Tìm kiếm
Thứ Tư, 17/04/2024 04:10

EVFTA: Tăng vị thế nhưng nhiều thách thức

10:54:00 09/07/2019

VEPR trên báo chí
[forbesvietnam.com.vn - 27/06/2019 - PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ông Nicolas Audier - đồng chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chuyên gia Bùi Quang Tín - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại phía Nam]

https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/evfta-tang-vi-the-nhung-nhieu-thach-thuc-6617.html

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức được ký kết vào ngày 30.6, mở ra cơ hội gia tăng vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên toàn cầu, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức mà các tổ chức, doanh nghiệp phải giải quyết. 

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 85,6% số dòng thuế xuất khẩu vào EU sẽ được xóa bỏ, tương đương mức 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tương tự, 65% dòng thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam cũng sẽ được xóa bỏ ngay khi FTA có hiệu lực. 

FTA giảm đi các hàng rào phi thuế quan hiện có để giao dịch với Việt Nam và mở ra các dịch vụ và thị trường mua sắm công của Việt Nam với các công ty EU, trong khi Hiệp định Bảo vệ đầu tư (EVIPA) sẽ tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam. Hiệp định còn đi liền với các thỏa thuận rộng hơn với các điều khoản cụ thể nhằm mang lại các lợi ích mới cho môi trường kinh doanh, người lao động, bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững.

Trao đổi với Forbes Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định rằng có hai thách thức trong thương mại và sản xuất mà doanh nghiệp Việt cần lưu ý. Ở khía cạnh thương mại, khi thuế quan được giảm, hàng hoá châu Âu sẽ vào Việt Nam dễ dàng hơn và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

"Việc cạnh tranh tạo ra tác động tích cực vì người dùng có nhiều lựa chọn khi đa dạng chủng loại hàng hoá, đồng thời cũng là một đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế." theo tiến sĩ Thành.  

Điều đáng quan tâm theo ông Thành là vấn đề sử dụng lao động trong sản xuất. Khi hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, bên cạnh những tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, còn phải tuân thủ những yêu cầu về chính sách sử dụng lao động. "Để đảm bảo về những quyền lợi dành cho người lao động, doanh nghiệp phải tăng chi phí nhân công, đây cũng sẽ là một thử thách cho doanh nghiệp Việt Nam", ông Thành nói.

EVFTA: Tăng vị thế nhưng nhiều thách thức  - ảnh 1

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 20% vào năm 2020, đồng thời kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng sẽ tăng khoảng 15,28% vào cùng thời điểm. Ảnh: Shutterstock.


Chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Forbes Việt Nam, ông Nicolas Audier, đồng chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thể hiện sự lạc quan về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp Việt khi EVFTA được ký kết: "Ở châu Âu có một điều đặc biệt như thế này: Nếu chúng tôi bán một sản phẩm, chúng tôi sẽ mua lại ba sản phẩm. Tôi tin rằng sau khi EVFTA được ban hành, các doanh nghiệp Việt sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn nữa tại thị trường châu Âu.”

Theo ông Nicolas, vấn đề lớn hiện tại đang nằm ở lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp, vì các sản phẩm như cá trê, tôm, gạo hay cà phê khi xuất sang châu Âu cần phải đảm bảo được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. "Để vào thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thỏa mãn được những quy định, nếu không, họ sẽ phải đem các thùng hàng trở về, thậm chí phải tiêu hủy chúng."đại diện EuroCham khuyến cáo.

Trong báo cáo "EVFTA- Góc nhìn từ Việt Nam" được EuroCham khảo sát các doanh nghiệp thành viên đang hoạt động tại Việt Nam công bố cuối 2018 cho thấy cộng đồng EuroCham lạc quan khi EVFTA được ký kết. Gần 80% doanh nghiệp phản hồi rằng EVFTA sẽ có tác động “mạnh mẽ” hoặc “nhẹ” đến hoạt động kinh doanh trung hạn.

Hơn 80% tin rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trong đó 72% cho rằng hiệp định sẽ giúp Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài các tác động tích cực về mặt kinh tế, thành viên EuroCham cũng tin tưởng EVFTA sẽ cải thiện các vấn đề xã hội và môi trường tại Việt Nam, việc chuyển giao kiến thức và nâng cao lực lượng lao động địa phương cho đến quyền lợi của người lao động. Hơn 30% doanh nghiệp phản hồi cho rằng EVFTA sẽ tác động đáng đến việc đến việc “phát triển bền vững và bảo vệ môi trường”.

Trong khi đó, chuyên gia Bùi Quang Tín - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại phía Nam cảnh báo về các rào cản đối với các doanh nghiệp Việt trong cuộc chơi xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực là vấn đề về sở hữu trí tuệ. "Các doanh nghiệp Việt Nam khi đã có thể xuất khẩu sang thị trường lớn thường chỉ tập trung vào kinh doanh mà bỏ quên vấn đề về bảo hộ trí tuệ và nhãn hiệu," chuyên gia này nói.

Ông dẫn ví dụ của tập đoàn Trung Nguyên khi để mất thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ hay tổng công ty thuốc lá Việt Nam Vinataba đã từng mất hàng tỉ đồng để chuộc lại thương hiệu. Ông Tín cũng bày tỏ quan điểm, "Các doanh nghiệp Việt thường thiếu sự chuẩn bị về nguồn lực và bị động trong việc tìm hiểu thị trường mới. Vì thế, mỗi khi gặp vấn đề, họ sẽ trở tay không kịp và chịu nhiều thiệt hại hơn."

“Ở thời điểm bắt đầu và trong ngắn hạn, doanh nghiệp Việt có thể gặp nhiều khó khăn bởi các quy định trở nên nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, EVFTA hay tất cả các hiệp định thương mại tự do khác là một cuộc chơi lâu dài, đồng thời là đòn bẩy tích cực cho sự phát triển của thị trường và nền kinh tế Việt Nam,” ông Nguyễn Đức Thành đúc kết.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image