trọng.

Số liệu Tổng cục Thống kê cho biết, bội chi ngân sách nhà nước tiếp tục duy trì ở mức thấp trong 3 quý đầu năm 2017. Tuy nhiên, tiến độ thu, chi ngân sách trong năm nay còn chậm so với cùng kỳ các năm trước.

Tính tới thời điểm 15/09/2017, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 786,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ và bằng 64,9% dự toán năm (năm 2015: 70,3%; 2016: 65,6% dự toán).

Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/09 ước đạt 851,5 nghìn tỷ đồng và chỉ bằng 61,2% dự toán. Trong đó, chi dành cho đầu tư phát triển tiếp tục duy trì ở mức thấp, ước tính đạt 153 nghìn tỷ đồng, tương đương với 42,8% dự toán năm và chỉ chiếm 18,0% tổng chi.

Theo đó, bội chi ngân sách tính đến cuối quý 3 ước tính chỉ ở mức 65,2 nghìn tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

 Bội chi ngân sách tính đến cuối quý 3 từ năm 2013-2017. Đơn vị: Nghìn tỷ đồng

Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn thời gian qua vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng, vừa giảm tình trạng sử dụng lãng phí và kém hiệu quả vốn đầu tư công hiện nay.

Tuy nhiên, ông Thành cho biết phần lớn tổng chi (khoảng 73%) vẫn là dành cho chi thường xuyên với 623 nghìn tỷ đồng, đạt 69,5% so với dự toán. Tốc độ tăng chi thường xuyên thậm chí còn có xu hướng gia tăng về mặt danh nghĩa (năm 2015: 7,3%, 2016: 5,8%, 2017: 8.5%).

Đồng thời, chi trả nợ gốc và lãi lần lượt đạt 128 và 72,4 nghìn tỷ đồng, tương ứng đạt 78,1% và 73,2% dự toán. Theo ông Thành, thực trạng này tiếp tục cho thấy sự thiếu cân bằng và bất hợp lý của tổng chi khi nguồn lực cho tăng trưởng dài hạn như đầu tư công bị hạn chế tương đối so với việc phục vụ nhu cầu ngắn hạn như chi thường xuyên và trả nợ.

TS. Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng đồng tình cho rằng chi thường xuyên của chúng ta vẫn còn quá cao. Trong đó, chủ yếu chi bộ máy hành chính. Muốn giảm chi thường xuyên thì cần phải làm tinh gọn bộ máy hành chính.

"Hội nghị Trung ương 6 đã bàn về vấn đề này. Nếu chúng ta không làm quyết liệt thì không có nguồn thu nào nuôi được bộ máy lớn thế", ông Phạm Thế Anh nói.

Đề cập tới đề xuất tăng thế VAT mới đây của Bộ Tài chính nhằm cơ cấu lại nguồn thu, chuyên gia Phạm Thế Anh cho rằng Bộ mới viện dẫn các thông lệ quốc tế về thu ngân sách nhưng chưa đã những con số các quốc gia khác chi tiêu như thế nào.

"Điều quan trọng cần làm hiện nay là kiểm soát nguồn chi. Cần rõ ràng minh bạch trong việc chi tiêu ngân sách", ông Phạm Thế Anh nói.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh hiện nay việc cơ cấu lại nguồn thu ngân sách là việc cần làm. Ông Hiếu nhấn mạnh, ông sẵn sàng ủng hộ việc đề xuất tăng VAT nhưng Bộ Tài chính cần phải đưa ra được lập luận thuyết phục người dân.

"Bộ Tài chính đưa ra lý do tăng thuế vì mức VAT hiện tại 10% tương đối thấp so với nhiều nước khác. Nhưng chúng ta phải thấy được hoàn cảnh mỗi nước là khác nhau. Dân họ giàu nếu trả thêm thì không sao, còn chúng ta thì khác. Bên cạnh đó cần làm rõ việc tăng nguồn thu nhưng nguồn chi sẽ được sử dụng như thế nào", ông Hiếu nói.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả chi tiêu công, củng cố nguồn thu ngân sách nhà nước cũng là giải pháp cần chú trọng. Tuy nhiên, việc tăng thuế VAT giúp cải thiện nguồn thu trong ngăn hạn nhưng lại tăng gánh nặng lên nền kinh tế, giảm hiệu quả và động lực chung, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng và do đó là cơ sở nguồn thu.

"Rất nên thận trọng với việc tăng thuế VAT. Cụ thể, giải pháp cần thiết là xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin tài chính hiệu quả và minh bạch của người dân và doanh nghiệp, qua đó tăng hiệu lực của nguồn thuế trực thu hiện hành", ông Thành nói.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, cần có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thông qua cải các thể chế và hành chính, đặc biệt chú trọng đối với khu vực kinh tế tư nhân, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng suất, qua đó duy trì nguồn thu bền vững.

N.MẠNH

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image