Tìm kiếm
Thứ Sáu, 29/03/2024 06:08

Xuất bản tác phẩm quan trọng nhất của Fukuzawa Yukichi

13:18:00 08/02/2018

[Tia Sáng - 7/2/2018 - Ông Nguyễn Cảnh Bình, TS. Nguyễn Đức Thành, Ông Nguyễn Trọng Đại] “Khái lược văn minh luận”, tác phẩm được cho là quan trọng bậc nhất của nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi, vừa ra mắt ở Việt Nam trong Bộ sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân, cùng với hai phụ lục là “Thoát Á luận” và “Bài học dạy con” lần đầu được xuất bản chính thức.

Cách đây 150 năm, bắt đầu từ năm 1868, tại Nhật Bản đã diễn ra cuộc Cải cách Minh Trị hay còn gọi là Minh Trị Duy Tân. Một chuỗi các sự kiện đổi mới ở thời kỳ này như mở cửa toàn diện, kêu gọi Âu hóa, khuyến khích việc học tiếng Anh, chuyển sang dùng lịch Tây..., đã mở đường cho việc biến Nhật Bản phong kiến thành nước có nền kinh tế và quân sự phát triển mạnh mẽ, lần lượt chiến thắng Trung Quốc và Nga trong các cuộc xung đột giành quyền kiểm soát Triều Tiên và một số vùng của Mãn Châu vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Thành quả của cuộc Minh Trị Duy Tân được cộng hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến vai trò của Fukuzawa Yukichi, một trong những nhà tư tưởng lớn, có công khai sáng phong trào canh tân nước Nhật. Trong tác phẩm quan trọng nhất của mình, “Khái lược văn minh luận” (1875), Fukuzawa Yukichi đã trình bày mọi suy nghĩ của ông về việc cần làm gì để nước Nhật trở nên văn minh và độc lập.

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, chủ tịch HĐQT AlphaBooks và Omega+, nếu “Khuyến học” của Fukuzawa vạch ra hành trình phát triển cho một con người, một cá nhân thì “Khái lược văn minh luận” là dành cho một dân tộc, một quốc gia.

Trong khi đó, phát biểu tại tọa đàm nhân dịp ra mắt bộ sách sáng 6/2 do Omega+ tổ chức, diễn giả, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng, dù đây là cuốn sách được viết ra để trực tiếp giải quyết những vấn đề, những tranh luận của thời kỳ đó, nhưng hàm ý của nó vẫn có giá trị đến hôm nay. “Trong khi nhiều trí thức cùng thời cho rằng, để văn minh hóa phải có thể  chế như phương tây, cùng lối ăn mặc sinh hoạt như phương Tây thì Fukuzawa đã khẳng định cái lõi của văn minh nằm ở tinh thần. Nếu mỗi người dân đều có tinh thần tự lực, tự cường, và khai minh thì đất nước sẽ có văn minh chứ không phải nếu lập được một mô hình nhà nước như Phổ hay Áo… thì người dân sẽ tự động văn minh lên,” TS Thành nói.

Ông Nguyễn Trọng Đại, Giám đốc Omega+, đơn vị xuất bản “Bộ sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân”, cho biết, lâu nay, Nhật Bản luôn là tấm gương mà Việt Nam muốn học tập  về nhiều mặt, từ cách tổ chức xã hội, giáo dục, ứng phó với thiên tai… Việc xuất bản tác phẩm quan trọng nhất của Fukuzawa sẽ giúp người đọc tìm hiểu sâu hơn những tư tưởng được đề cao trong phong trào canh tân mà Phan Bội Châu từng chủ trương học tập từ hồi đầu thế kỷ 20. Tác phẩm được chuyển ngữ bởi dịch giả An Nhiên, hiệu đính bởi Phạm Việt Long và Nhật Chiêu. Tác phẩm cũng lần đầu giới thiệu chính thức hai bài luận nổi tiếng khác của Fukuzawa là “Thoát Á luận” và “Bài học dạy con” trong phần phụ lục.

Bên cạnh “Khái lược văn minh luận”, bộ sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân còn gồm hai cuốn sách tái bản, đó là “Nhật Bản duy tân 30 năm” (1936) của Đào Trinh Nhất, cung cấp cái nhìn toàn vẹn về lịch sử Nhật Bản, nhất là giai đoạn thực hiện công cuộc canh tân; và “Phúc ông tự truyện” kể về những bước thăng trầm của cuộc đời Fukuzawa Yukichi, đồng thời tái hiện bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản trong thời kỳ chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thế kỷ 19.

T.T

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image