Tìm kiếm
Thứ Bảy, 20/04/2024 08:06

VEPR: Đưa “kinh tế ngầm” vào GDP có thể bóp méo cảnh báo về ngân sách, nợ công

10:36:00 11/04/2018

[Infonet - 11/4/2018 - PGS. TS Nguyễn Đức Thành] Quy mô GDP phải được tính dựa vào các khu vực có thị trường, có giá cả thị trường để so sánh. Việc đưa kinh tế ngầm khi tính quy mô GDP sẽ trái với thông lệ quốc tế.

VEPR công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I . Ảnh: VEPR

Tại buổi công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I năm 2018, trước tranh luận sôi nổi về ý tưởng đưa kinh tế ngầm vào tính toán GDP, PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng ý tưởng này chưa thích hợp. Bởi theo VEPR, khi đó, tổng GDP có thể tăng về danh nghĩa, nhưng có thể gây bất nhất trong so sánh quốc tế theo thông lệ.

“Việc xác định rõ kinh tế ngầm 20% hay 30% là điều cần thiết nhưng cộng vào để quy mô GDP lớn lên thì không đúng thông lệ quốc tế. Nguyên tắc GDP phải tính đối với các khu vực có thị trường, có giá cả thị trường để so sánh”, ông Thành nói.

Khi đó, mẫu số GDP tăng nhưng các chỉ số kéo theo như ngân sách, nợ công không tương thích với cách tính GDP kiểu mới, bao gồm cả khu vực kinh tế ngầm. Ngân sách hay nợ công không phục vụ được cho khu vực kinh tế phi chính thức, vốn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu và thích hợp. Đồng thời, khả năng huy động nguồn thu cũng không tăng lên tương ứng vì cùng một lý do. Điều này bóp méo các tín hiệu cảnh báo về tình trạng ngân sách và nợ công của Việt Nam, VEPR phân tích.

Theo đó, cấp thiết không phải là tính toán khu vực phi chính thức vào tổng GDP mà cần quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài để nâng hiểu quả kinh tế - xã hội, hay giảm thiểu lãng phí, sử dụng sai mục đích. “Nếu không kiểm soát tốt nợ nước ngoài và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới và Việt Nam ngày càng lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh”, ông Thành nêu quan điểm.

Cũng tại buổi công bố Báo cáo tinh tế Vĩ mô quý I, VEPR đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 đạt 6,83%, khác với sự thận trọng của Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó.

Với mức tăng trưởng kinh tế Quý I cao đột biến 7,38%, theo VEPR mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 6,7% cả năm 2018 do Quốc hội đề ra hoàn toàn khả thi. VEPR cũng mạnh dạn đưa ra dự báo các quy tiếp theo tăng trưởng lần lượt đạt 6,51% quý II, 6,84% quý III và 6,75% trong quý IV. Ông Thành khẳng định dự báo của VEPR được tính toán hoàn toàn dựa trên các con số công bố chính thức của Chính phủ.

Về con số tăng trưởng đột biến Quý I, ông Thành nhìn nhận với quy mô GDP quý I năm nay lớn hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2017, như vậy khéo theo GDP quý I/2018 tăng trưởng mạnh khi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, VEPR cũng lưu ý sự phụ thuộc của nền kinh tế đối với khu vực FDI trong đó đặc biệt là ông lớn Samsung.

Bên cạnh đó, VEPR bày tỏ lo ngại trước tình trạng kinh tế tăng trưởng nhưng việc làm chưa tạo ra tương ứng.

Cả quý, chỉ có 225,4 nghìn việc làm mới được tạo thêm, trong khi thời điểm này năm 2017 nền kinh tế, dù tăng trưởng tương đối thấp vẫn còn tạo thêm được 291,6 nghìn việc làm.

Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực nhà nước tiếp tục giảm 1,2%, trong khi ở khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI đều ghi nhận mức tăng lần lượt là 3,9% và 4,5%.

“Không vội vã phê phán nhưng cũng cần suy tư phải chăng kinh tế phát triển dựa nhiều vào công nghệ cao chứ không dựa vào lao động. Về mặt nào đó đây cũng là tín hiệu đáng mừng nhưng đó có phải là bản chất?”, Viện trưởng VEPR phân tích.

Thứ hai, Viện trưởng VEPR cho rằng Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, số việc làm được tạo ra ở khu vực này. Như vậy, khu vực nội địa không phát triển được lực lượng lao động. Khi đó, tăng trưởng đẹp nhưng các giá trị lao động không được lan toả, không tác động đến thu nhập của người lao động.

Nam Anh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image