Tìm kiếm
Thứ Ba, 23/04/2024 06:40

Đổi đất lấy thịt quay

11:26:00 13/08/2018

[VNExpress - 7/8/2018 - ThS. Nguyễn Khắc Giang] Bài viết từ ThS. Nguyễn Khắc Giang - Trưởng nhóm Nghiên cứu các vấn đề Chính trị - Xã hội của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về các vấn đề còn tồn tại trong triển khai mô hình BT hay “đổi đất lấy hạ tầng” gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. (VEPR)

Thời sinh viên, tôi đến trường trên con đường đi qua vài quán bia hơi. Cũng như nhiều cậu sinh viên khác, tôi thi thoảng ước mình đang ngồi hò dô trong những quán đông nghịt người đó, thay vì mướt mồ hôi dưới nắng gắt. Một cốc bia mát, vài củ lạc luộc, và nhất là đĩa thịt quay béo ngậy, là ước mơ của mọi cậu trai lười biếng. Đó là một giấc mơ xa xỉ. Chúng tôi chỉ thường chỉ ngồi với nhau trước một chai bia cỏ lít rưỡi và mấy gói lạc luộc.

Đường đi học của tôi ngày đó cũng qua một cánh đồng lớn. Trừ những ngày đốt rơm sau thu hoạch, cánh đồng mang lại chút ít mát mẻ cho những chặng đạp xe dài. Nó đem đến cho tôi giấc mơ khác: dải xanh này sẽ được giữ nguyên trước bóng ma đô thị hóa đang đổ dần về phía Hà Đông và Mỹ Đình.

Một trong hai giấc mơ đó đã thành sự thật, chắc độc giả biết đó là giấc mơ nào. Tôi giờ không giàu có gì, nhưng khi muốn vẫn có thể ghé vào một quán bia có máy lạnh nào đó với bạn bè, ê hề thịt cá. Nó trở thành một thứ dịch vụ bình dân.

Còn cánh đồng xanh giờ đã thành hình hài của một khu đô thị mới, với cái tên mang âm hưởng tiếng Pháp. Những gốc đào hay ruộng lúa ngày xưa nhường chỗ cho những căn biệt thự kiểu mẫu, trung tâm thương mại, hay nhà liền kề trong một diện tích quy hoạch hơn 30 hecta. Và dự án đó đang bị thanh tra, vì tính minh bạch trong việc giao đất cho doanh nghiệp.

Trớ trêu thay, đến lúc này tôi mới biết hai giấc mơ của tôi là một trò chơi có tổng bằng không: chúng thực sự loại trừ nhau. Dự án bất động sản kia thuộc sở hữu của một tập đoàn có xuất phát điểm là chuỗi nhà hàng bia hơi. Liệu những cốc bia tôi uống có góp phần bóp chết đồng ruộng?

Tốc độ phát triển chóng mặt của khối kinh tế tư nhân trong những năm qua đã khiến cho vô số dịch vụ và tiện ích mà người Việt từng mơ ước, trở nên đơn giản: nhà hàng, khách sạn, siêu thị, hàng hóa tiêu dùng nhanh,... từng là biểu tượng của sự xa xỉ cách đây ít lâu giờ thành những thứ bình dân ai cũng tiếp cận được. Tất cả nhờ sự năng nổ hoạt bát của các thương nhân khu vực tư.

Nhưng cái giá của tốc độ chóng mặt ấy, sự hùng mạnh của các tập đoàn tư nhân, cái giá của việc một thị dân như tôi có thể ngồi nhà hàng máy lạnh uống bia ăn thịt quay, có thể đắt hơn những gì chúng ta nhìn thấy.

Để đổi lấy cánh đồng trong ký ức của tôi, tập đoàn trên phải thực hiện một số dự án cải tạo môi trường trên địa bàn Hà Nội. Hình thức “đổi chác” này được gọi tên là “đổi đất lấy hạ tầng”, hay BT - xây dựng và chuyển giao - được áp dụng như công cụ phổ biến trong trong quản lý, sử dụng tài sản công những năm qua.

Nhưng khi chủ đầu tư bắt đầu bán nhà trên đất được "đổi", thì cuộc cải tạo môi trường vẫn còn ngổn ngang sau gần chục năm. Đó là một cuộc đổi chác không công bằng. Và đó không phải là một hiện trạng hiếm: mới chỉ qua 30 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện sai phạm tài chính 4.515 tỷ đồng.

