Tìm kiếm
Thứ Tư, 24/04/2024 05:14

Cạnh tranh không lành mạnh làm tăng chi phí tuyển dụng thực tập sinh

14:57:00 26/05/2017

[Thời báo Tài chính - 26/05/17 - TS. Nguyễn Đức Thành, Ông Umeda Kunio] Chi phí tham gia vào chương trình thực tập sinh cao khiến các thực tập sinh thường tập trung vào kiếm tiền mà ít chú trọng đến việc học hỏi kỹ năng, đặc biệt trong 7 tháng đầu tiên tại Nhật Bản.

Nhận định này được các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo “Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng”, do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), và Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), tổ chức ngày 26/5.

Tại hội thảo, ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định thời gian qua số lượng các thực tập sinh Việt Nam được phái cử sang Nhật Bản đã gia tăng nhanh chóng,  dòng đầu tư của nước này vào Việt Nam, đặc biệt là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng nhanh. Điều này có vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực công nghiệp cho Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ song phương giữa Việt Nam – Nhật Bản.

Chỉ riêng trong năm 2016, lượng thực tập sinh (TTS) Việt Nam được cử sang Nhật Bản đã lên tới hơn 40.000, nâng tổng số TTS Việt Nam tại Nhật Bản tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người. Đồng thời, số TTS về nước cũng chiếm tỷ lệ đông. Cũng theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), hiện nay trong tổng số 282 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, có 236 doanh nghiệp đưa TTS sang thị trường Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, số TTS Việt Nam sang Nhật Bản cao nhưng chủ yếu là để kiếm tiền hơn là học kỹ năng. Lý giải điều này, theo ông Thành, do chi phí tham gia vào chương trình cao khiến TTS phải vay nợ trong giai đoạn đầu. Trước áp lực trả nợ lớn, TTS thường vì tập trung vào kiếm tiền mà sao nhãng việc học hỏi kỹ năng, đặc biệt trong 7 tháng đầu tiên tại Nhật Bản.

Theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, doanh nghiệp đưa thực tập sinh được thu phí không quá 3.600 USD mỗi người với hợp đồng 3 năm, không thu thêm phí dịch vụ với người được chuyển sang thực tập năm thứ tư và thứ năm.

Ông Thành cho rằng, quy định là vậy nhưng chi phí thực có thể lớn hơn tùy từng doanh nghiệp nếu tính cả chi phí đào tạo (thường 1.000 USD), và chi phí cho môi giới trung gian (900 USD). Như vậy, tính trung bình người lao động sẽ mất tổng chi phí hơn 5.000 USD.

Các doanh nghiệp phái cử mới gia nhập thị trường cũng có xu hướng trả tiền cho các nghiệp đoàn để có được đơn hàng thay vì cạnh tranh bằng cách giảm chi phí tuyển dụng. Bên cạnh đó, các môi giới trung gian cũng được “thể chế hóa” như phải thông qua các cơ quan giới thiệu việc làm tại địa phương, hay lãnh đạo các trường dạy nghề…

Chính những yếu tố này và sự thiếu minh bạch, thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường khiến chi phí tuyển dụng TTS đang ở mức cao, tạo áp lực thu nhập cho TTS, ảnh hưởng tới tâm lý học tập, động lực tích lũy kỹ năng của họ. Thêm vào đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty phái cử dẫn tới nhiều công ty không chú trọng đào tạo khiến TTS gặp khó khăn khi phải thích nghi với môi trường làm việc mới.

Ông Thành cho rằng, để nâng cao hiệu quả các chương trình, TTS cần phải cải thiện tính minh bạch của thị trường, cung cấp nhiều thông tin hơn cho các bên liên quan, đặc biệt là TTS. Đồng thời cải thiện hệ thống tuyển dụng, tiếp cận trực tiếp tới các ứng viên tiềm năng nhằm thu hẹp vai trò của trung gian.

Cũng theo ông Thành, hiện Cổng thông tin Kết nối việc làm TTS (www.ttsjapan.org.vn) cũng đang được hoàn thiện, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng tới. Qua đó, các doanh nghiệp phái cử có thể theo dõi, hỗ trợ các TTS  của mình trong quá trình thực tập ở Nhật Bản, các TTS sau khi về nước cũng có thể dễ dàng kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguồn lao động này ở Việt Nam./.

Mai Đan

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image