Tìm kiếm
Thứ Sáu, 19/04/2024 05:00

Làn vốn tỷ USD rời Trung Quốc, đổ vào Việt Nam, bất động sản hưởng lợi thế nào?

11:37:00 02/01/2019

Khi các nhà đầu tư muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc, họ có các lựa chọn gồm Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Việt Nam… Những nước đã quen thuộc với Trung Quốc thường "thích" dịch chuyển sang Việt Nam bởi tính tương đồng về văn hóa. Theo nguyên tắc gia tốc, khi kinh tế bắt đầu tăng trưởng, ngành bất động sản sẽ tăng trưởng với tốc độ lớn hơn…

Phân tích mối quan hệ giữa bất động sản và nền kinh tế, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng: Bất động sản và nền kinh tế thực có mối quan hệ gần gũi trên một nguyên tắc gọi là Nguyên tắc gia tốc.

Khi một nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng, những sản phẩm như bất động sản hoặc những sản phẩm cần vốn lớn sẽ tăng trưởng lớn hơn tốc độ đó. Ngược lại khi nền kinh tế giảm tốc, bất động sản cũng giảm nhanh hơn. Tức, tốc độ tăng/giảm tăng trưởng của ngành bất động sản là mức độ "khuếch đại" tốc độ tăng/giảm tăng trưởng của nền kinh tế thực.

Chia sẻ tại phiên thảo luận nhan đề "Khởi nghiệp công nghệ bất động sản - Người thay đổi cuộc chơi" trong khuôn khổ sự kiện ra mắt nền tảng giao dịch bất động sản thông minh Homehub, TS. Thành cho rằng tới đây có 2 khuynh hướng chi phối tình hình kinh tế của Việt Nam.

Một là khuynh hướng hồi phục vững chắc của nền kinh tế vĩ mô, vốn diễn ra cách đây chừng 3 năm và đang từ từ tăng lên. Điều này giúp cho thị trường bất động sản và các thị trường khác như chứng khoán, những thị trường sản xuất khác từ từ hồi phục.

"Nguyên tắc gia tốc sẽ xuất hiện ở đây. Thị trường bất động sản sẽ có tốc độ có thể tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thực", TS. Thành nói.

Làn vốn tỷ USD rời Trung Quốc, đổ vào Việt Nam, bất động sản hưởng lợi thế nào? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách.

Thứ hai, cục diện địa chính trị của thế giới hiện nay đang tác động tới Việt Nam tương đối bất ngờ. Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm xoay chuyển toàn bộ lực lượng sản xuất trong khu vực, trong đó Việt Nam là một nước hưởng lợi rất nhiều.

"Đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, ngành bất động sản qua đó được kéo theo, các nhà máy được xây dựng, hệ thống hạ tầng… Nhìn xa hơn, xu hướng dịch chuyển nguồn lực vẫn sẽ tiếp tục", ông Thành nhìn nhận.

Theo phân tích của ông Thành, những công ty vốn đã quen làm ăn ở Trung Quốc, khi lựa chọn một đất nước để dịch chuyển đầu tư, thường có các lựa chọn như Ấn Độ (vốn có lợi thế về quy mô), hoặc các quốc gia khu vực Đông Nam Á vốn rất đa dạng như Indonesia, Philippines, Việt Nam…

Trong đó, Việt Nam khá có lợi thế khi các nước đã làm quen với Trung Quốc rất thích dịch chuyển xuống nước ta, bởi tính tương đồng về văn hóa.

"Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng muốn dịch chuyển xuống Việt Nam. Tôi cho đây là một cơ hội rất lớn trong thời gian tới. Về mặt chính sách của Việt Nam sẽ như thế nào để chớp được thời cơ này thì chúng tôi chưa trả lời được, nhưng về cơ bản thì kinh tế sẽ có sự tăng trưởng lên", Viện trưởng Viện VEPR nhìn nhận.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đạt 15,8 tỷ USD. Trong đó, dòng tiền đổ vào mảng bất động sản là 5,2 tỷ USD, chiếm 33% tổng vốn đăng ký.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image