Tìm kiếm
Thứ Ba, 23/04/2024 06:37

Vụ Ba Huân - VinaCapital: Tập quán và thói quen khó hoà nhập nhận thức

15:50:00 07/08/2018

[VietNamBiz - 07/08/2018 - ông Nguyễn Duy Hưng, ông lê Thành Long, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành] Một thỏa thuận đầu tư nghìn tỷ đang đứng trước nguy cơ đổ bể, theo thông tin từ Ba Huân, VinaCapital đưa những điều khoản trong hợp đồng khác với thỏa thuận miệng ban đầu giữa hai bên. Về phía mình, Ba Huân không xem xét kỹ bản hợp đồng bằng tiếng Anh trước khi ký để rồi ngã ngửa trước những điều khoản bất lợi.

Chưa biết Ba Huân làm ăn ra sao

Vụ việc CTCP Ba Huân gửi văn bản đến Thủ tướng xin hỗ trợ trong việc chấm dứt hợp tác với quỹ đầu tư VinaCapital mới đây tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Đầu năm 2018, Ba Huân nhận được đề nghị hợp tác đầu tư cùng tổ chức tài chính VinaCapital (thông qua quỹ đầu tư Hawkw Investments) nhằm nâng thương hiệu “Ba Huân” lên tầm quốc tế bằng thế mạnh về vốn và công nghệ quản trị VinaCapital đang có.

Thế nhưng hai bên nhanh chóng lâm vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khi phía Ba Huân cho rằng thỏa thuận hợp tác sử dụng hai ngôn ngữ Anh – Việt có nhiều điểm không đúng hoặc không có như trao đổi ban đầu của hai bên. Trước đó Ba Huân và VinaCapital mới chỉ ký thỏa thuận hợp tác bằng tiếng Anh.

vu ba huan vinacapital tap quan va thoi quen kho hoa nhap nhan thuc
Ba Huân kêu cứu với Thủ tướng xin hỗ trợ chấm dứt hợp đồng với VinaCapital

Văn bản trình Thủ tướng của Ba Huân cho biết: “Trong văn bản tiếng Anh, VinaCapital tự động đưa vào tỷ suất hoàn vốn (IRR) quá cao là 22%/năm, gần gấp 3 lần lãi suất vay vốn ngân hàng, trong khi đó VinaCapital hạn chế ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà, loại bỏ toàn bộ các ngành kinh doanh khác của Ba Huân”.

Phía Ba Huân cho rằng yêu cầu này không phù hợp với một doanh nghiệp chuyện hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vì mục tiêu hỗ trợ cộng đồng, không đặt muc tiêu lợi nhuận lên hàng đầu.

Ba Huân còn cho hay, VinaCapital yêu cầu nếu Công ty không đạt được kết quả kinh doanh như thỏa thuận sẽ bị phạt: hoặc buộc trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22%/năm hoặc chuyển giao cho VinaCapital (hoặc đối tác do VinaCapital chỉ định) số cổ phần tối thiểu 51% tổng số cổ phần Ba Huân.

Điều khoản nói trên rõ ràng là hoàn hảo dành cho VinaCapital, khoản đầu tư vào Ba Huân sẽ có lãi suất tối thiểu là 22%/năm, gấp 3 lần lãi suất ngân hàng; nếu không, có thể thâu tóm trên 51% doanh nghiệp.

Ở phía ngược lại, từ văn bản gửi Thủ tướng của Ba Huân, cũng chưa thấy được trường hợp nếu như Ba Huân kinh doanh không hiệu quả, VinaCapital sẽ phải chịu trách nhiệm gì. Trong khi cam kết ban đầu hai bên là “đưa thương hiệu Ba Huân lên tầm vóc quốc tế bằng thế mạnh về vốn và công nghệ quản trị của VinaCapital”.

vu ba huan vinacapital tap quan va thoi quen kho hoa nhap nhan thuc
Thỏa thuận ban đầu của hai bên là đưa thương hiệu "Ba Huân" ra tầm quốc tế, nhưng hiện tại đang đứng trước nguy cơ đổ bể

Ba Huân có lý riêng của mình khi cho rằng, VinaCapital đang muốn “chiếm đoạt thương hiệu”, ép một doanh nghiệp với tôn chỉ “chia sẻ niềm tin cộng đồng”; “chung sức cùng bà con nông dân vượt qua đói nghèo lạc hậu”, vì mục đích xã hội đạt tỷ suất sinh lời 22%/năm bằng không thì chịu bồi thường hoặc chịu bị thâu tóm.

