Tìm kiếm
Thứ Năm, 18/04/2024 08:31

Uber rút khỏi thị trường, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

11:21:00 17/05/2018

[VnMedia - 17/5/2018 - PGS.TS. Nguyễn Đức Thành] Theo ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển những sản phẩm khác nhau cạnh tranh với Grab.

Mặc dù được biết đến là một trong những hãng taxi công nghệ lớn nhất thế giới, nhưng Uber lại chính thức thất bại ở khu vực Đông Nam Á sau khi quyết định bán toàn bộ quyền kinh doanh của mình tại khu vực cho đối thủ Grab.

Nhìn lại hành trình xuất hiện của Uber nhiều người không khỏi hoang mang, bởi sự thất bại quá nặng nề của hãng taxi công nghệ này.

Uber - gã khổng lồ "ngã ngựa”

Với những ai theo dõi hoạt động của Uber có thể còn nhớ, khi mới bước vào thị trường châu Á, Uber là một gã khổng lồ với thành công vang dội ở thị trường Mỹ và nhiều thành phố lớn tại châu Âu.

Dựa trên những tiền đề đó, Uber đã mạnh tay mở dịch vụ ở nhiều nước như Đài Loan, rồi Ấn Độ, Trung Quốc và nhanh chóng phủ sóng gần như toàn bộ những quốc gia phát triển trong khu vực.

Tuy nhiên, mọi việc dường như không dễ dàng khi năm 2016, Uber bất ngờ rút lui khỏi thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và bán lại bộ phận kinh doanh cho Didi -  ứng dụng địa phương thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma, với giá 35 tỷ USD.

Vận đen tiếp tục đeo bám, khiến Uber tiếp tục phải tháo chạy khỏi Nga sau khi ký thỏa thuận với Yandex vào tháng 7/2017.

 

Đỉnh điểm, ngày 26/3 vừa qua, Grab đã công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, đổi lại Uber có 27,5% cổ phần trong công ty sau thỏa thuận mua bán và sáp nhập này. 

Việc Grab mua lại bộ phận kinh doanh Uber tại Đông Nam Á được xem là thương vụ lớn nhất từ trước tới nay của một công ty công nghệ trong khu vực và nó cho phép Grab tiếp nhận các hoạt động của Uber tại 8 quốc gia gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Chia sẻ sau khi mua lại thành công Uber, ông Anthony Tan, CEO tập đoàn và Đồng sáng lập Grab không khỏi vui mừng và cho biết: “Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi một công ty khởi nguồn từ Đông Nam Á đã phát triển thành một trong những nền tảng lớn nhất, với hàng triệu khách hàng sử dụng mỗi ngày và mang đến cơ hội thu nhập cho hơn 5 triệu người dân. Việc sáp nhập này đánh dấu khởi đầu của một kỷ nguyên mới, khi Grab trở thành công ty đi đầu về nền tảng công nghệ và hiệu quả chi phí trong khu vực”.

Cơ hội để các doanh nghiệp Việt phát triển sản phẩm cạnh tranh với Grab

Chia sẻ về việc Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á, ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, việc Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á đã giúp cho Grab chiếm lĩnh độc quyền thị trường trong toàn khu vực, trong đó có Việt Nam. Với sự kiện này, tương lai, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ phải chi trả nhiều hơn khi sử dụng dịch vụ của Grab.

“Đây là một bài học sinh động cho thấy các doanh nghiệp khu vực hoàn toàn có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp toàn cầu. Còn đối với các hãng taxi trong nước, có thể xem việc Uber rời thị trường là cơ hội để phát triển những sản phẩm cạnh tranh với Grab hoặc những hãng tương tự", ông Thành chia sẻ.

Trên thực tế, sau khi Uber kết thúc ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam, số lượng yêu cầu xe Grab đã tăng khá nhanh. Điều này dẫn tới hệ quả là giá cước của hãng này ở một số cuốc xe đã tăng vào nhiều thời điểm khác nhau, dù không phải khung giờ cao điểm.

Trên mạng xã hội, nhiều khách hàng đã không ngừng than thở tình trạng Grab đột ngột tăng giá mạnh, có thời điểm tăng cao gấp đôi so với taxi truyền thống. Sau trả tiền, trên ứng dụng Grab thường xuất hiện dòng chữ “giá cước tăng cao do nhu cầu tăng cao”.

Hiện nay, ứng dụng Grab được tải xuống trên 90 triệu thiết bị di động, cho phép người dùng tiếp cận vào mạng lưới giao thông đường bộ và đại lý lớn nhất khu vực với hơn 5 triệu đối tác tài xế và đại lý.

Grab hiện đang cung cấp các dịch vụ xe tư nhân, xe máy hai bánh, xe taxi và dịch vụ đi chung xe ở khắp 8 quốc gia và 195 thành phố ở Đông Nam Á, bên cạnh dịch vụ giao nhận hàng hóa và thực phẩm.

Theo một nghiên cứu vừa được đưa ra, thị trường đặt xe ở Đông Nam Á được dự báo sẽ có giá trị khoảng 13,1 tỷ USD vào năm 2025, cao hơn rất nhiều so với mức 2,5 tỷ USD hồi năm 2015. Ấn tượng hơn nữa là mỗi quốc gia lớn ở Đông Nam Á rồi cũng sẽ có một thị phần 1 tỷ USD của riêng mình, trong đó hoạt động đặt xe chiếm 15% tổng chi tiêu du lịch ở khu vực.

Minh Ngọc

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image