Tìm kiếm
Thứ Tư, 24/04/2024 10:37

Đam mê công việc và chăm sóc được cho bản thân thì mới mong có thể đóng góp cho gia đình và xã hội

14:31:00 14/10/2017

[Giáo dục và Thời đại - 14/10/2017 - Nguyễn Việt Hoàng] Nguyễn Việt Hoàng (Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế học mở rộng thuộc VEPR) mới đây đã có những chia sẻ với bạn đọc Báo GD&TĐ những lát cắt trong góc nhìn về học tập, nghiên cứu, cũng như nhận thức chính trị, kinh tế, xã hội của giới trẻ hiện nay.

“Một trong những “người thầy” của tôi là Google!”

Giới trẻ Việt Nam rất quan tâm đến các vấn đề của đất nước

- Nhắc đến cụm từ “Kinh tế học” có vẻ “khô khan”. Nhưng hội nghị “Kinh tế học mở rộng 2017” đúng như tên gọi lại thu hút nhiều bạn trẻ đang là sinh viên. Qua tiếp xúc, quan sát trong công việc, Nguyễn Việt Hoàng nhận thấy các bạn trẻ Việt Nam có mối quan tâm như thế nào tới các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước?

Nếu nói một cách đơn giản và dễ thấy nhất thì tôi nhớ lại khoảng thời gian năm 2014, khi mà Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, ngay lập tức các bạn trẻ đã phản đối bằng cách đồng loạt cùng thay avatar (ảnh đại diện facebook) bằng hình ảnh cờ Việt Nam.

Đó là một minh chứng cho sự quan tâm của các bạn trẻ đến những vấn đề quan trọng của đất nước.

Mong muốn của tôi cũng như những người làm các chương trình hội nghị bàn về các vấn đề Kinh tế học mở rộng là các bạn trẻ có cơ hội trao đổi cởi mở hơn về các vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề chính trị, xã hội mà giới trẻ quan tâm.

Tất cả vì mục đích hướng tới việc đưa đất nước phát triển hơn. Các bạn trẻ không nên đi vào con đường sai lầm là chỉ phê phán thực tiễn. Mọi phê phán nếu có thì cũng cần phải mang tính xây dựng, vì một đất nước Việt Nam phát triển, hoà bình và ổn định.

Sự quan tâm của các bạn trẻ đối với các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội có thể thấy rõ ngay ở những hội nghị, toạ đàm mà các bạn tham dự.

Có những bạn sinh viên rất mạnh dạn đặt các câu hỏi rất hay, rất sâu sắc với các diễn giả là người nổi tiếng trong lĩnh vực quản lý, kinh tế, ngoại giao của Việt Nam. Chứng tỏ sự tự tin, hiểu biết của các bạn trẻ hiện nay.

Tôi cũng chia sẻ là chỉ từ tháng 2/2017 đến nay Chương trình Nghiên cứu Kinh tế học mở rộng đã tổ chức được những chuỗi hội thảo, toạ đàm và điều rất đáng mừng là mỗi một hội thảo, toạ đàm như thế thì rất đông các bạn trẻ đã tham gia... để cùng bàn luận đến những vấn đề tưởng chừng rất khô khan như: Lịch sử kinh tế thế giới, lịch sử các tư tưởng...

Các bạn sinh viên thường đóng góp ý kiến rất sôi nổi trong các chương trình như vậy. Những câu hỏi được đặt ra một cách hiểu biết chẳng hạn như: Các nhà kinh tế như Keynes, Karl Marx... đã có những đóng góp như thế nào, có mối liên hệ gì giữa các tư tưởng kinh tế khác nhau của các nhà kinh tế vĩ đại....

Hay các bạn đặt câu hỏi về những vấn đề cụ thể trong lịch sử kinh tế- chính trị thế giới... Hoặc những câu hỏi về phát triển bền vững (lý thuyết và thực tiễn)... Những quan tâm, thảo luận của các bạn trẻ cho thấy họ có suy nghĩ và ý kiến đóng góp rất tích cực.

- Cảm nhận của Việt Hoàng về sự giao thoa giữa: Kinh tế- Văn hóa- Chính trị qua hoạt động thực tế ở các seminar, các hội thảo, hay workshop mà bạn cùng các cộng sự đã và đang thực hiện?

