Tìm kiếm
Thứ Bảy, 20/04/2024 04:24

Chuyên gia hiến kế chấm dứt những bất ổn tại BOT Cai Lậy

15:11:00 04/12/2017

[Enternews - 3/12/2017 - TS. Nguyễn Đức Thành, Ông Nguyễn Nam Cường, Ông Nguyễn Trí Hiếu] TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, BOT Cai Lậy đang tiềm ẩn rất nhiều điểm nhập nhằng và không rõ ràng. Nếu như không muốn có thêm nhiều “BOT Cai Lậy khác” thì chúng ta nên giải quyết dứt điểm những bất ổn tại BOT Cai Lậy.

Câu chuyện lùm xùm tại BOT Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn chưa hạ nhiệt, nhiều lần phải xả trạm. Thậm chí tình hình ngày càng nóng hơn khi sáng nay (3/12) nhiều người lạ mặt xuất hiện hăm dọa tài xế. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã huy động một số lượng lớn tiền có mệnh giá 100 đồng để thối lại những tài xế dùng tiền lẻ qua trạm.

Theo diễn biến mới nhất lúc 11 giờ 35' trưa 3/12, tất cả bốn làn thu phí hướng miền Tây về TP.HCM đều bị bốn ô tô các loại án ngữ ngay cabin, tài xế các xe nhất quyết không đồng ý mua vé qua trạm và đồng loạt yêu cầu phải dời trạm.

Tình hình kéo dài trên 10 phút và tình hình kẹt xe hướng miền Tây về TP.HCM kéo dài trên 1,5 km khiến BOT Cai Lậy tiếp tục “thất thủ” và buộc phải xả trạm.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, từ tháng 8, khi trạm thu phí dừng, Bộ GTVT đã rà soát lại toàn bộ quy trình xây dựng BOT Cai Lậy, đặc biệt là dựa vào thanh tra của Bộ Xây dựng và kết luận 475 của Kiểm toán Nhà nước, thanh tra của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và tài xế cho rằng nhà đầu tư chỉ xây dựng tuyến đường tránh thì trạm thu phí bắt buộc đặt trên đường tránh chứ không thể đặt trên quốc lộ 1 để thu tiền của những người không đi đường tránh.

Hơn nữa, quốc lộ 1 là hạ tầng cơ bản, được xây dựng từ ngân sách nhà nước, nhà đầu tư chỉ bỏ tiền tráng một lớp mặt đường mà vẫn thu phí với mức rất cao thì không thể chấp nhận. Theo đó, Nhà nước cần hoàn trả chi phí cải tạo quốc lộ mà nhà đầu tư đã bỏ ra và dời trạm BOT về đúng vị trí.

Để rộng đường dư luận, Diễn đàn Doanh nghiệp xin trích đăng ý kiến của một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách: Giải pháp cho Cai Lậy là sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán tiền đầu tư

Câu chuyện về BOT Cai Lậy đang tiềm ẩn rất nhiều điểm nhập nhằng và không rõ ràng. Nếu như không muốn có thêm nhiều “BOT Cai Lậy khác” thì chúng ta nên giải quyết dứt điểm những bất ổn tại BOT Cai Lậy.

Dưới góc nhìn của mình tôi xin phép được đề xuất giải pháp cho “bài toán” BOT Cai Lậy theo hướng sau:

Đầu tiên, nhà nước nên sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán 300 tỷ đồng tiền đầu tư cho nhà thầu về việc nâng cấp đoạn đường cũ qua Thị xã. Phương án thế nào là do thoả thuận giữa hai bên. Đồng thời, yêu cầu kiểm toán, thanh tra lại dự án để đảm bảo giá thành và chất lượng. Mục đích của việc này là biến đoạn đường qua thị xã thực sự trở thành một hàng hoá công.

Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách: Giải pháp cho Cai Lậy là sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán tiền đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách khẳng định giải pháp cho Cai Lậy là sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán tiền đầu tư.

Tiếp theo, dời trạm thu phí BOT Cai lậy vào đầu đoạn đường tránh mới xây, nằm sau ngã ba. Vì đây là đoạn đường được coi là hàng hoá tư hoặc công tư hợp doanh (PPP), nên mức phí về cơ bản do chủ đầu tư quyết định nhưng có một khả năng nhỏ chính quyền vẫn được phép can thiệp nếu thấy có yếu tố độc quyền với một số loại xe.

Về nguyên tắc, chính quyền có quyền đặt thêm một trạm thu phí ở đầu đường vào thị xã. Trạm này độc lập với trạm bên đường tránh và tiền thu về thuộc ngân sách nhà nước.

Trạm này có hai mục đích: Một là thu hồi một phần vốn sửa chữa và chi phí duy tu con đường. Tuy nhiên điều này phải được sự đồng ý của Trung ương vì đây là tài sản quốc gia. Hai là mang tính chính sách, nhằm điều tiết lượng xe đi qua thị xã Cai Lậy theo ý chí của chính quyền, đặc biệt nhằm hạn chế các xe hạng nặng đi qua khu dân cư, bảo vệ đời sống người dân thị xã.

