Tìm kiếm
Thứ Sáu, 29/03/2024 09:31

Nhiều lao động chính thức đang bị đẩy sang khu vực phi chính thức

11:23:00 28/11/2017

[VOV - 27/11/2017 - Ông Doãn Mậu Diệp, Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Ông Nguyễn Đức Cường, ThS. Nguyễn Khắc Giang] Có đến 76,7% lao động phi chính thức không có hợp đồng làm việc dẫn đến các lao động này không được hưởng các chính sách về phúc lợi xã hội.

Đây là những số liệu được đưa ra trong Hội thảo Việc làm phi chính thức ở Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức hôm nay (27/11).

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tiếp cận định nghĩa của ILO về việc làm phi chính thức tại Việt Nam, thì hiện Việt Nam có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức, chiếm tới 57% tổng số việc làm phi nông nghiệp trên cả nước. Con số 18 triệu lao động phi chính thức này chưa bao gồm số lao động trong khu vực nông nghiệp. Nếu tính cả 22 triệu lao động nông nghiệp thì tổng lao động phi chính thức ở Việt Nam có thể lên tới 40 triệu người, chiếm trên 70% tổng lực lượng lao động hiện tại.

nhieu lao dong chinh thuc dang bi day sang khu vuc phi chinh thuc hinh 1

Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động phi chính thức cao trong khu vực châu Á. (Ảnh minh họa)

Ông Doãn Mậu Diệp nhận định khu vực lao động phi chính thức là vùng đệm, hấp thu lao động phi nông nghiệp, khu vực doanh nghiệp, tạo nên tính linh hoạt trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là nhóm lao động có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thời gian làm việc dài nhưng thu nhập lại thấp. Tiền lương bình quân của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Điều này đòi hỏi cần có hệ thống chính sách hỗ trợ, tác động riêng cho từng nhóm đối tượng để chính thức hóa việc làm, có giải pháp, chính sách trước mắt và lâu dài, trong đó có cả giải pháp về kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng vụ Dân số và Điều tra Lao động, Tổng cục Thống kê, cho biết, phần lớn lao động phi chính thức đang làm việc tại các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc làm tự do, ít chịu sự quản lý của Nhà nước, không đòi hỏi và yêu cầu về trình độ tay nghề người lao động không cao.

“Về vị thế làm việc và điều kiện làm việc của lao động phi chính thức gồm 2 nhóm chính là lao động tự làm và lao động gia đình. Trong đó, nữ giới làm việc trong các ngành nghề dễ bị tổn thương cao hơn nam giới. Tiền lương tháng bình quân của lao động phi chính thức thấp hơn lao động chính thức ở các vị thế việc làm. Nếu như lao động trong khu vực chính thức được nhận mức lương trung bình là 6,7 triệu đồng/tháng thì lao động phi chính thức chỉ có 3,9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những lao động làm công ăn lương phi chính thức lại làm nhiều hơn 2 giờ so với lao động làm công ăn lương chính thức và cao hơn số giờ làm việc theo quy định”, bà Mai cho hay.

Đáng chú ý hơn, có đến 76,7% lao động phi chính thức không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không được hưởng các chính sách về phúc lợi xã hội. Cụ thể, đến nay tỷ lệ người lao động phi chính thức có BHXH bắt buộc chỉ chiếm 0,2%.

Bên cạnh đó, hiện nay, một bộ phận lao động trong khu vực chính thức cũng đang bị đẩy sang khu vực phi chính thức. Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình tỏ ra lo ngại trước tình trạng phần lớn lao động trong các khu công nghiệp tại địa phương này là nữ giới, không có trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp, do đó rất dễ bị sa thải khi thai sản hay ốm đau, từ đó rơi vào khu vực việc làm phi chính thức.  

Ngại thành lập doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển chính sách (VEPR), có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức cao như tình hình kinh tế chưa hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng với tốc độ 5,91%/ năm (2011-2015), giảm mạnh so với thời kỳ trước đó.

Trong giai đoạn từ 2013-2016, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới được cải thiện, nhưng tốc độ rất chậm. Mặt khác, số lượng các doanh nghiệp không hoạt động là khá cao. Năm 2016, số lượng lao động đã đăng ký của các doanh nghiệp mới thành lập giảm ở tất cả các khu vực so với cùng kỳ năm 2015.

Do đó, rất khó tìm được và duy trì việc làm chính thức, kết quả là đa số lao động có việc làm phi chính thức.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra rằng, triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa khiến các doanh nghiệp chính thức đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm bớt lợi ích cho lao động như bảo hiểm xã hội hoặc tránh giao kết hợp đồng lao động theo yêu cầu của luật pháp. Tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước chậm cũng có tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh.

Ông Giang cho biết, qua khảo sát tại các địa phương, nhận thấy có những đơn vị sản xuất ngại thành lập công ty dù đã đủ điều kiện. Đơn cử như trường hợp ông Bình, chủ một xưởng gỗ đã hoạt động được hơn 10 năm ở xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, số lao động thường xuyên tại cơ sở trên 6 người, doanh thu hàng năm trên 1 tỷ, nhưng không đăng ký hộ kinh doanh hay doanh nghiệp. Đơn vị kinh doanh này hàng năm chỉ phải đóng thuế môn bài (vài trăm nghìn) và các khoản phụ phí, đóng góp khác cho địa phương (hỗ trợ vì người nghèo, xây dựng nông thôn mới,…). 

Ông Bình cho biết: không muốn đăng ký vì nghĩ là “không cần thiết”, “chưa có ai đề cập hay nhắc nhở”. Khó khăn lớn nhất của ông Bình là khi không đăng ký thì không thể mua các công cụ máy móc dùng dòng điện 3 pha, vốn yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh. Tuy vậy, yêu cầu chưa cấp bách nên ông vẫn cho rằng mình không cần thành lập doanh nghiệp. 

Một số cơ sở khác mà VEPR từng khảo sát, cũng cho thấy, chủ cơ sở không muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp, do sợ không  đáp ứng được các yêu cầu về lao động theo Luật định. Bên cạnh đó, chi phí để chính thức hóa của Việt Nam hiện nay đang cao gấp 1,5 lần mức trung bình của 32 quốc gia hàng đầu thế giới cũng tạo ra tâm lý e ngại.

Để giảm tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề, nâng cao khả năng, trình độ cho người lao động để có thêm cơ hội việc làm; Tăng cường, nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn; Xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý lao động; Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ, tạo việc làm, chính sách việc làm công. Bên cạnh đó, cũng nên có những chính sách nới lỏng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển./.

http://vov.vn/tin-24h/nhieu-lao-dong-chinh-thuc-dang-bi-day-sang-khu-vuc-phi-chinh-thuc-700681.vovNguyễn Trang/VOV.VN

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image