Những hội thảo, hội nghị về Kinh tế học được tổ chức nhằm mang lại cho các bạn trẻ cái nhìn trước hết về chính lĩnh vực kinh tế.

Song có những chương trình như “Hội nghị Kinh tế học mở rộng 2017” mà chúng tôi vừa tổ chức với chủ đề: “Tại sao chúng ta nên học Kinh tế học: Những vấn đề từ Việt Nam và Quốc tế” thì chúng tôi mong muốn nêu lên vai trò của Kinh tế học trong một số khía cạnh của công việc và cuộc sống.

Với sự tham gia của những diễn giả nguyên là lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách … sẽ đem lại cho các bạn trẻ tham dự những cái nhìn mới về khoa học kinh tế trong bối cảnh đất nước và quốc tế hiện nay.

Việc các bạn trẻ có kiến thức về Kinh tế học dù ít dù nhiều cũng đều giúp ích cho công việc hàng ngày của mỗi người, bất kể là bạn học hay làm việc ở lĩnh vực gì, ngoại giao, văn hóa, chính trị, kinh tế hay xã hội… Bất kể bạn làm việc cho cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân…

Kinh tế học thực ra rất là đa chiều, rộng mở và giao thoa với tất cả những ngành học khác và lĩnh vực khác của xã hội như chính trị, ngoại giao, văn hóa…

Thầy cô giáo cần định hướng phương pháp học bao quát hơn, đưa đến cho người học quyền phát triển tư duy, năng lực của mỗi người

- Qua quá trình bản thân đã học tập ở cả trong và ngoài nước, góc nhìn riêng của một người trẻ như Nguyễn Việt Hoàng về một số điểm mạnh và điểm yếu trong giáo dục- đào tạo ở Việt Nam hiện nay?

Theo tôi việc dạy và học Kinh tế học nói riêng và giáo dục, đào tạo của Việt Nam nói chung đang có những điểm mạnh và cũng có những điểm yếu.

Có thể thấy ở ví dụ cụ thể là những thầy cô giáo của Việt Nam rất nhiệt tình, rất chăm sóc, quan tâm đến học sinh, sinh viên của mình.

Sự chăm sóc, quan tâm thậm chí qua việc thầy cô còn chép bài lên trên bảng để các bạn học sinh, sinh viên có thể ngồi ở dưới chép lại.

Tuy nhiên, việc quan tâm và nhiệt tình của thầy cô như thế lại có thể làm chậm đi sự tự tư duy phát triển của các bạn trẻ, kể cả khả năng tự suy nghĩ, tự phản biện...

Từ đó các bạn trẻ có thể quen với việc học vì người khác, học quan điểm của người khác, chứ không tự phát triển quan điểm riêng của chính mình.

Khi tôi sang học ở bên Anh, tôi thấy rằng việc giáo viên, giảng viên đưa thông tin, tài liệu cho học sinh, sinh viên học theo là rất ít.

Chủ yếu ở trên lớp thầy cô chỉ gợi ý với người học về những chủ đề cần học và thảo luận. Còn học sinh, nhất là đến bậc học ĐH là các sinh viên thì thường trực tiếp tham gia xây dựng các chương trình, nội dung học tập của một buổi học, thậm chí là nội dung học tập của cả một năm học của chính mình.

Nếu được tự khám phá kiến thức với sự dẫn dắt, gợi ý của thầy cô thì người học sẽ hào hứng học hơn, có ý thức hơn trong việc tiếp thu kiến thức.

Với vai trò của học sinh, sinh viên được chú trọng như vậy, hoạt động dạy và học sẽ vui vẻ hơn, chứ không bị nặng nề hay gây mệt mỏi cho học sinh, sinh viên.

- Nhiều người thành đạt và từng trải cho rằng tự học quan trọng với tất cả mọi người. Còn bạn chia sẻ rằng ở Việt Nam giáo viên quá bao bọc học sinh, sinh viên, kể cả việc chép kiến thức trên bảng cho học trò của mình chép lại để học, điều đó làm ảnh hưởng đến khả năng tự học, tự sáng tạo của học sinh, sinh viên. Liệu bạn có thể phân tích rõ hơn ý kiến đó, theo bạn sự dẫn dắt của thầy cô trong việc cung cấp kiến thức cho học sinh, sinh viên nên như thế nào thì phù hợp?