Ông Nguyễn Nam Cường - nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào: Cách giải quyết tốt nhất là rời trạm thu phí Cai Lậy

Câu chuyện về BOT Cai Lậy thật sự rất đáng lo ngại. Nếu như chúng ta, không giải quyết triệt để vấn đề về BOT Cai Lậy thì nó sẽ tạo ra hiệu ứng lan truyền sang các trạm BOT khác, tạo nên những rối ren không đáng có.

Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ việc đặt sai trạm thu phí BOT, người dân phản đối là phản đối vì trạm thu phí đặt sai quy định chứ không phản đối về vấn đề phí nhiều hay phí ít. Vậy nên, giải pháp tốt nhất cho vấn đề này chính là chúng ta phải nhanh chóng trả lại trạm BOT về đúng vị trí của nó. Chỉ có như vậy thì tình trạng này mới nhanh chóng chấm dứt. Đây là giải pháp tối ưu để chấm dứt những bất ổn tại BOT Cai Lậy.

Ông Nguyễn Nam Cường- nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào: Cách giải quyết tốt nhất là rời trạm thu phí Cai Lậy.

Ông Nguyễn Nam Cường- nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào cho rằng cách giải quyết tốt nhất là rời trạm thu phí Cai Lậy.

Tôi đã sinh sống ở Lào nhiều năm, ở thời điểm hiện tại thì ở Lào không hề có các dự án BOT, ở Việt Nam chúng ta có thể tính tới phương án là nhà nước bỏ tiền ra để mua lại các trạm BOT và xóa sổ chúng.Đồng thời, để chấm dứt câu chuyện này thì nhà nước phải trả BOT về với đúng bản chất của nó. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta chỉ đồng ý để chủ đầu tư thu phí với những đoạn đường mà chủ đầu tư tiến hành làm. Ví như ở BOT Cai Lậy cũng vậy, lẽ ra ở Cai Lậy chủ đầu tư chỉ được phép thu phí tại đoạn đường 12km mà chủ đầu tư này làm chứ không được phép thu tiền toàn bộ tuyến đường Cai Lậy, bởi anh đâu có làm cả tuyến đường mà đòi thu cả tuyến.

Thêm vào đó, chúng ta cũng chỉ nên đồng ý triển khai các dự án BOT khi nhà đầu tư bỏ tiền làm toàn bộ đường chứ chỉ nâng cấp và sửa chữa thì không cần đến BOT.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Có 3 cách để giải quyết những câu chuyện về BOT

Câu chuyện về BOT Cai Lậy phản ánh bức tranh về BOT nói chung với đầy rẫy những ngổn ngang, rắc rối. Và vấn đề được đặt ra ở thời điểm hiện tại là làm sao để chúng ta chấm dứt tình trạng này, để không có thêm những “BOT Cai Lậy” tiếp theo nữa. Theo quan điểm của tôi, có một số cách sau có thể chấm dứt được những rắc rối xung quanh câu chuyện này.

Giải pháp đầu tiên, chúng ta hãy để người dân được quyền lựa chọn nên đi hay không nên.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Có 3 cách để giải quyết những câu chuyện về BOT.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đề xuẩ 3 cách để giải quyết ổn thỏa các vấn đề của BOT.

Tôi đã từng sống ở Mỹ nhiều năm, và ở đây thì thông thường cao tốc thông thường sẽ được miễn phí. Chỉ có một số địa phương xây dựng các tuyến đường BOT nhưng trước các tuyến đường này thường có các biển cảnh báo rõ ràng: “đây là tuyến đường có thu phí”. Người dân Mỹ có thể lựa chọn, họ có thể quay lại thì có thể đi tiếp. Trong trường hợp có cá nhân nào trốn thuế thì cơ quan giám sát sẽ đưa ra hình phạt. Nếu cá nhân vi phạm không trả trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo thì cá nhân đó có thể bị cơ quan chức năng tước bằng lái xe hoặc bị khởi kiện ra tòa.

Ở Việt Nam, theo tôi, chúng ta nên tiến đến cơ chế tương tự như vậy. Hãy để người dân họ có quyền lựa chọn đi hoặc không đi. Họ có quyền không đi nhưng nếu như họ đi thì họ phải tuân thủ đúng pháp luật.Tôi không muốn vẽ bức tranh màu xám về BOT, nhưng chúng ta cần nhìn nhận đúng thực chất bản chất câu chuyện BOT ở Việt Nam.

Một số chuyên gia cho rằng, nhà nước nên bỏ tiền ra để mua lại các trạm thu phí BOT, điều này chúng ta có thể suy xét trong trường hợp chủ đầu từ không thực hiện đúng hợp đồng với nhà nước, không thực hiện đúng các quy trình thu phí… Đây là cách thứ hai.

Thêm vào đó, nhà nước nên giám sát chặt chẽ các hợp đồng BOT để tránh những tình trạng như nhà đầu tư thu phí vô tội vạ, thu phí quá số năm quy định, khai báo không đúng số phí đã thu được…Đây chính là giải pháp thứ 3.

Huyền Trang

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image