Tìm kiếm
Thứ Năm, 18/04/2024 10:42

Thuế tài sản: Băn khoăn tính hiệu quả

10:12:00 13/12/2018

[Thời báo Ngân hàng - 13/12/2018 - PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, TS. Nguyễn Việt Cường, PGS-TS. Nguyễn Đức Thành] Dự báo viễn cảnh phức tạp trong thực thi thuế tài sản tại Việt Nam, băn khoăn tính hiệu quả, thậm chí lo ngại có thể “mở đường” cho tham nhũng… nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo “Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản tại Việt Nam” diễn ra ngày 12/12 đã “hiến kế” một số giải pháp.

 
Ở Việt Nam chưa có du thuyền hay máy bay nào đăng ký là sở hữu tư nhân

Băn khoăn hiệu quả khi áp dụng

Theo các chuyên gia, thuế tài sản không phải là sáng kiến gì mới, vì Việt Nam đang áp dụng thuế này, như các loại thuế sử dụng đất, thuế trước bạ đối với nhà đất và tài sản là động sản như ô tô, xe máy…

Trên thế giới không có nước nào có sắc thuế gọi là thuế tài sản, vì không đánh thuế cho tài sản chung chung mà họ có loại thuế đánh vào loại tài sản cụ thể nào đó, như thuế tài sản cố định, thuế tài sản thực, hay thuế đất đai hoặc thuế bất động sản, thuê tài sản ròng, thuế thặng dư vốn…

Tài sản được hiểu bao gồm: tài sản hữu hình như động sản và bất động sản; phi hữu hình như cổ phiếu, trái phiếu, tài khoản ngân hàng... Thuế tài sản là loại thuế mà nhà nước đánh vào các loại tài sản người dân sở hữu hoặc nắm giữ quyền sử dụng, như thuế của cải ròng, thuế VAT, thuế trên thặng dư vốn, chuyển nhượng, quà tặng, thừa kế...

“Thế giới đã tranh luận về thuế này hàng trăm năm nay và đến nay, thực tế các nước đã áp dụng thuế đánh lên các loại tài sản cho thấy loại thuế này rất phức tạp, thực thi không dễ và không mang lại hiệu quả”, PGS-TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho biết.

Cắt nghĩa về hiệu quả, chuyên gia cho biết một chính sách thuế trước hết là phải mang lại nguồn thu cho ngân sách, có tác động điều tiết thu nhập hay điều chỉnh tiêu dùng và phải có khả năng thực thi cao, tức là phải ít mục tiêu để dễ áp dụng và phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Ai cũng nghĩ thuế tài sản là công cụ tốt để điều chỉnh thu nhập của một nhóm người, để điều tiết bất bình đẳng thu nhập, ông Cường nói, nhưng thực tế không dễ áp dụng và không có hiệu quả và lại là kẽ hở cho tham nhũng.

Hiện tại, Bộ Tài chính có dự thảo về thuế tài sản trên bất động sản là nhà đất và động sản như ô tô, du thuyền, máy bay… Nhưng nhìn từ kinh nghiệm thế giới, đóng góp vào ngân sách của thuế bất động sản không đáng kể theo phương diện quốc gia. Tại các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi, sắc thuế này thu được bằng 1/4 so với các nước phát triển thuộc khối OECD. 

Với động sản thì cũng rất ít quốc gia đánh thuế vào các tài sản này và ở Việt Nam 100% số lượng tàu bay, du thuyền đăng ký thuộc sở hữu của tổ chức, không có tàu bay, du thuyền nào đăng ký thuộc sở hữu tư nhân. Mà theo dự thảo của Bộ Tài chính thì động sản, bất động sản thuộc doanh nghiệp không phải nộp thuế tài sản.

Đánh thuế vào động sản có nhiều bất cập: giá trị tài sản giảm dần theo quá trình sử dụng nên mỗi năm nộp thuế phải đánh giá lại giá trị tài sản. Theo đó, việc định giá được các chuyên gia cho là kẽ hở cho tham nhũng và thất thoát nguồn thu…

Lo mặt trái là giảm thu nhập, tiêu dùng

Theo TS. Nguyễn Việt Cường (Đại học Kinh tế Quốc dân, Viện Nghiên cứu phát triển Mekong) thuế tài sản sẽ tác động khá nhiều tới chi tiêu hộ gia đình và tiêu dùng.

Dự báo theo các kịch bản Bộ Tài chính đề xuất, TS. Nguyễn Việt Cường cho biết kết quả là hệ số Gini (chỉ ra mức bất bình đẳng của phân phối thu nhập giữa cá nhân hệ kinh tế trong một nền kinh tế) giảm 0,65%, nhưng thu nhập khả dụng giảm 0,9%, chi tiêu thực tế giảm 0,7%, tỷ lệ nghèo không thay đổi.

Ở điểm này, PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) giải tích, chỉ số bất bình đẳng (Gini) được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do người nghèo được cải thiện điều kiện kinh tế. Vì vậy, đây không phải một sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội.

Các chuyên gia cùng có quan điểm rằng việc cải thiện ngân sách của Việt Nam cần bắt nguồn từ tiết kiệm chi, chứ không phải việc tăng thu, không nên đưa ra thuế tài sản chung chung mà cần cụ thể hóa thành một loại thuế nào đó, có bản chất liên quan đến tài sản.

Việc thiết kế các luật thuế liên quan đến tài sản cần phải được xác định mục đích rõ ràng. Và thuế này nên là loại thuế để lại cho địa phương. Đặc biệt, muốn cải thiện thu phải nâng tính giải trình trong các khoản chi ngân sách.

Có ý kiến cho rằng không cần phải ban hành luật thuế tài sản, nhưng phải điều chỉnh lại thuế sử dụng đất hiện nay theo hướng tăng thuế suất, lấy giá thị trường làm cơ sở tính thuế thay vì tính theo giá nhà nước công bố như hiện nay. Chỉ cần tính theo thị trường số thu đã tăng lên rất nhiều.

Có ý kiến cho rằng nên bỏ chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vì chính sách này không còn ý nghĩa với nông dân, nhưng lại làm ngân sách không thu được khoản thu không hề nhỏ…

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image