Tự học vô cùng quan trọng. Tự học theo tôi trước hết là cho chính bản thân mỗi người.

Mỗi người có thể tự phát triển khả năng tư duy, khả năng suy nghĩ thì sẽ có lợi cho bản thân và có thể làm những công việc mà bản thân có thể bộc lộ chính kiến, năng lực và hơn hết là cách suy nghĩ độc lập, cách giải quyết vấn đề không dựa dẫm hoàn toàn vào người khác, nhưng cũng phải biết hợp tác với người khác để hoàn thành tốt công việc của mình, thay vì chỉ biết nói và nghĩ những gì người khác nói và suy nghĩ.

Theo những trải nghiệm tôi đã được học cả trong nước và ở nước ngoài thì không phải cái gì ở nước ngoài cũng tốt cả, cũng như không phải cái gì ở trong nước cũng không tốt. Ở từ đâu thì cũng học được cái hay cái đẹp.

Tuy nhiên, phương pháp dạy và học quyết định rất nhiều đến việc giúp mỗi học sinh, sinh viên có thể tiếp thu kiến thức, cũng như có cách tự học tốt nhất.

Phương pháp giảng dạy tôi thấy rất hay ở giáo dục các nước tiên tiến là nâng cao kỹ năng học tập và tiếp thu kiến thức cho từng người học, giúp học sinh, sinh viên năng động hơn trong cách tiếp thu kiến thức.

Muốn tự học thì mỗi học sinh, sinh viên phải được thầy cô giáo định hướng phương pháp học bao quát hơn, đưa đến cho người học quyền phát triển tư duy, năng lực của mỗi người một cách độc lập, chứ không chỉ nghe tuyệt đối theo những gì thầy cô giáo dạy trên lớp.

Một trong những “người thầy” của tôi là Google!

- Có ý kiến cho rằng các bạn trẻ hiện nay đang gắn kết ngày càng chặt với công nghệ, kỹ thuật số và Internet. Thậm chí việc tiếp thu, tìm kiếm các kiến thức cũng đã phụ thuộc rất nhiều vào thói quen “search” trên “Google”. Thói quen này theo Việt Hoàng có thể tạo nên lợi- hại gì?

Tôi nghĩ công nghệ thông tin, công nghệ số, hay Internet thì cũng giống như rất nhiều các lĩnh vực khác của đời sống xã hội hiện đại, có những mặt mạnh, mặt tốt, nhưng cũng có những mặt yếu, mặt trái.

Mặt mạnh của công nghệ thông tin, sự phổ biến của Internet chính là việc truyền tải, đưa đến thông tin cho con người nắm bắt được rất nhanh chóng.

Ví dụ, với các thế hệ trước, như thế hệ của bác Vũ Khoan, hay bác Phạm Chi Lan khi còn trẻ muốn tìm một thông tin, kiến thức gì đó thì có thể phải mất thời gian khá nhiều để lên thư viện tìm đọc sách, báo…

Còn các bạn trẻ bây giờ, thậm chí kể cả không có điều kiện sử dụng wifi ở nhà, không có máy vi tính, laptop riêng thì vẫn có thể đến các điểm truy cập wifi công cộng, các quán cafe có Internet là có thể vào Google để mở ra cả kho tàng tri thức rộng lớn của nhân loại.

Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin, kiến thức qua mạng Internet quá dễ dàng, quá nhanh và quá nhiều có thể khiến người trẻ tuổi bị bội thực thông tin.

Rất có thể thông tin đến không được chọn lọc, do đó rất có thể các bạn tiếp cận cả những thông tin xấu, những thông tin không bổ ích.

Điều quan trọng là các bạn trẻ cần được định hướng, được dạy để biết cách tự chọn lọc thông tin và tự kiểm soát thông tin. Giúp các bạn trẻ nhận biết và tự chắt lọc được thông tin tốt- xấu sẽ hơn cấm đoán, bởi cái gì bị cấm thì đều có thể gây tò mò với người trẻ tuổi.

