Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 03:25

Ý nguyện che giấu

14:28:00 13/06/2018

[VnExpress - 13/6/2018 - ThS. Nguyễn Khắc Giang] Những ai làm việc nơi công sở có lẽ đều từng tự vấn về “chính trị văn phòng”: tại sao một người vừa mới khen mình xinh đẹp lại có thể thì thầm với kẻ khác là mình vừa già vừa xấu? Tại sao một đề xuất khi hỏi ý kiến từng cá nhân thì ai cũng đồng tình, đôi khi là 100%, nhưng đến khi đem ra bỏ phiếu thì bị phủ quyết?

Độc giả nào từng thất vọng về những giả dối đó sẽ bớt muộn phiền hơn nếu biết hiện tượng này thực ra là một đề tài khoa học có tính thực tiễn cao. Timur Kuran, một giáo sư kinh tế học người Mỹ gốc Thổ, gọi đó là “preference falsification”, tạm dịch là “ý nguyện che giấu”. Nó mô tả việc người được hỏi che giấu suy nghĩ và mong muốn thật sự của mình dưới những áp lực từ môi trường sống hay xã hội.

Ý nguyện che giấu có mặt khắp mọi nơi. Ngoài công sở, chúng ta có thể tặc lưỡi đóng góp một khoản từ thiện khi mọi người xung quanh đều làm, hay gật đầu đồng ý với tất cả các câu hỏi từ tổng đài chăm sóc khách hàng của một cửa hiệu mới mua đồ vì ngại mất thời gian. Vaclav Havel, một nhà văn và là nguyên tổng thống Czech, từng băn khoăn như vậy khi nhìn thấy một bức cổ động trong nhà một người bán hoa quả. Hoá ra anh ta không treo bức cổ động vì thực tâm ủng hộ điều gì, mà làm vậy chỉ để tránh bị làm phiền. “Thôi nào, tôi ủng hộ điều anh nghĩ đấy, hãy đi hỏi người khác đi”, logic của hành động đó là như vậy.

Ở mức độ vĩ mô hơn, điều này cũng giải thích vì sao có những con số đáng ngờ khi khảo sát lấy ý kiến. Báo cáo của Bộ Nội vụ cho rằng mức độ hài lòng với dịch vụ công của người dân đạt mức trung bình là 80%, ở một số địa phương thậm chí lên đến 95%. Thế nhưng nếu tất cả đều hài lòng với dịch vụ công như vậy, tại sao vẫn nhiều phàn nàn, vẫn nhiều khiếu nại, và nhà nước vẫn tiếp tục thúc đẩy kế hoạch cải cách hành chính sau 30 năm thực hiện?

Trên bình diện cá nhân, ý nguyện che giấu thường không phải là vấn đề to tát. Thực ra trong cuộc sống, không ai trong chúng ta có thể 100% nói ra hết những gì mình nghĩ: vì sợ người khác tổn thương, không muốn làm mất hoà khí, lo ngại bị để ý, hay sợ bị trả thù. Với một xã hội Á Đông vốn đề cao tính hài hoà như Việt Nam, hiện tượng này lại càng phổ biến.

Nhưng trên bình diện xã hội, ý nguyện che giấu là chuyện hệ trọng. Những bộ não kiêu hãnh đoán sai kết quả Brexit và bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có lẽ hiểu rõ nhất bài học đó. Dựa trên những khảo sát công chúng trước khi bỏ phiếu, họ tự tin cho rằng “lý trí thông thường” sẽ đánh bại “cảm tính đám đông” với khoảng cách đáng kể. Lịch sử rốt cuộc đi theo hướng ngược lại.

Điều nguy hiểm của ý nguyện che giấu là nó thường gây nhiễu loạn thông tin cho những quyết sách lớn. Những nhà quản trị phần nhiều ra quyết định dựa trên sự đồng tình của công chúng. Nếu thông tin đó là không chính xác, thì quyết sách của họ đương nhiên nuôi dưỡng bất mãn của những người không dám hoặc không được bày tỏ quan điểm thật của mình. Ý nguyện che giấu tạo ra đứt gãy trong liên lạc giữa người dân và nhà nước: hai bên sẽ ngày càng bị đẩy xa khỏi nhau.

Ý nguyện che giấu thường đi liền với đám đông câm lặng, những người không thường xuyên bày tỏ ý kiến. Họ sẽ chỉ nuôi dưỡng sự không hài lòng của mình trong bóng tối. Thái độ đó có thể mất đi sau một thời gian, khi thực tế cuộc sống không còn đi chệch đường ray với ý nguyện của họ. Nhưng những ẩn ức đó cũng có thể cháy âm ỉ, chỉ chực bùng phát khi vượt qua ngưỡng chịu đựng của mỗi cá nhân. Khi cả một cộng đồng cùng nung nấu một ý nguyện che giấu thì đó thực sự là quả bom nổ chậm. Những bùng phát bạo lực và hành vi quá khích của đám đông vừa qua theo tôi, có một phần hệ quả từ đó.

Để hạn chế những tác động tiêu cực của ý nguyện che giấu, đương nhiên, là khiến nó không còn bị “che giấu” nữa. Nhà nước cần khuyến khích người dân bày tỏ quan điểm của mình một cách hợp pháp và đường hoàng, để hai bên xích lại gần nhau hơn. Điều này, như bài viết của tôi đề xuất cách đây ba năm, bao gồm việc nâng cao chất lượng của các tổ chức trung gian - các đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội - đồng thời tạo cơ sở để người dân bày tỏ ý kiến trực tiếp bằng những khung pháp lý cụ thể.

Trên tất cả, tôi tin rằng không một ai muốn giữ mãi trong lòng những ấm ức của mình. Họ cần được chia sẻ, và sẵn sàng chia sẻ nếu lãnh đạo thực tâm muốn biết ý kiến của họ. Câu chuyện đối thoại để tháo ngòi nổ Đồng Tâm năm ngoái cho thấy điều đó.

Suy cho cùng, đất nước chỉ có thể thịnh vượng nếu ý nguyện của dân và ý nguyện của lãnh đạo song hành với nhau.

Nguyễn Khắc Giang

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image