Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Bảy, 20/04/2024 04:47

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 13

13:44:00 13/09/2013

Chiều ngày 30/08/2013, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR ) đã tổ chức Seminar nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 13 với chủ đề “Kiểm tra sức chịu đựng các ngân hàng thương mại lớn ở Việt Nam”.

Diễn giả là Phùng Đức Quyền tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2013, và hiện đang là chuyên viên phân tích, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA). Trong khoảng thời gian còn là sinh viên, Quyền đã có định hướng nghiên cứu về các lĩnh vực tài chính vĩ mô và giám sát hoạt động ngân hàng. Năm 2012, Quyền đạt giải nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường Đại học Kinh tế và giải ba cấp Đại học Quốc gia Hà Nội với đề tài “Đo lường quá trình dẫn truyền lãi suất ở Việt Nam, giai đoạn 2005-2011”. Năm 2013, với đề tài “Kiểm tra sức chịu đựng các ngân hàng thương mại lớn ở Việt Nam”, Quyền đã đạt giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường Đại học Kinh tế, và đang dự thi cấp Bộ và cấp Đại học Quốc gia. Hiện tại Quyền cũng đang tham gia đề tài nghiên cứu “Xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực quản trị điều hành của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam” cấp Đại học Quốc gia cùng với TS. Trần Thị Thanh Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Tài chính – Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Toàn cảnh Seminar NC KT&CS số 13

Tham dự seminar có sự góp mặt của các chuyên gia cao cấp: TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Phạm Sỹ Thành (VEPR); các nghiên cứu viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ngân hàng cùng rất nhiều giảng viên, học viên và sinh viên đến từ ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, ĐHKTQD, ĐH Ngoại thương, HV Tài chính, HV Ngân hàng...   

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích đánh giá sức chịu đựng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong các điều kiện kinh tế bất lợi. Theo thông lệ áp dụng trên thế giới, quá trình kiểm tra được thực hiện theo 5 bước: i) xác định các ngân hàng làm đối tượng kiểm tra (17 ngân hàng thương mại lớn – chiếm 70% tổng tài sản của hệ thống – thời điểm cuối năm 2011); ii) xác định các nhân tố rủi ro của hệ thống ngân hàng để phân tích, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro tỉ giá và rủi ro giá tài sản (cổ phiếu); iii) xây dựng ba kịch bản cho nền kinh tế, gồm kịch bản cơ sở (thể hiện diễn biến thông thường của nền kinh tế), kịch bản “suy thoái kép” (dựa theo cuộc khủng hoảng 1997, có điều chỉnh theo những thay đổi trong cấu trúc kinh tế các nguy cơ ở hiện tại), kịch bản “trì trệ kéo dài” (xây dựng từ khu vực đuôi 1% trong đường phân phối xác suất của các dự báo từ mô hình VAR); iv) tính toán tác động của các kịch bản tới các ngân hàng, cụ thể tính toán rủi ro lãi suất sử dụng mô hình khe hở tái định giá, rủi ro tỉ giá sử dụng mô hình trạng thái ngoại tệ mở ròng, và rủi ro tín dụng sử dụng mô hình hồi quy số liệu bảng với tỉ lệ nợ xấu và các biến số vĩ mô của 55 quốc gia đang phát triển (thay thế cho Việt Nam vì thiếu số liệu); và v) diễn giải và thảo luận kết quả. Theo kết quả ước tính, sức chịu đựng của các ngân hàng trước cú sốc bất lợi là rất yếu. Ở kịch bản cơ sở, 8 ngân hàng không duy trì được hệ số CAR trên 9%, nhu cầu tái cấp vốn tương đương 0,78% GDP. Ở hai kịch bản bất lợi, không ngân hàng nào duy trì được hệ số CAR trên mức quy định, chi phí tái cấp vốn cho các ngân hàng lên tới 14,55-20,75% GDP năm 2012 theo giá thực tế. Cuối cùng, bài nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị về các giải pháp tương ứng với kết quả của mỗi kịch bản nhằm giúp nâng cao an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, bao gồm: cho những ngân hàng yếu kém phá sản, sáp nhập với ngân hàng khác, tăng vốn chủ sở hữu từ khu vực tư nhân, Nhà nước trực tiếp đứng ra góp vốn, và giải pháp mang tính căn bản nhất là ổn định và cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô.

Trong phần thảo luận về bài nghiên cứu, điều được mọi người quan tâm chính là cách thức xây dựng hai kịch bản “suy thoái kép” và “trì trệ kéo dài” mà tác giả đề xuất. Mặc dù cả hai kịch bản đều khó có thể xảy ra với Việt Nam, tuy nhiên TS. Nguyễn Đức Thành vẫn đánh giá cao phương pháp xây dựng cả hai kịch bản của tác giả, sử dụng linh hoạt cả lý thuyết và công cụ kinh tế lượng. Bên cạnh đó, cách thức áp dụng hai kịch bản vào đánh giá sức chịu đựng của các ngân hàng cũng là một vấn đề được lưu tâm, khi chưa được tác giả thể hiện rõ ràng trong bài trình bày. Về điều này, tác giả cũng giải thích những khó khăn nhất định khi đưa kết quả cụ thể vào trong phần trình bày ban đầu do mô hình ứng dụng được chạy trên nền Microsoft Excel. Tuy nhiên, tác giả cũng đã mở toàn bộ file Excel chứa toàn bộ dữ liệu của các ngân hàng (lấy từ báo cáo tài chính của các ngân hàng) để minh họa cụ thể hơn cho mọi người thấy phương pháp của mình. TS. Nguyễn Đức Thành một lần nữa đánh giá cao về khả năng ứng dụng mô hình của tác giả, đồng thời cho rằng kết quả mà tác giả đưa ra về chi tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng của Việt Nam, khi đem so sánh với các quốc gia khác, là hợp lý và có những ý nghĩa nhất định. Trong phần thảo luận sau đó, tác giả đã giải đáp cụ thể những thắc mắc và tiếp thu nghiêm túc những ý kiến góp ý nhằm tiếp tục hoàn thiện và phát triển bài nghiên cứu trong tương lai.

Download tài liệu tại ĐÂY

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image