Tìm kiếm
Thứ Tư, 24/04/2024 11:44

Lao động trẻ có khuynh hướng ít được hưởng bảo hiểm xã hội

16:56:00 09/05/2018

[Tạp chí điện tử TTV - 9/5/2018 - PGS.TS. Nguyễn Đức Thành] Nhiều thách thức trong cải thiện năng suất lao động tại Việt Nam cần được nhìn nhận rõ hơn nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách 

Chính sách việc làm ít phát huy tác dụng

Với góc nhìn “hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tập trung nghiên cứu và cho rằng cần phải hiểu rõ hơn thịt trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình tăng năng suất tại Việt Nam. Đặc điểm phát triển của năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam trong tương quan so sánh với một số quốc gia Đông Bắc Á và ASEAN cho thấy NSLĐ Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, kể cả khi so sánh với Campuchia. Trong đó, một số ngành “đội sổ” như: Chế biến chế tạo, xây dựng, logistic.

Khoảng 10 năm trở lại đây, NSLĐ của Việt Nam được cải thiện chủ yếu nhờ sự dịch chuyển cơ cấu dẫn đến sự linh hoạt của thị trường lao động. Tuy nhiên, điều này lại chưa được chú trọng quan tâm.

Qua hai bộ số liệu có tính đại diện toàn quốc là điều tra lao động việc làm trong 10 năm từ 2007-2016 và điều tra chuyển tiếp từ trường học tới việc làm trong hai năm 2012 à 2015, kết quả nghiên cứu của VEPR cho thấy: Xu hướng tham gia thị trường lao động, việc làm và các nhân tố tác động tới việc tham gia thị trường lao động và lựa chọn nghề nghiệp của lao lao động trẻ Việt Nam còn cần được quan tâm hơn. Một tỷ lệ lớn lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực hộ gia đình hoặc phi chính thức không đúng với chuyên môn được đào tạo, đồng nghĩa với thiếu điều kiện để tích lũy kỹ năng.

Qua nhận định đó, lao động trẻ có khuynh hướng ít được hưởng bảo hiểm xã hội hơn, và nguy cơ năng suất sẽ bị cản trở trong tương lai đi kèm với rủi ro nhiều hơn. Ngoài ra, thay vì thông qua trung gian giới thiệu việc làm chuyên nghiệp thì đa phần sự tìm kiếm việc làm chủ yếu thông qua các mối quan hệ bạn bè, người thân. Điều này cho thấy thị trường lao động trong nước chưa thực sự phát triển theo đúng nghĩa, và các chính sách thúc đẩy lao động việc làm ít phát huy tác dụng.

Điều này được thể hiện ở hơn 60% lao động trẻ có trình độ trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia thị trường lao động nhưng làm việc trong các hộ kinh doanh cá thể - là khu vực có NSLĐ thấp, việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định. Ngoài ra, gần 50% lao động trẻ đang làm trái ngành, trái nghề, trong đó, khoảng 33% thiếu trình độ chuyên môn; khoảng 70% lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động nhưng không có bảo hiểm lao động xã hội trong khi tỷ lệ lao động làm công ăn lương có xu hướng tăng nhanh. Sự tìm kiếm việc làm chủ yếu qua kênh bạn bè, người thân nên cả người lao động lẫn doanh nghiệp đều thiếu thông tin, vai trò các trung gian giới thiệu việc làm mờ nhạt.

Chủ trương gửi lao động làm việc và học tập tại nước ngoài nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao tay nghề, rèn luyện kỹ năng cho đội ngũ lao động trẻ hiện được xem là một chiến lược mũi nhọn thúc đẩy NSLĐ. Thị trường Nhật Bản là điểm đến mơ ước của Việt Nam với hy vọng sau khi quay về sẽ làm lan tỏa giá trị. Tuy nhiên, trên thực tế, trình độ kỹ thuật và nguyện vọng của lao động khi về nước không tương xứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại địa phương, hiệu ứng lan tỏa thấp. Không ít lao động về nước với khoản tích lũy sau nhiều năm nhưng lại tái đầu tư vào các cửa hàng sửa chữa hay kinh doanh… Điều này cho thấy sự lãng phí là tương đối rõ ràng, dẫn đến tình trạng nhiều lao động đi nhưng không muốn về.

Một tồn tại cốt yếu hiện này là sự thiếu minh bạch, thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường. Thiếu chia sẻ thông tin cùng với cấu trúc thị trường hiện tại dẫn tới chi phí tuyển dụng tăng, tạo thêm áp lực kinh tế cho người lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phái cử mới tham gia thị trường có xu hướng trả tiền cho các nghiệp đoàn để có đơn hàng thay vì cạnh tranh bằng giảm chi phí tuyển dụng.

Thực tế cần

NSLĐ của Việt Nam còn thấp, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng NSLĐ, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được tăng trưởng như hiện nay. Ngoài ra, lợi thế lao động giá rẻ đang ngày mất đi do tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất ngành khai thác khoáng sản tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa có đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã tốt nghiệp vốn ODA, các nhà tài trợ nước ngoài đang dần rút khỏi và chỉ cho vay với lãi suất kém ưu đãi, Việt Nam sẽ phải cần nhiều nội lực hơn để làm động lực cho tăng trưởng. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao tiếp tục là đề tài được quan tâm, trong khi, chi đầu tư công còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho NSNN.

Vì vậy, để hạn chế tối đa thách thức, hơn hết là cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tiếp thu khoa học công nghệ ở các ngành và phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy năng suất lao động; điều chỉnh mức lương nói chung, lương tối thiểu nói riêng phù hợp với tăng trưởng NSLĐ. Từ việc cải thiện NSLĐ, việc gia tăng chỉ số cạnh tranh trên thị trường quốc tế của Việt Nam sẽ được cải thiện, điều này chỉ có thể đạt được khi điều chỉnh vấn đề giao dục tại các trường nghề, tạo điều kiện cho lao động trẻ được tiếp xúc với kỹ năng nhiều hơn. Ngoài ra, cần chú ý hơn tới quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.

Phan Thư

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image