Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 05:40

Tỉ phú và khu ổ chuột

17:25:00 21/09/2018

[SaigonTimes - 21/09/2018 - ThS. Nguyễn Khắc Giang] Nếu phải lựa chọn một hình ảnh tiêu biểu cho sự phát triển của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới, bạn sẽ chọn hình ảnh nào?

Kênh Nhiêu Lộc, TPHCM.

Với tôi, đó là những dòng sông ở hai đô thị lớn nhất cả nước, TPHCM và Hà Nội. Ở đó, chúng ta sẽ thấy cả những mặt sáng và góc khuất của quá trình phát triển kinh tế. Đó là những khu nhà tạm bợ ven bờ kênh Tẻ, kênh Đôi nằm dưới bóng những tòa nhà cao tầng tráng lệ, con sông Sài Gòn chia cách phần đất hoang vu ở Thủ Thiêm và trung tâm quận 1, hay bờ đê sông Hồng trở thành biên giới của vùng nội thành và xóm ven sông của lao động nhập cư nghèo khổ. Có lẽ không biên giới nào chia cách hai thế giới tương phản một cách rõ ràng đến thế.

Những hình ảnh đó không nhất thiết là tiêu cực. Phân hóa giàu nghèo khi đất nước ngày càng thịnh vượng là điều khó tránh khỏi, bất kỳ quốc gia nào trải qua giai đoạn công nghiệp hóa đều gặp phải vấn đề tương tự. Tiêu cực chỉ đến khi tốc độ phân hóa không được kiểm soát, khiến hố sâu giàu - nghèo có nguy cơ tạo ra những mâu thuẫn lớn trong xã hội.

Theo báo cáo công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khu vực ASEAN của Oxfam, số tiền mà người giàu nhất Việt Nam kiếm được trong một ngày nhiều hơn số tiền mà người nghèo nhất kiếm được trong 10 năm. Đã từng là một hình mẫu trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi nền kinh tế vượt ngưỡng thu nhập thấp. Như ở mọi quốc gia khác, đó là lúc bất bình đẳng về thu nhập xuất hiện, và phân hóa giàu nghèo tăng cao.

Để đo lường bất bình đẳng, các nhà nghiên cứu xã hội thường thống nhất sử dụng hệ số GINI để tính chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư, với giá trị càng gần đến 1 càng bất bình đẳng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hệ số GINI ở Việt Nam luôn nằm trên mốc 0,39 từ năm 1998, và có dấu hiệu tăng nhẹ trong gần hai thập kỷ qua (0,436 - sơ bộ năm 2016). Đáng lo ngại hơn, hệ số này đặc biệt tăng mạnh ở những khu vực kém phát triển hơn về mặt kinh tế (đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ), cho thấy thành quả của phát triển kinh tế chưa được phân bổ đồng đều như kỳ vọng.

Hệ số GINI không chỉ phản ánh qua những số liệu thống kê khô khan. Nó phản ánh ngay từ thực tế kinh tế diễn ra trong vài năm trở lại đây.

Năm 2017 chứng kiến mặt bằng giá của các dịch vụ cơ bản, từ y tế, giáo dục, xăng dầu, cho đến giao thông tăng tốc. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2018, khi Nhà nước tiếp tục thoái lui khỏi hoạt động kinh tế. Điều này sẽ làm gia tăng mức độ phân hóa trong sử dụng dịch vụ giữa người giàu và người nghèo, thành thị và nông thôn, hay giữa vùng - miền khác nhau. Với nhóm người giàu, chi tiêu vào các nhu cầu thiết yếu chỉ chiếm một phần nhỏ trong thu nhập, nhưng với người nghèo, đó sẽ là gánh nặng rất lớn.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hiện tại của họ, mà còn là những cơ hội “thoát nghèo” trong tương lai. Một người không được chăm sóc y tế đầy đủ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn, sức khỏe gặp nhiều rủi ro hơn, từ đó sẽ tác động tiêu cực đến khả năng tạo ra thu nhập. Một hộ nghèo sẽ ít có điều kiện để con cái học những ngôi trường tốt, thuê gia sư, tham gia các môn ngoại khóa hay trại hè tiếng Anh. Từ đó, cơ hội để những đứa trẻ nghèo được nhận vào các trường đại học tốt và có thu nhập tốt trong tương lai sẽ thấp hơn. Như vậy, phân hóa giàu nghèo không chỉ là câu chuyện hiện tại, mà nó còn có những tác động lâu dài lên nhiều thế hệ về sau.

