Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hoá giả mạo nhãn mác "Made in Vietnam"
09:06:00 21/05/2019
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) vừa có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường xử lý vi phạm với các hàng hóa giả mạo nhãn mác hàng Việt Nam.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) vừa có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường xử lý vi phạm với các hàng hóa giả mạo nhãn mác hàng Việt Nam.
Ảnh minh họa
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về tình trạng hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Vietnam”, trong đó tập trung nhóm mặt hàng tiêu dùng, thời trang… để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng doanh nghiệp đến xuất khẩu trong nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại khu vực biên giới đã liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng sản xuất từ nước ngoài nhưng gắn mác "Made in Vietnam" đang tìm cách tuồn vào thị trường trong nước.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã chính thức đưa ra cảnh báo về tình trạng hàng nước ngoài giả mạo xuất xứ “Made in Vietnam” để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài. Theo đó, việc gian lận thương mại thông qua việc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế ngày một gia tăng.
Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan các quy định về ghi nhãn mác hàng hóa, đồng thời sẽ phối hợp các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao trong việc làm giả xuất xứ Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp Bộ Tài chính để tổ chức theo dõi, nắm bắt những diễn biến bất thường trong hoặt động xuất khẩu sang một số thị trường để có biện pháp xử lý đối với hành vi gian lận thương mại.
Để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Văn phòng thường trực thuộc Trung ương tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện các nội dung.
Thứ nhất, các đơn vị cần tập trung điều tra cơ bản, rà soát, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu biên giới và nội địa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng hóa tiêu dùng, thời trang… giả mạo xuất xứ, nhãn mác trên địa bàn để có biện pháp quản lý theo đúng quy định pháp luật.
Thứ hai, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhưu: nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng lại gắn nhãn mác “Made in Vietnam” để gian lận, đánh lừa người tiêu dùng trong nước.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, phát động toàn dân không bao che, tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ và tham gia tốc giác các hành vi vi phạm.
Trước đó, từ ngày 10/5, Mỹ đã chính thức tăng mức thuế từ 10 đến 25% đối với khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh lập kế hoạch tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu còn lại của Mỹ từ Trung Quốc, trị giá hơn 300 tỷ USD.
Những leo thang căng thẳng mới trong xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ có tác động mạnh đến kinh tế hai nước và toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhất trên thế giới với tỉ lệ xuất khẩu chiếm hơn 100% GDP. Nước ta cũng là một trong những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Các doanh nghiệp và chuyên gia lo ngại việc kiểm soát thiếu hiệu quả khiến hàng hóa từ Trung Quốc không chỉ tràn vào Việt Nam để tiêu thụ với giá rẻ mà còn tìm cách "núp bóng" xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các thị trường khác. Do đó, hàng hóa Việt Nam sẽ phải hứng chịu đòn trừng phạt thuế rất cao của Hoa Kỳ. Một số mặt hàng của như thép, gỗ… của Việt Nam đã từng bị “vạ lây” từ hàng Trung Quốc tràn vào "núp bóng" xuất xứ hàng Việt để né thuế./.