Tìm kiếm
Thứ Bảy, 20/04/2024 02:35

Xóa đặc quyền, đặc lợi bán gạo của VFA!

17:09:00 31/03/2018

[Báo Pháp Luật - 31/3/2018 - TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Võ Hùng Dũng, Ông Nguyễn Tấn Anh, TS. Lê Đức Thịnh, PGS. TS Vũ Trọng Khải, Bà Dương Thanh Thảo] Nhiều ý kiến cho rằng điểm yếu kém nhất của ngành lúa gạo là sự trì trệ, lạc hậu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã lỗi thời, gây cản trở đến ngành xuất khẩu gạo và cần phải được thay đổi. Đó là những thông tin đáng chú ý nhất tại hội thảo “Đánh giá vai trò của VFA đối với ngành lúa gạo và đề xuất các biện pháp cải tổ hiệp hội”. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Liên minh Nông nghiệp tổ chức ngày 30-3.

Chỉ đại diện cho ông lớn

Báo cáo của nhóm tác giả đến từ VEPR do TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, phân tích: VFA thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện nhưng vị trí chủ tịch hiệp hội vẫn do Bộ Công Thương phê chuẩn và thường do lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) thay nhau đảm nhận.

Chưa hết, nhiều mâu thuẫn bùng phát xuất phát từ sự thiếu minh bạch và tự nguyện trong bầu cử lãnh đạo. Bộ máy quản lý đầy đủ các vị trí nhưng hoạt động kém hiệu quả và thiếu minh bạch.

Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng thẳng thắn chỉ rõ VFA chỉ là hiệp hội của công ty xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của các ông lớn, thay vì bảo vệ đông đảo doanh nghiệp (DN) tư nhân.

“Cơ chế người đứng đầu VFA phải là DN nhà nước lớn. Mà các DN muốn vào được VFA để tìm cơ hội xuất khẩu gạo lại phải gửi tất cả thông tin về tình hình sản xuất, năng lực, các hợp đồng, các đối tác… cho VFA. Đây là vấn đề rất mạo hiểm, vì làm như vậy các DN vừa và nhỏ mất hết nguồn khách hàng, tạo ra việc cạnh tranh không lành mạnh” - TS Nguyễn Đức Thành, dẫn chứng.

Vẫn theo TS Thành, tư duy thị trường của hiệp hội xuất phát từ việc lãnh đạo DN nhà nước kiêm nhiệm lãnh đạo VFA. Trong khi đó, khối DN nhà nước đang tụt hậu so với khối DN tư nhân cả về năng lực phát triển thị trường và năng lực liên kết sản xuất.

Xóa đặc quyền, đặc lợi bán gạo của VFA! - ảnh 1
Cần xóa bỏ đặc quyền của VFA. Trong ảnh: Nông dân miền Tây đang vận chuyển lúa gạo. Ảnh: GIA TUỆ

Bị chỉ trích mạnh mẽ

Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng nhận xét VFA đang không làm tròn vai trò bảo vệ hội viên, bị chỉ trích rất mạnh mẽ khi trực tiếp tham gia vào quá trình thực thi Nghị định 109/2010, được cho là làm cản trở sự phát triển của hội viên.

Lý do là Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tiêu chuẩn thương nhân xuất khẩu gạo dựa trên quy mô sản xuất và địa bàn hoạt động. Nhiều DN quy mô nhỏ, đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao lại không đủ điều kiện trở thành thành viên của VFA.

“Thực tế VFA đang thực thi vai trò bảo vệ lợi ích cho các công ty nhà nước, thể hiện rõ qua triển khai hợp đồng tập trung. Các quyết định phân bổ của VFA dựa trên cách tiếp cận từ phía quản lý, không dựa trên sự đồng thuận và tự nguyện của hội viên từ trước. Giá gạo theo hợp đồng tập trung trong nhiều trường hợp rất thấp, gây thua lỗ cho DN được phân giao chỉ tiêu và trực tiếp đẩy giá lúa thu mua cho nông dân giảm” - VEPR nêu rõ.

