Thứ Sáu, 24/01/2025 06:28

Ổn định vĩ mô phải làm dài hơi

10:07:01 12/03/2013
[Tuoitre.vn - Ngày 04/01/2011 - Nguyễn Đức Thành] TT - Phiên họp cuối cùng của năm 2010 Chính phủ đã xác định nhiệm vụ số một của năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, đặt ưu tiên lên trên mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đây là tín hiệu khá dứt khoát, kết thúc tranh luận kéo dài về lựa chọn ưu tiên giữa tăng trưởng kinh tế hay ổn định kinh tế vĩ mô.

[Tuoitre.vn - Ngày 04/01/2011 - Nguyễn Đức Thành]

TT - Phiên họp cuối cùng của năm 2010 Chính phủ đã xác định nhiệm vụ số một của năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, đặt ưu tiên lên trên mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đây là tín hiệu khá dứt khoát, kết thúc tranh luận kéo dài về lựa chọn ưu tiên giữa tăng trưởng kinh tế hay ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, khi xác định ưu tiên ổn định vĩ mô thì vấn đề tiếp theo sẽ là cần ưu tiên ổn định cái gì? Có câu hỏi này là vì môi trường vĩ mô được hình thành từ nhiều thành phần khác nhau, thể hiện qua nhiều thông số vĩ mô khác nhau

Nếu tăng trưởng kinh tế thường được đại diện bởi con số tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm thì ổn định vĩ mô được thể hiện qua một loạt yếu tố: lạm phát, lãi suất, tỉ giá, thâm hụt ngân sách và thâm hụt vãng lai...

Sẽ quá tham vọng, thậm chí là sai lầm nếu ồ ạt tung ra một loạt chính sách với hi vọng kiềm chế được tất cả các yếu tố này trong cùng một thời gian ngắn.

Có thể trước mắt Chính phủ cần tập trung cam kết kiểm soát lạm phát và thâm hụt ngân sách trong năm nay một cách chặt chẽ.

Thâm hụt ngân sách đang là nguyên nhân cốt lõi tạo lực cản lớn trong việc tái lập cân đối kinh tế vĩ mô cũng như tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Giảm thâm hụt ngân sách nên được chú trọng vào giảm chi tiêu thay vì tăng thu.

Chỉ tiêu thứ hai cần kiểm soát là lạm phát trong năm. Lạm phát là một tín hiệu đại diện chủ yếu cho bất ổn kinh tế vĩ mô, giống như tăng trưởng GDP đại diện cho tăng trưởng kinh tế. Khi lạm phát được kiềm chế sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên các chỉ tiêu vĩ mô quan trọng khác như lãi suất và tỉ giá, giúp giữ vững giá trị đồng tiền Việt.

Xa hơn nữa, lạm phát thấp giúp kéo lui tốc độ bất bình đẳng xã hội và thúc đẩy tạo dựng môi trường cho tăng trưởng bền vững.

Tuy nhiên, cũng không phải dễ dàng để thực hiện hai cam kết này. Nhìn sâu hơn vào nền kinh tế, hai chỉ tiêu thâm hụt ngân sách và tỉ lệ lạm phát không chỉ đơn thuần phụ thuộc yếu tố thu - chi của ngân sách chính phủ hay quyết định điều tiết tiền tệ - tín dụng hằng năm. Hai chỉ tiêu này đã chệch khỏi mức độ mong muốn trong nhiều năm qua.

Việc này không dễ dàng giải quyết ngay. Lấy ví dụ, để hỗ trợ chống tình trạng nhập siêu, sẽ phải điều chỉnh tỉ giá cho phù hợp hơn. Chính sách này sẽ gặp phải nhiều rào cản từ khu vực doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để sản xuất và bán hàng trong nước. Hoặc để giảm lãi suất, đòi hỏi Chính phủ phải lái một luồng vốn lớn từ khu vực đang giữ nhiều nguồn lực nhất trong nền kinh tế ra những khu vực khác đang cần vốn. Điều đó sẽ động chạm tới khu vực kinh tế nhà nước đang chiếm tới 50% tổng số vốn đầu tư hằng năm của toàn xã hội.

Tóm lại, việc đặt ổn định vĩ mô lên ưu tiên hàng đầu của Chính phủ ngay từ đầu năm là một thông điệp tích cực. Nhưng việc ưu tiên này không phải chỉ là chữa trị những triệu chứng bệnh tạm thời của nền kinh tế, mà là phải đối mặt với cả một hội chứng bất ổn kinh niên đã tích tụ trong gần một thập niên qua. Đó không phải chỉ là câu chuyện của một năm nhưng phải làm như cam kết của Chính phủ để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

                                                                                                              TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH

(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR)

                                                                                                                        (Tuoitre.vn)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image