Tuần rồi, Bộ Tài chính đã tái công bố tạm dừng lại chủ trương này. Một trong những lý do tôi tìm thấy, trích nguyên văn của Kiểm toán Nhà nước: "Quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá".

“Không đảm bảo nguyên tắc ngang giá” ở đây hiểu nôm na là đất được đổi không đúng giá. Bên cạnh đó, BT còn được nhắc đến vì sự thiếu minh bạch. Tất cả các dự án BT đều chỉ định thầu, hay thiếu sự thuyết phục về định giá đất đai và tài sản công, giúp cho một số đại gia giàu lên nhanh chóng.

Trên thế giới những hình thức hợp tác công - tư như BOT, BT đã từng được áp dụng thành công. Đối diện với ngân sách thiếu hụt, nhà nước tạo ra nhiều cơ chế thu hút tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng. Các tập đoàn tư nhân thậm chí còn nắm giữ những hạ tầng quan trọng như sân bay Heathrow (Anh) hay Frankfurt (Đức).

Thế nhưng, để tư nhân tham gia hiệu quả thì buộc nhà nước phải có cơ chế minh bạch, tiêu chí rõ ràng, tính cạnh tranh cao, với quá trình giám sát chặt chẽ và hiệu quả. Khi chưa làm được điều đó, BT sẽ khiến nhà nước và người dân thiệt kép: hạ tầng vẫn không được đảm bảo, ngân sách vẫn mất, từng miếng “đất vàng” dần biến mất trong nỗi lo tham nhũng và trục lợi.

Tranh cãi về BT là một lát cắt nhỏ trong một vấn đề lớn hơn: sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân. Khi nền kinh tế thị trường tăng tốc, tất yếu nhà nước sẽ phải thoái lui nhường chỗ cho các thành phần kinh tế khác. Nhưng sự thoái lui chỉ là về mặt kinh doanh, chứ không phải là quản lý. Bởi kinh tế thị trường cũng có nhiều hình hài không hề đáng mong muốn: chủ nghĩa thân hữu nơi doanh nghiệp cấu kết với quan chức biến chất để tìm kiếm đặc lợi. Tìm đến tư nhân với nguồn lực dồi dào và tính hiệu quả cao để phát triển hạ tầng là cần thiết, thậm chí là tất yếu. Nhưng không thể lấy cái “tất yếu” này để biện minh cho những cuộc trục lợi nhân danh phát triển.

Miếng thịt quay tôi thèm thuồng thuở sinh viên, thật ra chính là biểu hiện của mong ước kinh điển trong nhiều người Việt Nam suốt những thập kỷ trước: mong ước nền kinh tế thị trường lớn mạnh để mình có thể tiếp cận hàng hóa và dịch vụ sung sướng hơn. Một thứ mong ước đã đi vào văn học. Tôi không có vấn đề gì với “kinh tế tư nhân” nói chung, thậm chí còn ra sức ủng hộ nếu cuộc phát triển là minh bạch.

Nhưng cái giá phải trả cho miếng thịt quay đó có thể không ghi trên hóa đơn: sự công bằng của tôi, tài nguyên đất của con cái tôi, có thể đã bị tước đoạt để đổi lấy hàng núi tiền “lộc lá” mà các nhà buôn bất động sản dùng làm vốn cho sự phát triển của họ, cho những nhà hàng này, khách sạn này, cho những dịch vụ tiện nghi này. Tôi có thể đã (bị buộc) đổi đất lấy thịt quay, bia tươi và máy lạnh.

Mấy nghìn tỷ sai phạm chỉ là bề nổi của tảng băng, nhưng tôi vẫn muốn hỏi: bạn có sẵn lòng nhìn thấy hàng nghìn tỷ giá trị bất động sản và hạ tầng dịch vụ, vốn là các tiện nghi bạn tận hưởng trước mắt, biến mất để đổi lại những cánh đồng bị gán rẻ xưa kia?

Nếu câu trả lời là “có”, thì tôi và bạn chia sẻ với nhau một hiện thực phũ phàng: tiền có thể trả lại, nhưng không ai trả lại cánh đồng, trả lại số phận những con người bị cưỡng chế, trả lại sự phát triển bền vững cho chúng ta được.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image