Tìm kiếm
Thứ Năm, 28/03/2024 09:36

Kinh tế sẽ tận dụng được nhiều cơ hội khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN

10:59:00 18/12/2019

(HQ Online) - Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao và nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn.

https://haiquanonline.com.vn/kinh-te-se-tan-dung-duoc-nhieu-co-hoi-khi-viet-nam-la-chu-tich-asean-117385.html?fbclid=IwAR1OpRVyxLEr6zftCRk90vQa4yPpCN5TsBL3whrQFVJ9EV2fFZsCBl4dgw0

kinh te se tan dung duoc nhieu co hoi khi viet nam la chu tich asean
Tọa đàm “Kinh tế 2020: Triển vọng từ cộng đồng ASEAN”. Ảnh: H.Dịu

Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc bình chọn 10 sự kiện kinh tế 2019 và tọa đàm “Kinh tế 2020: Triển vọng từ cộng đồng ASEAN” do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức vào ngày 18/12.

Nhìn lại năm 2019, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong nước, tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua, trong khi hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện. Song kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng, có năm thứ hai liên tiếp hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội đề ra.

Cùng với đó, một nét tích cực đối với kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua là năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới đã tăng 3,5 điểm và 10 bậc.

Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho biết, trên thế giới, nhiều quốc gia phải chịu sức ép tỷ giá và lãi suất rất lớn. Song ở Việt Nam, chúng ta vẫn thành công nhờ chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt. Tỷ giá VND luôn được duy trì ổn định. Đặc biệt, đối với con số nợ công, nếu không tính 25,4% GDP gia tăng theo cách tính mới, nợ công năm nay đã chấm dứt sự gia tăng, đang thể hiện xu hướng đi xuống.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), dù các nền kinh tế thế giới suy giảm, nhưng Việt Nam lại có nhiều kết quả lạc quan do liên tục nhận được lợi thế từ quá trình dịch chuyển nguồn vốn và đầu tư cùng những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mức cao vì kế thừa nhịp tăng trưởng của những năm trước cùng nhiều động lực mới, nhất là có sự dịch chuyển trong lĩnh vực khai khoáng, tạo thành đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, đã giúp Việt Nam được hưởng lợi, tạo thành những bước nhảy cao cho sự phát triển từ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…

Ở chiều ngược lại, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cải cách thủ tục hành chính sau một thời gian dài tiến bộ, nay có dấu hiệu chững lại. Hiện tại, phát sinh không ít thủ tục mới mà không có văn bản chỉ đạo, chỉ lấy ý kiến của một số cá nhân.

Các chuyên gia cũng đồng tình quan điểm cho rằng, năm 2019 tiếp tục là một năm ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát lạm phát. Tính bình quân 11 tháng của năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Song nếu chỉ tính riêng tháng 11, tăng 0,96% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 trong 9 năm trở lại đây, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung thịt lợn giảm làm giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.

Dự báo về kinh tế năm 2020, ông Nguyễn Đức Thành, cho rằng, với vai trò Chủ tịch của ASEAN nước ta sẽ tận dụng được nhiều cơ hội nhằm thúc đẩy phát triển.

Theo ông Thành, sự hội nhập của Việt Nam trong năm 2020 vào cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ ngày càng sâu sắc hơn, trong đó Việt Nam sẽ tận dụng thêm thị trường ASEAN hội nhập sâu hơn, cũng như các nước ASEAN cũng xem Việt Nam như một cửa ngõ ra thế giới ra bên ngoài khu vực đặc biệt là Trung Quốc, Liên minh Châu Âu. Năm 2020 Việt Nam đóng vai trò là Chủ tịch của ASEAN Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều cơ hội để thúc đẩy cho thương mại nội khối cũng như hoạt động khác sẽ hỗ trợ cho phát triển cho kinh tế, ngoại giao và kinh tế cho Việt Nam.

Hương Dịu

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image