Điều này khiến Ba Huân dựa trên luận điểm xuyên suốt là bảo vệ thương hiệu Việt để xin Thủ tướng can thiệp.

Hiệu quả hoạt động kinh doanh của Ba Huân như thế nào, số liệu khi nghiên cứu hai bên đưa cho nhau xem ra sao chỉ có hai bên mới có thể biết được. Con số 22%/năm là hợp lý hay là vô lý chưa đủ dữ liệu để kết luận nếu chỉ dựa vào lời một phía.

Tập quán và thói quen khó hoà nhập nhận thức

Nhận định về vụ việc này, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI cho biết: “Bản chất của những mâu thuẫn đều xuất phát từ nhận thức và tập quán khác nhau của hai bên đối tác. Trong khi các quỹ đầu tư họ luôn có luật sư tham gia ngay từ đầu để ràng buộc các yêu cầu với doanh nghiệp và đưa cam kết của chủ doanh nghiệp vào hợp đồng, thì trái lại rất nhiều chủ doanh nghiệp nội địa lại dùng những cam kết miệng làm công cụ để tăng tính khả thi cho những kế hoạch tương lai mà bản thân họ cũng không chắc chắn thực hiện được.

Họ cũng không có thói quen thuê luật sư chuyên ngành thực hiện soạn thảo rà soát hợp đồng. Khi xẩy ra tranh chấp tất nhiên toà sẽ căn cứ vào hợp đồng đã ký với nhau để xử chứ không căn cứ vào cảm xúc tình cảm hay chỉ đạo của ai kể cả đấy là ý kiến của lãnh đạo.

Mục tiêu của các quỹ khi đầu tư vào doanh nghiệp là làm sao doanh nghiệp hoạt động tốt để chia lợi nhuận, luật sư luôn nghĩ cách ràng buộc sao để an toàn nhất cho họ".

Theo ông Hưng, doanh nghiệp trong nước cần hiểu tập quán của mỗi bên, cần lưu ý những chi tiết trong hợp đồng sẽ giảm được thất vọng và mâu thuẫn trong quá trình triển khai.

“Tập quán và thói quen luôn là điều tranh cãi và khó hoà nhập nhận thức nhất, nếu ở phương Tây người ta coi hợp đồng hôn nhân là bình thường thì nước ta phần lớn không chấp nhận và coi đây là thương mại hoá tình yêu.

Nhưng hiện nay nước ta đã tham gia hội nhập Quốc tế, nên không có con đường nào khác đề bảo vệ mình là chặt chẽ trong hợp đồng, toà án mới là người có thể giúp giải quyết tranh chấp chứ không phải bất kỳ ai”.

Nhiều ẩn số

Ông Phan Lê Thành Long, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – kế toán cũng cho rằng, trường hợp của Ba Huân và VinaCapital, công ty tư nhân thiếu hiểu biết trong các thỏa thuận nhận vốn. Nhưng một phần cũng đến từ sự “cáo già” của các quỹ mà, cài cắm những điều khoản quá có lợi cho quỹ mà không cân bằng lợi ích các bên.

Nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng khác, ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: “Thủ tướng không nên trả lời ngay, vì đây không thuộc thẩm quyền của bên hành pháp và của bên tòa án”.

Theo ông Thành, thông tin được đưa ra theo chiều hướng bất lợi cho VinaCapital và còn nhiều ẩn số. “Đơn giản chúng ta không biết phía công ty Ba Huân đã đưa cho VinaCapital báo cáo tài chính như thế nào và hứa tỷ suất lợi nhuận những năm tiếp theo ra sao. Vì tỷ suất này liên quan đến giá cổ phần mà VinaCapital phải trả cho Ba Huân.

Và nếu Ba Huân muốn nhận về hơn 30 triệu USD với lượng cổ phần mất cho VinaCapital là ít nhất thì họ có động cơ đưa ra báo cáo tài chính rất đẹp và tỷ suất lợi nhuận trên vốn kỳ vọng (ROE) có thể là 25% hay thậm chí là 30%, ai mà biết được”.

Ông Thành cho rằng, các điều khoản chặt chẽ phía VinaCapital có thể một phương án phòng ngừa rủi ro khi thông tin bất cân xứng và quỹ đầu tư là bên biết ít thông tin hơn.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image