 

 

Đồng quan điểm, TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, phân tích: Lúc đầu VFA có tác dụng đối với nền kinh tế. Dần dà bản thân VFA thấy những quyền lợi, quyền lực mà Chính phủ trao cho mình trở thành một kênh để tác động quay trở lại vận động chính sách. Những quan niệm trong giới chính sách và tiếng nói của VFA gần như hòa trộn với nhau để cho ra Nghị định 109 về xuất khẩu gạo.

“Các quyền đó của hiệp hội bắt đầu xung đột với các địa phương và xung đột ngay cả trong các công ty thuộc nhóm có quyền lợi và nhóm không có quyền lợi trong VFA” - ông Dũng nhìn nhận.

Ông Nguyễn Tấn Anh, đại diện cho Công ty Cổ phần Nông trường Sông Hậu (Sohafarm), cũng cho rằng đáng lẽ nhiệm vụ chính của VFA phải đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí và giám sát tiêu chuẩn chất lượng của lúa gạo trước khi ra thị trường. Nhưng hiện tại chức năng của VFA không giải quyết vấn đề giám sát trên mà đi đàm phán hợp đồng tập trung và góp phần tạo ra những chính sách làm sân chơi cho những DN lớn như Vinafood hay các DN khối quốc doanh, cản trở các DN tư nhân tiếp cận thị trường xuất khẩu gạo.

Trong quá khứ, VFA cũng có nhiều thành tích, dẫn dắt ngành lúa gạo đi ra nước ngoài trong lúc các thành phần khác còn hạn chế. Tuy nhiên, vai trò này đã thay đổi. Theo đó, Nhà nước đang muốn giảm dần vai trò của các tổng công ty nhà nước, mặt khác các đơn vị tư nhân đã vươn lên năng động, đi đầu trong ngành lúa gạo.

TS LÊ ĐỨC THỊNHCục phó Cục Kinh tế hợp tác Bộ NN&PTNT 

“Chỉ xin Thủ tướng một dòng thôi”

Sau khi phân tích những bất cập của VFA, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, đề nghị cần “cắt bầu sữa của VFA”. Bầu sữa thứ nhất là cải tổ hoạt động của VFA theo hướng minh bạch và tạo sân chơi cho cả các DN tư nhân. Bầu sữa thứ hai là cắt bỏ hệ thống chính sách hậu thuẫn cho VFA và các DN nhà nước.

Cụ thể là Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 109, qua đó xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi của VFA đang được trao theo Nghị định 109. Đồng thời Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của hội, hiệp hội.

“Sự lớn mạnh của khối DN tư nhân và sự thay đổi căn bản về thị trường lúa gạo đòi hỏi VFA cần có sự thay đổi sâu rộng về cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ” - ông Thành đề nghị.

TS Vũ Trọng Khải, Trường Quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tại TP.HCM, quyết liệt: “Nhà nước lo lắng về vấn đề an ninh lương thực; lo lắng là nhiều DN nhỏ cạnh tranh thì làm rối loạn thị trường, cho nên Nhà nước can thiệp bằng cách sinh ra Nghị định 109. Nghị định 109 quy định sinh ra quá nhiều đặc quyền, đặc lợi cho các DN nhà nước. Do vậy, chỉ xin Thủ tướng có một dòng thôi: Từ nay hủy Nghị định 109. Hủy nghị định này giống như Thủ tướng đã hủy hàng trăm giấy phép con”.

Bóp nghẹt sân chơi lúa gạo

Bà Dương Thanh Thảo, đại diện nhãn hiệu Gạo Ông Thọ, Công ty TNHH MTV Gạo Sạch, nói: “Nghị định 109 bóp nghẹt sân chơi của chúng tôi. VFA không cung cấp thông tin nên chúng tôi phải tự lập ra một diễn đàn riêng gọi là “Diễn đàn lúa gạo Việt Nam” trên Facebook. Diễn đàn này cung cấp thông tin về lúa gạo của các vùng để mọi người tham khảo”.

Cũng theo bà Thảo, kinh tế thị trường mà Nghị định 109 lại quy định phải sản xuất khép kín thì không chuyên môn hóa được. “Chúng tôi không thể vừa trồng lúa vừa xây dựng, vận hành xưởng chế biến lớn và làm công tác thị trường cùng lúc được. Vấn đề ở đây phải là quản lý theo chuỗi, chuyên môn hóa từng khâu mới hiệu quả” - bà Thảo phân tích.

HẢI ĐƯỜNG 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image