Ở đây chúng ta nhận thấy vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển, và giảm nguy cơ bần cùng hóa của những nhóm yếu thế trong xã hội. Tái phân phối thu nhập thông qua các chính sách như thuế và trợ giá có thể nhanh chóng làm giảm khoảng cách giàu nghèo, nhưng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và sau đó là thịnh vượng của cả quốc gia về sau. Rõ ràng, một doanh nhân có lý trí sẽ lựa chọn kinh doanh ở nơi họ đóng thuế 10% (như Singapore), thay vì địa điểm có thuế cao gấp đôi trong khi lợi ích nhận được không tương xứng. Lấy của người giàu chia cho người nghèo không phải là một giải pháp bền vững.

Giải pháp đề xuất thì có rất nhiều, và cần nỗ lực của không chỉ một cơ quan hay bộ ngành nào. Nhưng những chính sách cụ thể phải được định hướng bởi triết lý phát triển chung, là thứ mà dường như chúng ta vẫn đang loay hoay tìm kiếm. Từ sau khi chính sách Đổi mới được thực thi, tăng trưởng kinh tế là mục tiêu ưu tiên số một. Và dù các nhiệm kỳ chính phủ đều hướng đến tăng trưởng “nhanh và bền vững”, chính cụm từ này đã hàm ý tốc độ được ưu tiên hơn là sự an toàn. Đó là công thức thành công khi quy mô nền kinh tế còn nhỏ, trình độ thấp, nhưng khi đất nước phát triển tới mức độ cao hơn, thì công thức đó có thể không còn chuẩn xác.

Chúng ta đã phải trả giá đắt trong giai đoạn mở rộng quy mô GDP bằng tín dụng bừa bãi, đầu tư công không kiểm soát, hay hoạt động kinh doanh dàn trải của các doanh nghiệp nhà nước. Quan trọng hơn, khi không nhấn mạnh tính bền vững - xây dựng được thể chế nhà nước đủ mạnh, hệ thống pháp luật công bằng, tăng cường mức độ “bao trùm” của tăng trưởng, và mở rộng mức độ tham gia của người dân trong việc xây dựng chính sách - thì rất dễ có những vùng xám cho chủ nghĩa thân hữu nở rộ, lũng đoạn bộ máy nhà nước để trục lợi cá nhân. Xã hội ngưỡng mộ và chào đón những tỷ phú mới, nhưng phải là những cá nhân xuất sắc làm giàu một cách minh bạch, dựa trên năng lực và sự sáng tạo của mình, từ đó mang lại lợi ích lan tỏa cho cộng đồng, thay vì bằng cách bắt tay với những cán bộ tha hóa, biến chất. Việc những người giàu nhất ở Việt Nam thường xuất phát từ những ngành như bất động sản - vốn được coi là cái ổ của chủ nghĩa thân hữu - là một chỉ dấu không mấy khả quan.

Trong những văn bản chính thức, ở Việt Nam không tồn tại “khu ổ chuột”. Thực tế, những chỗ ở tồi tàn, đầy rác và muỗi ở bên bờ kênh tại các đô thị lớn có khi còn không được thừa nhận bởi chính quyền: phần lớn người dân sống ở đó đang cư trú bất hợp pháp. Nhưng họ là những công dân hợp pháp, cũng như những tỷ phú đang sống trên những tòa nhà chọc trời cách họ vài trăm mét đường chim bay. Cân bằng lợi ích của hai thế giới cùng chung một dòng sông, như thế, có lẽ là bài toán chính sách phức tạp nhất của nhà nước trong thời gian tới. 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image