Tìm kiếm
Thứ Bảy, 20/04/2024 06:35

Chính sách nào cho đặc khu kinh tế

12:07:00 09/11/2018

[Thời báo Ngân hàng - 09/11/2018 - PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, ông Nguyễn Trung, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, bà Phạm Chi Lan] 3 đặc khu kinh tế (ĐKKT) đã có đề án để thành lập, nhưng luật về ĐKKT vẫn đang phải xem xét lại; và cho đến nay, vẫn rất nhiều quan điểm khác nhau về 3 đặc khu này và cần chính sách gì để ĐKKT phát triển đúng nghĩa là ĐKKT?

Toàn Việt Nam nên là đặc khu

Hiện vẫn còn có những ý kiến cho rằng ĐKKT là mô hình đã lỗi thời trong thời đại thế giới mở với công nghệ phát triển mạnh và nền kinh tế số và những hiệp định thương mại tự do đang tạo ra không gian toàn cầu. Ông Nguyễn Trung - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa ở mức độ cao nhất của chuẩn mực quốc tế thời hội nhập toàn cầu. Nước ta cũng đã xác lập cho nền kinh tế các khung khổ thể chế và sân chơi ở phạm vi song phương, đa phương, khu vực và toàn cầu với những nội dung hiện đại nhất trong nền kinh tế toàn cầu hóa của thế giới hôm nay. Vì thế luật đặc khu không còn cần nữa.

Xây dựng ĐKKT là một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Cũng có chung quan điểm như vậy, Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Viện Nghiên cứu Chính sách – pháp luật và phát triển) cho rằng chính sách đặc khu của Việt Nam đang lỗi thời, tuy nhiên không phải là dừng việc thành lập đặc khu mà nên biến cả Việt Nam thành đặc khu. Ông cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ lại các điều kiện trong luật để tránh trong tương lai có khả năng mâu thuẫn với quy tắc thương mại và tiêu chuẩn pháp lý của WTO và các FTA mà Việt Nam đã và đang ký kết.

Trong khi PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng  Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)  cho rằng, việc xây dựng các đặc khu là không khả thi, việc thành lập các đặc khu và dự án luật chưa tính toán một cách cẩn trọng các tác động kinh tế của việc hình thành các đặc khu. Dự án luật cũng chưa xây dựng được khung thể chế vượt trội; các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào đặc khu vẫn thiên về thuế và đất đai nên đang mất dần sức hấp dẫn, không có khả năng áp dụng tại các vùng khác và khó tạo động lực lan tỏa. Theo vị chuyên gia này, muốn sử dụng mô hình đặc khu như một động lực đột phá cho nền kinh tế, thì nên mạnh dạn xây dựng vùng tự do thương mại (FTZ).  FTZ là phiên bản cao cấp hơn của đặc khu hành chính - kinh tế và nên hình thành trên cụm địa phương TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Vũng Tàu. Đây là khu vực khả dĩ duy nhất hiện nay ở Việt Nam phù hợp xây dựng FTZ.

Trong khi đó, lấy dẫn chứng là thế giới có hàng ngàn ĐKKT, khu công nghiệp và khu chế xuất nhưng chỉ vài khu thành công, tạo ra các hoạt động kinh tế đáng kể còn phần lớn thì không, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhắc lại kinh nghiệm của Singapore do ông Teo Eng Cheong – Tổng giám đốc Tập đoàn Surbana Jurong đúc kết thành 5 yếu tố thành công chủ yếu cho các ĐKKT và khu công nghiệp là: Mục tiêu rõ ràng; Đổi mới chính sách táo bạo; Địa điểm thuận lợi; Thiết kế mang tính đặc thù và 5 là Quản lý hiệu quả. Trong đó, thành lập đặc khu để cho phép thử nghiệm và tự do hóa các chính sách mà không ảnh hưởng đến các phần còn lại của đất nước. Và các đổi mới chính sách hoặc tự do hóa điển hình là về thuế, hải quan, chính sách lao động và vốn.

Không phải có nguy cơ  là không dám làm

Thế nhưng luồng ý kiến thứ hai như PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vẫn ủng hộ việc phải thành lập các ĐKKT. Theo vị chuyên gia này, thành lập các ĐKKT là tạo ra động lực tăng trưởng, tạo sự lan tỏa và đây là cách tốt để tiến lên. Không nên chỉ nhìn thấy thế giới đã có những thất bại từ hai ba thế kỷ trước để nói nay làm là sẽ thất bại mặc dù cũng có thể thất bại.

 “Tất cả cải cách đột phá của ta đưa ra rất khó khăn. Cái chính là ta phải làm cho ta mạnh lên bằng cách phải thoát chính ta và ta phải khác ta. Đặc khu là nơi tạo ra một khu vực thể chế tốt đó là điều ta cần phải làm và nên làm. Điều cần bàn làm thế nào để đặc khu có thể chế đặc biệt để đặc khu thành công”, ông Thiên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm như vậy, TS. Đinh Quang Ty - Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, nếu cứ mang tâm lý sợ sệt mọi thứ thì không làm được. “Trong nội dung dự án Luật Đặc khu và vị trí của 3 đặc khu đã được chọn có nguy cơ như một số ý kiến đã nêu lên, nhưng không phải có nguy cơ là không dám làm”, ông nói.

Cũng kiên trì quan điểm về việc thành lập ĐKKT và cần có luật về đặc khu, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn ra tài liệu của Ngân hàng Thế giới trong đó khẳng định: “ĐKKT là một trong những giải pháp để tăng trưởng và phát triển”. Như vậy với Việt Nam xây dựng ĐKKT là một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông cũng cho biết thêm hướng sửa dự án Luật Đặc khu này là sẽ có luật chung thay vì cho 3 khu.

Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục chuẩn bị, lấy ý kiến rộng rãi, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến xác đáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image