Tìm kiếm
Thứ Sáu, 29/03/2024 08:46

Tăng trưởng kinh tế chưa đến từ việc tăng năng suất lao động?

11:29:00 13/08/2018

[VietQ - 05/08/2018 - PGS.TS. Nguyễn Ðức Thành, Ông Phạm Đại Dương, GS, Trần Văn Thọ] Các chuyên gia đánh giá, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thực tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động (NSLÐ).

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, NSLĐ của người Việt Nam hiện thực hóa theo giá thành là 3.360 USD/người/năm, chỉ bằng 4,4% của Singapore và 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan, 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia. 

Vì thế mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần, từ tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3% của giai đoạn 1990-2000 xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2001-2010 và bình quân 5,96% cho giai đoạn 2011-2016.

Tăng trưởng kinh tế chưa đến từ việc tăng năng suất lao động? - ảnh 1

 Chế biến thủy sản ở Việt Nam. Ảnh Dantri

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường đại học Kinh tế (Ðại học Quốc gia Hà Nội), NSLÐ bình quân của Việt Nam đã tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017. Cụ thể, trong giai đoạn 2006 - 2012, tốc độ tăng trưởng NSLÐ bình quân hằng năm đạt 3,29%/năm. Trong giai đoạn 2012 - 2017, NSLÐ của toàn nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn với tốc độ bình quân 5,3%/năm. Nhìn chung giá trị NSLÐ tổng hợp đang có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm.

Tuy nhiên, trên phương diện quốc tế, NSLÐ của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp khi so sánh với các quốc gia Ðông Á hay ASEAN. Ðáng chú ý, NSLÐ theo ngành của Việt Nam đang thấp nhất trong các quốc gia so sánh, thậm chí "đội sổ" ở ba ngành là công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng và vận tải, kho bãi. Ở một số lĩnh vực khác như nông nghiệp, điện nước và khí đốt, bán buôn, bán lẻ, NSLÐ của Việt Nam cũng xếp gần cuối trong ASEAN, chỉ đứng trên nước láng giềng là Campuchia. Trong khi đó, ở các ngành có giá trị gia tăng thấp như: khai mỏ, khai khoáng, bất động sản, dịch vụ tài chính,... NSLÐ của Việt Nam lại cao hơn các nước trong khu vực.

PGS, TS Nguyễn Ðức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định: Ðiều này cho thấy, cơ cấu kinh tế chưa được chuyển dịch hiệu quả, nguồn lực đầu tư đang hướng nhiều vào các ngành, lĩnh vực cũ, có giá trị gia tăng thấp. Rõ ràng, kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm theo đuổi kỳ vọng tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế. Trong đó, nổi bật là động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng NSLÐ. Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao NSLÐ trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Ðại Dương cho rằng, để cải thiện NSLÐ, Việt Nam cần có sự đột phá cải cách về tư duy ngoài những đột phá khác như cơ sở hạ tầng, thể chế, giáo dục. Trong đó, việc tận dụng cuộc cách mạng công ngiệp 4.0 là cơ hội lớn cho việc thúc đẩy tăng NSLÐ và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo từ chính chiến lược phát triển khoa học và công nghệ.

Từ một khía cạnh khác, theo GS Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đặc trưng của kinh tế Việt Nam hiện nay với nguồn lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể ở mức cao, khiến dư địa tăng năng suất qua tái phân bổ nguồn lao động còn rất lớn, cho dù tỷ lệ đầu tư không thấp, nhưng cơ cấu không hiệu quả. Do đó, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại cần được chú trọng và tập trung. Ðiều này sẽ thu hút lao động dôi dư trong ngành nông nghiệp cũng như khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình, góp phần tăng NSLÐ, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa, dịch vụ theo hướng hiệu quả hơn.

Tăng trưởng kinh tế chưa đến từ việc tăng năng suất lao động? - ảnh 2

Một số chuyên gia kiến nghị, nhằm nâng cao NSLÐ, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Mặt khác, cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, bảo đảm việc lao động dịch chuyển từ nhóm ngành có NSLÐ thấp như nông nghiệp sang các nhóm ngành có NSLÐ cao hơn như công nghiệp chế biến, chế tạo hay dịch vụ và có thể đảm nhiệm công việc tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao NSLÐ trong các ngành. Mặt khác, cần có quy định và giám sát việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, đồng thời đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ của nước ngoài trong trường hợp cần thiết.

Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện NSLÐ của các ngành kinh tế, đẩy mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển lao động diễn ra theo hướng có lợi, tăng hiệu ứng dịch chuyển và hiệu ứng tương tác như tăng cường thu hút lao động vào ngành có NSLÐ cao và đang tăng trưởng. Cần được chú trọng NSLÐ nhiều hơn trong các nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ thông qua cải thiện môi trường kinh doanh và thay đổi công nghệ, nhằm tạo động lực bền vững cải thiện năng suất chung và sự phát triển của nền kinh tế. Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng chỉ ra rằng, xét về dài hạn, cải thiện năng suất nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của mọi chính sách cải cách. Nếu xét riêng trên khía cạnh thị trường lao động, còn cần nhiều nỗ lực hơn, góp phần giúp lao động được phân bổ lại nhanh hơn, đồng thời nâng cao NSLÐ.

N. Nam (T/h)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image