Tìm kiếm
Thứ Năm, 25/04/2024 04:50

Việt Nam giữa thương chiến: Là điểm đến hay chỉ là nơi tránh bão?

14:39:00 11/09/2019

Doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào khi thương chiến ngày càng leo thang? Các chuyên gia cho rằng cơ hội có nhiều nhưng chủ yếu mang tính ngắn hạn trong khi rủi ro thì lâu dài và nặng nề. Việt Nam cần tạo được môi trường kinh doanh tốt để thành điểm đến thật sự của dòng vốn, nếu không chỉ đơn thuần "là nơi tránh bão".

https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/viet-nam-giua-thuong-chien-la-diem-den-hay-chi-la-noi-tranh-bao-7457.html

Bình luận về tác động của thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, theo TS.Phạm Sỹ Thành - giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES), hai từ khóa "leo thang" và "đe dọa thành sự thật" là các yếu tố đáng lo ngại nhất. Ông dẫn chứng các mốc áp thuế của Mỹ với Trung Quốc và chỉ ra "Thuế quan Mỹ áp lên Trung Quốc chỉ có tăng chứ không hề giảm và cũng chưa có một đợt ngừng áp thuế nào diễn ra."

Việt Nam giữa thương chiến: Là điểm đến hay chỉ là nơi tránh bão? - ảnh 1

TS.Phạm Sỹ Thành chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: TBKTSG cung cấp.  

"Chiến tranh thương mại chỉ là bề nổi của một cuộc chiến sâu xa hơn giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Thương chiến sẽ còn leo thang và kéo dài, tác động nặng nề tới kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu," thông điệp cảnh báo từ các chuyên gia tại sự kiện tọa đàm về doanh nghiệp Việt giữa bối cảnh thương chiến leo thang do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm 6.9.

Theo các chuyên gia, Mỹ đang tạo ra "chính sách trừng phạt kinh tế kiểu Mỹ", một tiền lệ chưa từng có, các chính sách có thể được hiện thực hóa nhanh chóng mà Trung Quốc hay cả thế giới không kịp 'trở tay'. "Khi mọi lời đe dọa đều trở thành sự thật thì đó là một thế giới đầy rủi ro với các hoạt động kinh doanh," ông Thành nói.  

Với Việt Nam, TS.Thành nhận định, sẽ có những cơ hội để tăng xuất khẩu vào Mỹ khi quốc gia này tăng nhập hàng thay thế hàng Trung Quốc. Số liệu ước tính từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (VEPR) cho thấy, điểm % tác động của thương chiến lên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá cao, khoảng 2,81 điểm % - cao hơn các quốc gia khác như Mexico, Malaysia hay Canada.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, những cơ hội Việt Nam sở hữu chỉ mang tính ngắn hạn, trong khi các rủi ro đối với doanh nghiệp Việt có thể ảnh hưởng lâu dài và nặng nề hơn.

Ba tác động cụ thể tới hoạt động thương mại và kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Đầu tiên, khi Mỹ giảm nhập hàng Trung Quốc và tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác, Việt Nam có thể tăng hàng vào Mỹ, nhưng đối tượng hưởng lợi chủ yếu là khối FDI. Trong khi doanh nghiệp nội địa phải đối mặt với rủi ro khi hàng Trung Quốc có thể tìm tới Việt Nam "quá cảnh" để tránh thuế quan của Mỹ.

Việt Nam giữa thương chiến: Là điểm đến hay chỉ là nơi tránh bão? - ảnh 2

Vùng xám là các loại hàng hoá bị tăng thuế, dấu hiệu cho thấy "mọi sự trừng phạt đều có thể biến thành sự thật". Nguồn: VCES

Ba ngành hàng thuộc top 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ là dệt may, linh kiện - thiết bị điện tử và đồ gỗ. Với dệt may, cả Việt Nam và Trung Quốc đang chia nhau thị trường Hoa Kỳ, nếu Trung Quốc giảm xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam đương nhiên hưởng lợi. "Nhưng đa số các doanh nghiệp dệt may lớn ở Việt Nam thuộc khối FDI, vậy doanh nghiệp nội địa được lợi gì?" ông Thành đặt vấn đề.

