Tìm kiếm
Thứ Sáu, 19/04/2024 02:27

Nếu nền kinh tế dựa nhiều vào FDI, năng suất lao động sẽ giảm nhanh

17:23:00 26/09/2018

[VOV - 26/09/2018 - PGS.ST. Nguyễn Đức Thành, TS. Lê Văn Hùng, Ông Peter Girke] Nền kinh tế nếu cứ dựa vào các doanh nghiệp khối FDI quá lớn, sẽ dẫn tới năng suất lao động bị tụt xuống rất nhanh.

Tăng trưởng về năng suất lao động ở Việt Nam đã từng đạt được nhiều thành tích ngoạn mục trong quá khứ, nhưng hiện nay dường như đang không bắt kịp với các nước trong khu vực. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, việc cải cách thể chế, cải cách hành chính cũng như các thay đổi khác cần làm sao để năng suất lao động tăng lên. Chỉ khi năng suất lao động tăng, đời sống của người dân mới tăng lên.

Phát triển chưa tương xứng

Nhìn ra các nước trong khu vực và những nước có sự phát triển nhanh và thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc… đều có những giai đoạn tăng trưởng rất nhanh với việc lấy tăng năng suất lao động là cốt lõi, tốc độ tăng trưởng trưởng về năng suất lao động của các quốc gia này thường đạt trên 10%/năm, từ đó họ mới có thể bứt phá, vượt qua được tình trạng nghèo đói và trở thành các nước phát triển.

Đề làm được điều này, theo VEPR, các quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động nhanh đều có các chương trình, có sự phát triển thực sự nghiêm túc về vấn đề năng suất lao động. Tương tự tại Việt Nam, vấn đề về tăng năng suất lao động cần phải được đưa ra là một vấn đề trọng tâm của đất nước, trong quá trình cải cách cũng như có những thay đổi về tổ chức và thể chế thực hiện.

neu nen kinh te dua nhieu vao fdi, nang suat lao dong se giam nhanh hinh 1
Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Viện KAS Việt Nam.

Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Viện KAS Việt Nam chỉ rõ, nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển một cách liên tục và đạt được những thành tựu lớn, nhưng vấn đề năng suất lao động lại chưa có sự tăng trưởng tương xứng. So với những quốc gia trong khu vực, Việt Nam đang có những vấn đề về năng suất lao động nên cần phải xây dựng những bước đi phù hợp, để có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay.

 

Theo ông Peter Girke, thời điểm hiện tại thực sự quan trọng để Việt Nam hướng đến mục tiêu xây dựng chương trình tăng trưởng bền vững về năng suất lao động. Trong đó cần định hướng rõ cần đầu tư vào những lĩnh vực nào, phát triển ở khu vực nào và làm thế nào để phát triển kinh tế tri thức, Việt Nam đang ở đâu khi tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Cùng với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Viện KAS đã cùng hợp tác, nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị để xác định con đường Việt Nam làm thể nào để cải thiện, tăng cường vai trò của kinh tế tri thức cũng như nâng cao chất lượng của năng suất lao động”, ông Peter Girke cho biết.

Năng suất lao động phải là chiến lược quốc gia

Theo TS. Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), tại 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI thì doanh nghiệp FDI thường chiếm 1/3 lực lượng lao động, còn lại khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm hầu hết lực lượng lao động.

Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp FDI nếu trong những thời kỳ khủng hoảng, sự đóng góp cho nền kinh tế sẽ giảm sút, cho nên nền kinh tế nếu cứ dựa vào các doanh nghiệp khối FDI quá lớn, sẽ dẫn tới năng suất lao động bị tụt xuống rất nhanh, nhường chỗ cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lên ngôi.

“Khu vực doanh nghiệp nhà nước hội nhập rất yếu, trong khi khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp FDI đang chịu ảnh hưởng và tác động lớn từ bên ngoài, nhưng khu vực doanh nghiệp nhà nước không ảnh hưởng gì nhiều, điều đó chứng tỏ sự tham gia quá trình hội nhập của khu này là rất thấp”, TS. Lê Văn Hùng chỉ rõ.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng quyết tâm và thực sự ý thức về việc cải thiện năng suất lao động ở cấp độ quốc gia nếu không sẽ bị tụt hậu mãi mãi. Cụ thể, Việt Nam cần phải xây dựng phong trào tăng năng suất giống như Nhật Bản đã từng làm sau thế chiến thứ 2 cũng như Singapore đã làm đầu thập niên 1960. Việc thay đổi ở đây đòi hỏi thay đổi căn bản về mặt tư duy về cách tổ chức cuộc sống, tổ chức sinh hoạt và các yếu tố khác có liên quan.

Để làm được điều này, Việt Nam không chỉ coi tăng năng suất lao động của doanh nghiệp, của nhà sản xuất, kinh doanh, mà là nhiệm vụ của toàn hệ thống, toàn thể người dân, đặc biệt là khu vực nhà nước. Cần có sự cải thiện năng suất lao động theo cách tổ chức làm việc hiệu quả hơn trong chính khu vực nhà nước, trong cách làm việc, cách ra chính sách cũng như tiếp cận và giải quyết mỗi vấn đề.

“Đối với khu vực doanh nghiệp (Nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài), cần hướng cải thiện năng suất lao động ở khu vực kinh tế tư nhân, bởi các doanh nghiệp này hiện nay dù năng suất lao động thấp nhưng sử dụng số lượng lao động lớn nhất tại Việt Nam, nếu cải thiện được năng suất lao động tại khu vực này sẽ tạo nên sự đột phá cho nền kinh tế của Việt Nam”, ông Thành chỉ rõ.

Riêng khu vực kinh tế hộ gia đình, theo ông Thành, các thành viên dù không trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh cũng cần thay đổi về tư duy để sinh hoạt lành mạnh và lối sống gọn gàng. Từ lối sống và tác phong sinh hoạt lành mạnh sẽ di chuyển, ảnh hưởng đến nơi làm việc một cách tích cực, khi đó năng suất lao động của Việt Nam mới tăng./.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image