Phải nhìn nhận có một thực tế nhiều lý thú khi tiếp cận công nghệ thông tin và sử dụng Internet trong học tập. Chẳng hạn, khi tôi mới ra nước ngoài học thì chính Internet đã giúp tôi bắt kịp với những kiến thức và phương thức học phù hợp với môi trường học tập hoàn toàn mới.

Việc xem những phim tư liệu nước ngoài trên Youtube, hoặc trên các kênh mạng khác giúp tôi có thể nâng cao hiểu biết, kiến thức của mình.

Nếu sử dụng Internet đúng cách thì các bạn trẻ sẽ có thêm cách tự học, mở mang đầu óc, mở mang tư duy, mở mang tri thức của bản thân.

Tôi phải thừa nhận là một trong những người thầy của tôi là Google, tôi học qua “search” Google để tiếp cận các tài liệu, kiến thức giá trị trên mạng Internet, những kiến thức không có trong sách giáo khoa hay tài liệu ở trường học.

Thêm nữa, cũng qua Internet tôi đã được học trực tuyến từ những giáo sư hàng đầu thế giới về lĩnh vực kinh tế, những giáo sư ở tận Mỹ, Anh, Úc… mà tôi không có điều kiện được đến học trực tiếp với họ.

Học trực tuyến giúp những học viên như tôi có thể học tập mỗi ngày, qua Internet có thể nghe các giáo sư hàng đầu khắp nơi trên thế giới giảng bài, diễn thuyết, bên cạnh đọc những bài viết của họ về lĩnh vực mà tôi quan tâm.

Điều có lẽ không chỉ tôi mà nhiều bạn trẻ mong muốn rằng ở trong thời đại số, thời đại công nghệ thông tin này, các môi trường giáo dục cũng cần đáp ứng được sự phát triển của thời đại số và Internet.

- Một số bạn trẻ hiện nay sau khi tốt nghiệp ĐH đã từ chối việc bon chen bằng được một suất biên chế ở cơ quan Nhà nước, mà chọn lựa một công việc yêu thích, đúng sở trường, đúng khả năng, dù rằng có thể con đường phát triển sự nghiệp không thẳng tắp như mong muốn. Việt Hoàng có suy nghĩ gì về hiện tượng này?

Đó là một điều hết sức bình thường. Điều đó phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước rất rõ ràng. Có thể có người cho rằng những bạn trẻ đó có suy nghĩ rất thực dụng, thực tế.

Theo tôi thì đó là tư duy rất bình thường và thực tế bình thường. Việc các bạn trẻ tự tìm kiếm cơ hội cho chính mình, tự tìm con đường phát triển cho công việc, sự nghiệp của chính mình là việc hết sức chính đáng.

Bởi chỉ khi mà chúng ta đam mê công việc chúng ta làm và chăm sóc được cho bản thân mình thì mới mong có thể đóng góp được nhiều hơn cho gia đình và xã hội.

Theo tôi hiểu thì mỗi một con người làm giàu cho bản thân, phấn đấu cho sự nghiệp mình mong đợi, sau khi thành công rồi thì sẽ đóng góp cho xã hội.

Chứ không thể nào có thể ép người trẻ tuổi mới tốt nghiệp ĐH là phải đi làm cơ quan nhà nước cho “ổn định” với mức lương rất là thấp không đủ nuôi bản thân, như thế không phải là đóng góp cho xã hội.

Các Mác đã nói rồi: “Sự tự do phát triển của mỗi người là tiền đề cho sự phát triển của toàn xã hội”. Đó là ý nghĩa rất hay. Theo tôi đó là điều mà nhiều thanh niên đang muốn hướng tới. 

Nguyễn Việt Hoàng là Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế học mở rộng thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cũng là thành viên nhóm sáng lập Rethinking Economics (Vương quốc Anh). Nguyễn Việt Hoàng đã nhận được lời khen ngợi khi tham gia tổ chức và trực tiếp dẫn dắt Hội nghị “Kinh tế học mở rộng 2017”, với sự tham dự, toạ đàm của những diễn giả nổi tiếng như: Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Phạm Chi Lan, Vụ trưởng Vụ Địa phương (Ban Kinh tế Trung ương) TS Vũ Trọng Bình. 

An Nhiên

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image