Với ngành đồ gỗ, ông Thành chỉ ra, trong sáu tháng đầu năm, Trung Quốc đã đầu tư vào 23 dự án sản xuất gỗ tại Việt Nam, đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc không hề đứng yên mà lập tức hành động để hạn chế tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của họ.

Về tiền tệ, theo TS.Thành, tỷ giá CNY/USD dù không tác động quá nhiều tới cán cân USD/VND nhưng tiền đồng mạnh lên khi đa số đồng tiền của các quốc gia khác đều mất giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại. Đặc biệt, khi nhân dân tệ hạ giá, Trung Quốc giảm nhập khẩu để đảm bảo ổn định kinh tế, hệ quả là xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc giảm.

Trong 8 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng 23,5%. Trung Quốc là thị trường nhập nông sản lớn nhất của Việt Nam, nhưng tám tháng đầu năm đạt 3,35 tỉ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ 2018, theo Tổng cục Thống kê.

Cuối cùng là sự dịch chuyển của dòng vốn FDI. Khi sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc chịu thuế cao ở Hoa Kỳ, các nhà sản xuất tìm điểm đến mới, Việt Nam là một trong các lựa chọn nhờ nền kinh tế mở và các chính sách tương đối linh hoạt. "Doanh nghiệp nước ngoài chỉ ở lại khi họ có một môi trường kinh doanh tốt, Việt Nam liệu có trở thành điểm đến, hay đơn thuần chỉ là nơi tránh bão?" ông Thành nhấn mạnh.

Ông Trương Đình Tuyển - nguyên bộ trưởng bộ Thương mại Việt Nam, cho rằng Trung Quốc sẽ có động thái "đẩy" các sản phẩm công nghệ bình dân sang Việt Nam, nhằm gián tiếp "chuyển giao công nghệ trình độ thấp để giảm chi phí, thay đổi vị thế của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu".

Việt Nam giữa thương chiến: Là điểm đến hay chỉ là nơi tránh bão? - ảnh 3

Giá vàng tăng vọt (đường màu xanh) là chỉ báo cho thấy các nhà đầu tư lo sợ rủi ro. Nguồn: Yuanta

Về tỷ giá và ảnh hưởng tới thị trường tài chính, ông Mathew Smith, giám đốc nghiên cứu phân tích của công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng thương chiến Mỹ - Trung là lý do dẫn đến sự biến động mạnh ở các thị trường chứng khoán Mỹ.

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đi ngang và giá kim loại quý tăng lên. Tất cả cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm những kênh trú ẩn an toàn. Điều này được phản ánh bởi sự tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi trọng yếu. “Các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí đang bán mạnh chứng khoán Việt Nam. Điều này cho thấy sự e ngại của họ trước những rủi ro", ông Mathew dẫn chứng.

 Vậy doanh nghiệp Việt chủ động gì trong bối cảnh kinh doanh đầy rủi ro? Trả lời Forbes Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển khuyến nghị, nên chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung vào những thị trường lớn và đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Chẳng hạn các thị trường nằm thuộc khối CPTPP hoặc xa hơn là Liên minh châu Âu khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

"Các quốc gia đã ký FTA với Việt Nam sẽ tuân thủ những quy tắc hợp tác, khó tự dưng tăng thuế hay có những cản trở doanh nghiệp phi lý trí", ông nhấn mạnh.

Trước những rủi ro và thách thức, các chuyên gia cũng nhận định đây là cơ hội để chính phủ xóa bỏ các rào cản đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với vốn, thông tin, công nghệ, minh bạch và công bằng thuế. Đồng thời, thu hút dòng FDI chuyển dịch vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tạo nhiều cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image